4 lần tìm cách tự tử
Gần một tuần trước khi phiên tòa xét xử sơ thẩm đối tượng Doãn Trung Dũng (SN 1971, trú tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí) - người bị buộc tội gây ra thảm sát bà Nguyễn Thị Hát (SN 1955) cùng ba cháu ngoại tại gia đình chị Vũ Thị Thanh (SN 1983) ở phường Phương Nam (TP Uông Bí) vào rạng sáng 23/9 diễn ra thì cáo trạng buộc tội Dũng đã được công bố. Những tưởng thông tin đó sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân nơi đây. Tuy nhiên, có lẽ sự dã man của hung thủ và nỗi đau quá lớn của gia đình nạn nhân và bị cáo khiến cho phiên tòa trở nên ảm đạm.
Sáng sớm ngày phiên tòa diễn ra là không gian vắng lặng ít người qua lại. Ngoài lực lượng an ninh đang làm nhiệm vụ và cơ quan báo chí đến tác nghiệp thì hầu như không có người dân đến theo dõi phiên tòa. Trước khi Doãn Trung Dũng được đưa đến tòa khoảng 20 phút, chị Đỗ Thị H (SN 1978, vợ Dũng) cùng hai con và mẹ đẻ Bùi Thị N (74 tuổi) mới có mặt, trong khi gia đình nạn nhân đến muộn hơn.
Tại tòa án, Dũng khai, khi phát hiện công an đến nhà triệu tập lên làm việc, Dũng đã bỏ trốn. Rạng sáng 25/9, để tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng, Dũng đã đến nhà bác ruột ẩn náu nói dối trốn nợ. Đến tối 26/9, khi đến quán cà phê Ngọc Anh để nhận thuốc ngủ từ người quen thì đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Trước tình tiết Dũng có ăn cơm ở nhà vào tối 23/9 hay không và vì sao phải mang con dao theo người trước khi đến nhà chị Thanh, Dũng trả lời, cách đó ít ngày, Dũng đã chơi ma túy đá và do bị ảo giác nên lúc nào cũng thấy có người đi theo khiến hắn bất an. Do vậy, Dũng mang theo bên người con dao của gia đình để phòng vệ. Còn tối hôm đó có ăn cơm ở nhà hay không thì bản thân Dũng không nhớ, nhưng khi đến nhà chị Thanh thì được bà Hát mời ăn cơm giữa lúc trời mưa to.
Doãn Trung Dũng được đeo dụng cụ chống cắn lưỡi tại tòa. ẢNh: Đức Tùy
Trả lời câu hỏi: “Vì sao khi ra tòa Dũng phải đeo một loại dụng cụ lạ trên miệng?”, một cán bộ điều tra lí giải: Từ ngày Dũng bị cơ quan điều tra bắt giam, đã 4 lần Dũng tìm cách tự tử hòng thoát tội. Đặc biệt, sau khi biết cáo trạng luận tội thì gần đây nhất vào đêm ngày 2/12, Dũng đã tự tử, nhưng được cán bộ trại giam phát hiện kịp thời và từ đó trở đi, Dũng phải đeo thiết bị chống cắn lưỡi.
Nỗi đau của người vợ
Có mặt tại phiên tòa, ngoài sự có mặt của một số ít người dân là hai bên gia đình bị cáo và nạn nhân. Mỗi người một vẻ mặt, tâm tư và suy nghĩ khác nhau. Không ai bảo ai, họ lặng lẽ ngồi theo dõi phiên tòa và thỉnh thoảng hướng ánh mắt về hung thủ Doãn Trung Dũng đang được lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. Trớ trêu thay, tại hàng ghế thứ hai, chị H lại ngồi cùng gia đình nạn nhân để thuận tiện cho việc trả lời trước tòa.
Trong phiên tòa, lúc nào chị H cũng khóc nức nở. Gương mặt chị gầy sọp và đôi mắt thâm quầng, chị vẫn không tin chồng mình lại có thể gây ra cái chết thương tâm cho dì Hát và ba cháu nhỏ. Bao nhiêu nước mắt và nỗi đau ấy khiến chị gục ngã và muốn buông xuôi tất cả. Chưa khi nào, chị H lại bị giằng xé đến vậy, bởi một bên là chồng, một bên là người họ hàng thân thích. Nhìn thấy xe chở chồng đến tòa án, chị đã gào khóc gọi tên Dũng và chạy ra mong nhìn thấy mặt chồng. Từ trong sâu thẳm chị có thể cảm nhận được, đây có thể là lần cuối vợ con và mẹ đẻ nhìn thấy mặt Dũng. “Nhiều lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết để cho đỡ khổ và sự soi mói của người đời. Nhưng nếu tôi chết đi, ai sẽ là người nuôi hai con và mẹ chồng già yếu đây?”, chị H nghẹn ngào.
Khác hẳn với chị H, gia đình ông Hùng cùng chị Vũ Thị Thanh, chị Vũ Thị Oanh và người thân ngồi im lặng không nói một lời, thỉnh thoảng lại hướng ánh mắt căm giận về phía Dũng. Nhưng đến khi nghe Dũng nói về quá trình sát hại từng người trong gia đình thì chị Thanh đã khóc, không giữ được bình tĩnh và phản ứng dữ dội.
Tâm sự với chúng tôi, ông Vũ Văn Hùng (chồng bà Hát) cho biết: Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, các thành viên trong gia đình vẫn chưa lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Nếu đi làm thì không sao, còn về đến nhà nhìn thấy di ảnh của vợ và ba cháu khiến ai cũng đau xót. Cũng từ ngày đó, ông chuyển về sống cùng chị Thanh cho ấm cúng. “Trước khi lên tòa án, tôi đã bảo mọi người thân trong gia đình phải giữ bình tĩnh, mọi việc đã có pháp luật và tòa án phán xét. Ai gây ra hậu quả thì phải gánh chịu, còn những người khác trong gia đình Dũng thì họ vô tội”, ông Hùng tâm sự.
Cũng theo ông Hùng, trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình ông đã làm đơn gửi lên tòa án với ba yêu cầu mong muốn phiên tòa sẽ xử tại nơi xảy ra vụ án, yêu cầu gia đình Dũng bồi thường 220 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng cho lễ tang 4 bà cháu và 120 triệu đồng bồi thường tổn hại tinh thần gia đình. Đồng thời, nếu tòa tuyên án tử hình thì phải cho gia đình biết Dũng đã bị chết thật hay chưa. Ông Hùng nói: “Bây giờ có đến cả nghìn tỉ cũng không thể bù đắp được nỗi đau, sự mất mát và lấy lại sự sống của vợ tôi và ba đứa cháu. Tôi biết, gia đình tôi đau đớn thì người thân của Dũng cũng không sung sướng gì”.
Vào lúc 12h15 ngày 16/12, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Doãn Trung Dũng án tử hình về tội giết người, án tử hình tội cướp tài sản. Tổng hình phạt là tử hình và bồi thường 220 triệu đồng cho gia đình bị hại. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn