Việt Nam cần một thứ gần giống như ôtô

Thứ ba - 15/08/2017 07:23

Việt Nam cần một thứ gần giống như ôtô

Chủ đề ôtô tại Việt Nam vẫn luôn nóng bỏng, đầy mâu thuẫn và tại sao chúng ta không nghĩ khác đi.

Chủ đề mâu thuẫn giữa khao khát sử dụng trong vận chuyển của người dân, cũng như ước mơ về công nghiệp sản xuất ôtô để đáp ứng nhu cầu và hạn chế của cơ sở hạ tầng đi kèm với hàng rào thuế quan.

Xét về hoàn cảnh chung

Ôtô 4 bánh ra đời từ động cơ hóa xe ngựa phương Tây thế kỷ 19. Phương tiện đáp ứng nhu cầu cơ bản trong giao thông gồm: vận chuyển bằng động cơ, có không gian bảo vệ người dùng khỏi thời tiết bên ngoài. Và nhu cầu này đối với người Việt Nam là rất bức thiết khi kinh tế đã ngày một khá hơn.

Nếu bạn ra đường và nhìn cảnh rừng người đi xe máy bịt mặt bịt mũi để tránh mưa nắng khói bụi, cùng các em bé non nớt phải "lặn lội" với người lớn, mới thấy ý nghĩa bảo vệ sức khỏe và an toàn của ôtô nó to lớn thế nào. Ôtô nhất định không phải là một phương tiện xa xỉ hay là một hàng hóa “tiêu thụ đặc biệt’’, nó chỉ là một phương tiện giao thông lẽ ra là cơ bản, là tối thiểu của cuộc sống. Còn chiếc xe máy, có lẽ vị trí chính xác của nó là phương tiện thô sơ di chuyển dã chiến hoặc một môn thể thao có phần nguy hiểm thì đúng hơn.

Nhu cầu của nhân loại là như vậy, vì thế mà công nghiệp sản xuất ôtô trở thành một ngành sản xuất lớn, là mơ ước không chỉ của chính phủ - doanh nghiệp Việt Nam mà của bất kỳ quốc gia nào. Một quốc gia sản xuất được ôtô thì kiêu hãnh vì đa phần phải là cường quốc công nghiệp.

Nhưng Việt Nam chưa phải là một cường quốc công nghiệp. Việc theo đuổi ngành công nghiệp này cũng có nghĩa là theo đuổi cả một khối nhiều ngành sản xuất thiết bị phụ trợ khác. Việt Nam đã có nhiều chính sách, nhiều chiến lược theo đuổi việc nâng dần mức độ nội địa hóa của chiếc ôtô mơ ước, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Lý do đơn giản là bài toán kinh tế quyết định tất cả. Và chắc chắn là nếu đi tiếp con đường này, chúng ta sẽ mãi bị bỏ theo sau Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, chứ khoan đã nói đến Hàn Quốc, Trung Quốc ở nhóm trên hay các đỉnh cao Nhật Bản, Đức, Mỹ, Pháp …

Quay lại vấn đề chiến lược cạnh tranh

Thật không khôn ngoan nếu bạn lấy sở đoản của mình để thi đấu với sở trường của người ta. Dù cho thị trường Việt Nam là trong tay kiểm soát phần nào của chúng ta, thời đại toàn cầu hóa này không giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam (nếu có) và thị phần này là của người Việt Nam thực sự. Càng theo đuổi công nghiệp ôtô dùng động cơ đốt trong, chúng ta càng ‘’cúng’’ miếng bánh đó cho các hãng ôtô nước ngoài, cùng những đại lý phân phối người Việt của họ.

Theo tôi, không cần phải nói nhiều hay cố gắng trong mù mờ, cuộc chiến chưa khai ngòi nhưng đã ngã ngũ. Chúng ta không thể ảo vọng xây dựng được công nghiệp ôtô riêng nếu vẫn theo con đường cũ! Mà rút cuộc là để làm gì ? Để kiếm tiền, để hãnh diện dân tộc, hay để đáp ứng cho nhu cầu của người dân?

Tại sao không nghĩ khác đi

Ở đây, điều quan trọng cốt lõi nhất vẫn là một loại phương tiện giao thông cá nhân an toàn hơn, bảo đảm sức khỏe hơn, đáp ứng nhu cầu cơ bản ấy của con người và cũng phần nào phù hợp với điều kiện giao thông nghèo nàn của đất nước.

Ôtô là một phương tiện lãng phí không gian và năng lượng hơn chiếc xe máy. Ngược lại, chiếc xe máy lại thiếu an toàn và dễ gây sự hỗn loạn do tính cơ động len lỏi của nó.

Sản xuất ôtô cũng không theo nổi thế giới. Sản xuất xe máy thì không thể là con đường của tương lai.

Vậy tại sao chúng ta không sản xuất những chiếc xe hai chỗ ngồi, nhỏ gọn, loại mà tiếng Anh gọi là velomobile. Xe tự đứng vững vì có ba hoặc bốn bánh nhưng giảm thiểu kích thước xuống để tránh lãng phí không gian đường sá. Xe có vỏ bọc che nắng mưa, có bộ lọc không khí, và hoàn toàn có thể dùng một máy điều hòa nhỏ để đảm bảo không gian nhỏ bé đó mát mẻ. Chiếc xe như vậy rõ ràng là phù hợp cho đại đa số người Việt Nam hơn rất nhiều một chiếc ô tô. Xe cũng tiết kiệm hơn rất nhiều ôtô thông thường, có lẽ không hơn chiếc xe máy là bao nhiêu về mọi mặt.

Những chiếc xe hai chỗ ngồi, nhỏ gọn, loại mà tiếng Anh gọi là velomobile. 

Thêm vào đó, động cơ đốt trong dùng năng lượng hóa thạch đang dần dần được thay thế và loại bỏ. Động cơ điện ngày một phổ biến hơn. Xe đạp điện do người Việt sản xuất vẫn đang di chuyển đầy đường đó thôi! Khó khăn gì để gắn một động cơ như thế vào chiếc velomobile ‘"made in Vietnam" nói trên ?

Trung Quốc dường như đang đi tắt đón đầu toàn thế giới khi công nghiệp sản xuất xe điện ở họ đang bùng nổ mãnh liệt. Họ đã đi sau thế giới về dòng sản phẩm xe ô tô động cơ đốt trong và dù có gắng theo đuổi 20-30 năm nay, họ vẫn chỉ quanh quẩn thị trường trong nước. Có lẽ vì vậy mà trong chu kỳ công nghệ mới, Trung Quốc đã mạnh dạn đầu tư rất mạnh vào dòng xe ô tô điện.

Viễn cảnh

Nếu chính phủ Việt Nam cho phép doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, và người dân sử dụng velomobile điện, tôi cam đoan là thị trường sẽ bùng nổ mạnh mẽ chỉ trong vài năm. Về công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể làm được và làm tốt. Về thị trường, chúng ta không có đối thủ cạnh tranh trước mắt và đáp ứng đúng ngay nhu cầu bức thiết khổng lồ của người dân. Về chiến lược, chúng ta tránh được đối đầu với các thế lực lớn trong công nghiệp ôtô. Về toàn cảnh, nếu chúng ta có được sức mạnh từ trong nước, tiến đến xuất khẩu thị trường nước ngoài sẽ không khó. Thậm chí, Việt Nam sẽ là cường quốc đi đầu về lĩnh vực sản xuất velomobile, vốn còn rất hạn chế và đắt đỏ trên thế giới.

Velomobile, hay nói cách khác là những loại xe có vỏ bọc bảo vệ người sử dụng như ôtô, nhưng nhỏ hơn ôtô, sử dụng động cơ điện hoặc đạp bằng chân, là loại phương tiện giao thông rất phù hợp với hoàn cảnh phát triển của Việt Nam. Nó là sự kết hợp những điểm mạnh của xe máy và ôtô. Nếu chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi chiến lược sản xuất velomobile, khả năng thành công là rất cao, rất khả thi.

Độc giảDr. Biomass

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây