Trong chuyến thăm Đức đầu tháng 7, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ với lãnh đạo BMW và khẳng định, sẽ cho phép hãng xe này bảo dưỡng và sớm giải quyết lô 700 xe BMW đang nằm tại cảng Việt Nam, sau những lùm xùm làm giấy tờ giả của nhà phân phối Euro Auto. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết BMW phải thay đại lý tại Việt Nam để có một môi trường kinh doanh minh bạch và hấp dẫn.
Để có thể tiếp tục bán xe BMW tại Việt Nam, tập đoàn xe hơi Đức sẽ phải cắt quyền nhập khẩu, phân phối của những đối tác hiện tại, và tìm một nhà phân phối khác.
Cái tên nào sẽ trở thành đối tác mới của hãng xe sang Đức?
Theo giới thạo tin, có hai hướng đi trong sự việc này, khả năng đầu tiên là BMW sẽ liên doanh với một hãng xe lớn trong nước, và trường hợp thứ hai là vẫn thông qua nhà phân phối cũ nhưng hình thức một công ty mới.
BMW sẽ liên doanh với một hãng trong nước?
Liên doanh với hãng xe trong nước là cơ sở để BMW lắp ráp tại Việt Nam. |
Đây là viễn cảnh được các chuyên gia trong ngành đánh giá dễ thành hiện thực. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo BMW cho biết hãng này muốn tìm cơ hội đầu tư nhà máy tại Việt Nam, để tăng cường nội địa hóa nhiều loại linh kiện. Theo giới thạo tin, để làm được điều này, cách mà các hãng lớn trên thế giới chọn hiện nay là liên doanh và chuyển giao công nghệ cho một hãng xe trong nước.
Có nhiều đơn vị muốn trở thành nhà phân phối mới của BMW, cả những công ty tên tuổi trong làng ôtô và những tập đoàn đa nghề khác mở rộng danh mục đầu tư. Nhưng để những tính toán về chiến lược lắp xe ở Việt Nam trở thành hiện thực, liên doanh với một hãng trong nước là phù hợp nhất.
"Tiềm lực kinh tế không phải là yếu tố then chốt, kinh nghiệm và hạ tầng mạng lưới phân phối mới là cốt lõi", Giám đốc một hãng xe sang tiết lộ.
Đây cũng là cách mà BMW đang làm tại Malaysia. Liên doanh ra đời từ 2003, với 51% cổ phần của BMW và 49% của Sime Darby, tập đoàn hàng đầu tại châu Á trong phân phối ôtô hạng sang. Ngay sau khi thành lập, công ty này tiến hành sản xuất những mẫu xe đầu tiên của BMW tại Malaysia. Đến nay, nhà máy này lắp khoảng 20 phiên bản của các mẫu xe thương mại hai thương hiệu BMW và MINI như serie 1, X1, X3, X4, X5, serie 3, Countryman...
Nếu BMW cũng áp dụng hình thức này ở Việt Nam, phù hợp nhất sẽ là một đối tác có tiềm lực tài chính tốt, có mạng lưới phân phối rộng trên cả nước và quan trọng là sẵn sàng nhà xưởng hoặc có cơ sở để mở rộng nhà xưởng. Việc còn lại là những ký kết để góp vốn, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư của các hãng linh kiện, từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Tại Việt Nam, để sẵn các điều kiện này chỉ là số ít. Hai cái tên nổi bật nhất là Trường Hải với kinh nghiệm lắp Mazda, Kia và Thành Công đang đầu tư lớn cho Hyundai. Nhiều dự đoán nghiêng về Trường Hải nhưng đại diện tập đoàn này cho biết chưa có bất cứ thông tin nào về việc hợp tác với hãng xe Đức.
BMW sử dụng nhà phân phối cũ?
Nếu sử dụng nhà phân phối cũ, hãng vẫn cần liên doanh để phát triển lắp ráp. |
Khả năng thứ hai mà giới thạo tin tiết lộ là BMW vẫn sẽ sử dụng nhà phân phối cũ nhưng dưới hình thức một công ty mới.
Phía sau nhà phân phối Euro Auto chính là Sime Darby, đối tác của BMW tại Malaysia. Từ năm 2013 tập đoàn đa ngành của Malaysia nắm giữ hơn 90% cổ phần tại Euro Auto.
Đầu 2016, Sime Darby thành lập thêm công ty con Performance Motors Vietnam có chức năng hoạt động tương tự Euro Auto, cùng bán hàng, phụ tùng xe BMW. Khi công ty này ra đời, Euro Auto tập trung vào chức năng nhập khẩu, trong khi khâu phân phối do Performance Motors đảm nhiệm. Nhưng sau khi bị điều tra vì gian lận giấy tờ, khai giá thấp để trốn thuế, cánh cửa của Euro Auto đã khép lại, cơ hội cho một đơn vị khác.
"Sime Darby có thể sử dụng Performance Motors, thậm chí lập ra một công ty mới tinh để tiếp tục phân phối xe BMW", một lãnh đạo trong ngành nhận định.
Vị này cho rằng dù chọn đại diện nào, để phát triển theo kế hoạch sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam mà BMW Đức đang hướng tới, vẫn cần liên doanh với một hãng xe lớn mạnh trong nước để tận dụng nền tảng nhà xưởng.
Trong cả hai khả năng mà giới chuyên gia phân tích đều xuất hiện hình thức liên doanh với một hãng xe trong nước. Nếu hình thức này trở thành sự thật, mô hình như 20 năm trước sẽ quay lại. Khoảng năm 1994, BMW được lắp ráp tại nhà máy của Công ty ôtô Hòa Bình (VMC) cùng Mazda và Kia. Nhưng tất cả đều "dứt áo ra đi" vì không thành công, sau đó quay lại dưới quyền kinh doanh của một hãng khác và phát triển tốt.
BMW về với một hãng lớn sẽ là điểm bắt đầu cho một thời kỳ mới, trở thành thương hiệu xe sang thứ 2 lắp tại Việt Nam, sau Mercedes. Mức giá có thể giảm nếu tăng hàm lượng giá trị nội địa, cuộc chiến ở phân khúc xe sang cũng khắc nghiệt hơn. Sau hơn 20 năm lận đận, thương hiệu BMW đứng trước cơ hội bước sang một giai đoạn mới với nhiều tín hiệu sáng tại Việt Nam.
Đức HuyNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn