Triển lãm ô tô Việt Nam 2017 (VMS 2017) tổ chức từ ngày 1-5/8, tại TP.Hồ Chí Minh được quan tâm rất lớn bởi những gì các hãng xe thuộc Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) thể hiện, sẽ phần nào nói lên “bức tranh” của thị trường ô tô Việt Nam khi cột mốc 2018 đang đến rất gần.
Xe cỡ nhỏ, giá rẻ lên ngôi
Dạo một vòng triển lãm VMS 2017, có thể thấy được sự đa dạng của các mẫu xe, trải đều từ xe cỡ nhỏ, cỡ lớn cho đến xe hạng sang, không còn tập trung nhiều vào xe gầm cao như các năm gần đây. Đáng chú ý là các dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ được Toyota, Honda, Suzuki ,... lần đầu tiên mang đến.
Toyota Việt Nam đưa về dòng hatchback Wigo nằm cùng phân khúc với Hyundai Grand i10 và Kia Morning. Toyota Wigo được sản xuất tại Indonesia dự kiến sẽ được bán trong năm 2018.
Ở cùng phân khúc này, Suzuki Việt Nam cũng lần đầu tiên giới thiệu mẫu Celerio sử dụng động cơ 3 xi-lanh, dung tích chỉ 1.0 lít, tích hợp công nghệ tự động tắt máy khi dừng xe nhằm giúp tiết kiệm nhiên liệu. Suzuki Celerio dự kiến sẽ có giá rất rẻ.
Ở phân khúc hạng B cao hơn, Honda Việt Nam đã chính thức giới thiệu mẫu hatchback Jazz lần đầu tiên xuất hiện ở thị trường trong nước. Đây là mẫu xe được cho là sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ hatchback hạng B như Toyota Yaris hay Mazda2.
Avanza là mẫu xe quan trọng trong chiến lược xe giá rẻ của Toyota
Toyota tiếp tục thể hiện hướng đi vào phân khúc xe giá rẻ khi giới thiệu mẫu MPV 7 chỗ Avanza. Mẫu xe này đang “làm mưa làm gió” tại các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia với doanh số rất cao nhờ mức giá rẻ. Nếu như được bán vào đầu năm sau, chắc chắn Toyota Avanza sẽ thâu tóm phân khúc MPV cỡ nhỏ tại Việt Nam hiện chỉ có Suzuki Ertiga “một mình một chợ”.
Việc các hãng mang xe nhỏ, giá thấp tới VMS 2017 được giới chuyên môn nhận định là phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay cũng như đón đầu phân khúc xe giá rẻ. Nơi mà số khách hàng lần đầu mua xe hơi sẽ tăng lên rất nhanh trong thời gian tới.
Nhập khẩu thay vì lắp ráp
Triển lãm VMS 2017 diễn ra ở thời điểm cận kề cột mốc 2018. Khi đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% cho những xe có tỉ lệ linh kiện các nước Asean từ 40% có hiệu lực, sẽ tác động đến giá xe nhập khẩu từ Asean. Lựa chọn chuyển sang nhập khẩu hay tiếp tục lắp ráp làm đau đầu các hãng xe thuộc Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA). Giờ đây, mọi chuyện gần như đã an bài.
Theo thống kê, trong 8 mẫu xe mới ra mắt tại VMS 2017 thì có đến 7 mẫu xe là nhập khẩu. Chỉ duy nhất có mẫu xe Mercedes C-Class là lắp ráp trong nước.
“Ông lớn” Toyota và cũng đang là chủ tịch VAMA chọn hai sản phẩm trung tâm là Wigo và Avanza đều nhập khẩu từ Indonesia. Điều đáng nói đây là hai sản phẩm hoàn toàn mới của hãng và sẽ là sản phẩm thể hiện chiến lược tấn công vào phân khúc xe giá rẻ trong thời gian tới. Mẫu minivan hạng sang Alphard cũng được nhập khẩu từ Nhật.
Honda cũng như một số hãng xe khác đang chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp.
Một hãng xe Nhật khác là Honda Việt Nam chọn giới thiệu chiếc Jazz mới. Nằm cùng phân khúc với Toyota Yaris và Mazda2, Jazz cũng sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan. Theo giới chuyên môn, Honda sẽ chuyển gần hết các sản phẩm của mình sang nhập khẩu từ Thái Lan, chỉ còn lắp ráp mỗi mẫu sedan hạng B City. Ngay cả mẫu CR-V hoàn toàn mới sắp ra mắt cũng nhiều khả năng được nhập khẩu thay vì lắp ráp như hiện tại.
Sau một năm lỡ hẹn, cuối cùng Chevrolet cũng đã giới thiệu mẫu SUV 7 chỗ Trailblazer để cạnh tranh với Toyota Fortuner, Ford Everest hay Isuzu mu-X. Trailblazer sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan giống như mẫu bán tải Colorado.
Dù là hãng xe chiếm thị phần nhỏ nhưng việc Suzuki giới thiệu mẫu Celerio nhập khẩu từ Thái Lan cũng cho thấy hãng xe này đang thiên về nhập khẩu hơn lắp ráp.
“Nín thở” chờ 2018
Chỉ còn chưa tới 5 tháng nữa là bước sang năm 2018. Cột mốc được xem là quan trọng của thị trường ô tô Việt Nam. Đa số các hãng thuộc Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã gần như thể hiện chiến lược chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, một số hãng xe vẫn tỏ ra thận trọng trong hướng đi trong thời gian tới. Ford Việt Nam không ra mắt mẫu xe nào dù Fiesta và EcoSport đã có thế hệ mới và phiên bản nâng cấp tại thị trường nước ngoài. Honda không ra mắt mẫu CR-V hoàn toàn mới dù thông tin về mẫu xe này đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu. GM Việt Nam đang có tỷ lệ xe nhập và lắp ráp cân bằng nhất. Ông lớn Toyota đã thể hiện rõ xu hướng chuyển sang nhập khẩu và chỉ lắp ráp một vài mẫu xe chủ chốt như Vios, Innova. Mitsubishi đã chuyển gần hết sản phẩm của mình sang nhập khẩu.
Với chính sách thuế thay đổi liên tục như tại Việt Nam thì mọi chuyện đều có thể xảy ra trong thời gian tới.
Việc một số hãng xe vẫn “nín thở” chờ 2018 là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi trước việc chính sách của nước ta luôn thay đổi liên tục hàng năm, thậm chí hàng tháng khiến mọi tính toán chi li dài hạn sẽ trở nên vô nghĩa khi một chính sách nào đó đột ngột đổi chiều.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn