Ôtô – phòng khách di động của tương lai

Thứ tư - 12/07/2017 09:29

Ôtô – phòng khách di động của tương lai

Xem phim trên kính chắn gió, lướt mạng xã hội trên cửa sổ xe là những ý tưởng gây chú ý khi công nghệ tự động ngày càng phát triển.

Khi công nghệ xe không người lái ngày càng phát triển, câu hỏi được quan tâm hàng đầu lúc này là "Ôtô của tương lai sẽ có thiết kế nội thất như thế nào?".

Những hãng lớn như Google, Uber và các công ty khác vẫn đang cạnh tranh trong cuộc đua phát triển toàn diện phương tiện không người lái. Giờ đây tài xế thay vì lái xe có thể được tận hưởng những tiện ích như phòng khách tại nhà mình trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên, quá trình phát triển cần nhiều thời gian, các nhà nghiên cứu đang xem xét những tiện ích công nghệ nào có thể áp dụng để thay đổi thiết kế nội thất ôtô.

“Khi người tiêu dùng sử dụng xe không người lái, sự kỳ vọng của họ sẽ thay đổi”, Hakan Kostepen, giám đốc điều hành về chiến lược và cải tiến tại đơn vị hệ thống ôtô Panasonic cho biết. “Họ sẽ muốn không gian riêng tư là một trong những thiết bị di dộng thông minh, kết nối họ và hiển thị những thông tin liên quan giúp xe vận hành".

Thiết kế hàng ghế sau trên BMW i Inside Future concept không khác gì ghế trong phòng khách. Ảnh: Medium.

Khi ôtô được thiết kế không người lái hoàn toàn, cách chúng ta ngồi, nhận thông tin và giải trí trên xe là những vấn đề còn đang để ngỏ. Nếu tay lái không còn cần thiết, vị trí đặt ghế sẽ thế nào? Nên làm gì với hệ thống bảng điểu khiển trang bị trên các dòng xe hiện tại khi mà phương tiện có thể tự thực hiện các nhiệm vụ điều khiển xe và thậm chí biết được khi nào bản thân chiếc xe cần được đi bảo trì, bảo dưỡng?

Những điều kể trên đều là những thách thức mà ngành công nghiệp ôtô cũng như các trường học sẽ cung cấp kiến thức cho những nhà thiết kế thế hệ tương lai.

Tại Trung tâm nghệ thuật thiết kế ở Los Angeles – một trong những trường thiết kế ôtô hàng đầu thế giới – 14 sinh viên đang nghiên cứu để tạo ra các ý tưởng mới cho nội thất của các thiết bị không người lái trong tương lai.

Các thành viên tham gia quá trình này được lựa chọn từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thiết kế sản phẩm, giao thông vận tải và đồ họa. Để hoàn thiện quá trình này, các chuyên gia từ các lĩnh vực như phân tích âm thanh, phản ứng khứu giác, thậm chí là chuyên gia về hành vi của động vật cũng được mời đến. Bên cạnh đó, các nhà chiến lược từ phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA cũng đến giám sát quá trình nghiên cứu.

Bản đề xuất được các nhà điều hành của BMW, công ty điện tử Nvidia và chương trình trí tuệ nhân tạo IBM Watson xem xét nhiều lần.

Một trong số các ý tưởng là hiển thị nội dung mạng xã hội lên cửa sổ và lên cả mui xe toàn bằng kính, cung cấp thông tin ngữ cảnh của những điểm đến mà xe đi qua. Ví như khi xe chạy ngang qua một nhà hàng, các bài đánh giá về nhà hàng đó sẽ được hiển thị và kèm theo đó là mẫu đặt bàn trực tuyến sẽ xuất hiện.

Các trò chơi điện tử có thể được tích hợp vào môi trường xung quanh. Người chơi có thể "khai hỏa" vào các tòa nhà, rồi thông qua màn hình trình chiếu trên kính xe, sẽ nhìn thấy được cấu trúc bên trong theo hướng đi của ngọn lửa kỹ thuật số.

Một nhóm nghiên cứu khác hình dung thiết kế nội thất của xe tựa như một môi trường thay đổi liên tục bằng cách sử dụng hệ thống đèn và nhiệt độ đa dạng phù hợp với tâm trạng người dùng. Tâm lý của người sử dụng được xác định thông qua cảm biến phân tích về trạng thái sinh lý và tình cảm.

Đề xuất thứ ba dự tính sử dụng công nghệ thực tế ảo và ghế cảm biến chuyển động để mang đến cho người dùng cảm giác như đang đi trên một chiếc xe thể thao, dù xe họ sử dụng chỉ là loại xe không người lái thông thường.

Các ý tưởng kể trên không hề viển vông – các sinh viên tốt nghiệp của Trung tâm nghệ thuật thiết kế đã ứng dụng trên một số mẫu xe như xe điện i3 của BMW và Model S của Tesla. Nhưng bước tiến xa hơn vẫn đang được phát triển bởi các hãng ôtô và các nhà cung cấp - những người luôn phải xem xét đến các yếu tố như chi phí, danh tiếng của hãng, và sự chấp nhận của người tiêu dùng với sản phẩm mới.

Panasonic là một trong những công ty đó. Hãng này đang cân nhắc các ý tưởng như thay đổi ánh sáng trong xe phù hợp với tâm trạng của người sử dụng hoặc cho phép tìm kiếm chỗ đỗ xe trong khu vực xung quanh. Cùng hướng nghiên cứu với các sinh viên của Trung tâm nghệ thuật thiết kế, Panasonic cũng đang xem xét việc sử dụng kính chắn gió làm nơi hiển thị các thông tin bổ sung hoặc quảng cáo. Hãng từ chối tiết lộ chi phí nghiên cứu, nhưng nói rằng đó là một khoản tiền "đáng kể".

BMW lại đang thử nghiệm ý tưởng đặt cụm đồng hồ nằm thấp. Khi cần thiết, “tài xế” hoặc người đi cùng có thể tương tác với các chức năng điều khiển thông qua hình ảnh 3 chiều xuất hiện gần với tầm nhìn của mắt hơn, có nghĩa họ không cần rời mắt khỏi đường đi trong lúc điều chỉnh nhiệt độ trong xe hoặc đổi kênh radio.

Nội thất xe tự động trong tương lai có thể trông như ảnh trên, với tin nhắn và những thông tin khác hiển thị trên cửa kính. Ảnh: ArtCenter.

Khi xe ở chế độ tự động hoàn toàn, kính chắn gió có thể trở thành một màn hình rộng, cho phép hành khách xem phim. Ghế xe có thể rung đồng bộ với các hiệu ứng âm thanh của bộ phim.

Hệ thống loa gắn ở mỗi ghế còn tích hợp công nghệ giảm tiếng ồn nhằm đảm bảo chỉ có người ở vị trí đó nghe thấy được âm thanh của bộ phim, bài hát hoặc các cuộc gọi điện thoại. Khi tài xế nắm quyền điều khiển xe, hàng khách ở hàng ghế sau có thể giải trí bằng một màn hình lớn kéo xuống từ trên trần xe. 

Đối với một chiếc xe tự động, “chúng tôi có thể đẩy các công nghệ làm nền và chỉ hiện diện khi cần thiết” Holger Hampf, giám đốc thiết kế trải nghiệm khách hàng của BMW chia sẻ.

Có một vấn đề mà các nhà sản xuất ôtô không hình dung được là việc sử dụng ghế xoay đối diện nhau. “Khi quay ghế bạn có thể bị say xe”, ông Hampf cho biết.

Không chỉ có Panasonic và BMW nhiệt tình phát triển tương lai của nội thất dòng ôtô tự lái.

Valeo, một nhà cung cấp linh phụ kiện ôtô có trụ sở tại Pháp, vẫn hợp tác với General Motors và các hãng khác, đang có khoảng 14.000 kỹ sư làm việc trong các dự án phát triển phương tiện di chuyển tương lai. Valeo chia nhân viên thành các nhóm hệ thống nhiệt, hệ thống lái, tiện nghi và tầm nhìn để tái hình dung nội thất xe. Nhà cung cấp này chi 1,75 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển những hạng mục như trên chỉ riêng trong năm 2016.

Valeo muốn sử dụng hệ thống ánh sáng để cảnh báo cũng như tác động tới hành khách. Ánh đèn màu cam phía bên phải xe sẽ cảnh báo về một nguy hiểm đang đến gần, trong khi đèn màu xanh có thể kết hợp với điều hòa không khí giúp tạo cảm giá mát mẻ hơn.

Bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo, xe có thể biết được sở thích của người sử dụng về ngôn ngữ, nhiệt độ, giải trí, từ đó điều chỉnh phù hợp, theo nhận xét củaGuillaume Devauchelle, phó chủ tịch nhóm cải tiến và phát triển khoa học của công ty Valeo. Chiếc xe thậm chí có thể hiểu rằng một hành khách vừa mới từ phòng gym trở về và điều chỉnh nhiệt độ cabin phù hợp.

Tương tự, Bosch, một nhà cung cấp lớn của Đức, cho rằng xe hơi cuối cùng sẽ được chia sẻ chứ không chỉ là vật sở hữu. Hãng này đang nghiên cứu và phát triển theo hướng cho phép chính chiếc xe cá nhân hóa một cách tự động. Bằng các công nghệ như quét mống mắt, dấu vân tay hoặc kết nối với smartphone sẽ cho biết ai đang vào trong xe, từ đó hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, vị trí ngồi, kênh radio yêu thích cũng như các tùy biến khác phù hợp với người sử dụng.

Tuy nhiên có một câu hỏi lớn được đặt ra là: “Với nhiều tiện ích như vậy, những dự án này có nên được tiếp tục thực hiện không?”.

“Trên giấy tờ, nghe có vẻ rất tuyệt nếu như tôi có thể đọc thư điện tử trên cửa sổ xe, nhưng thực tế chúng ta có thực sự muốn những thứ như vậy hay không?”, Kostepen từ Panasonic hỏi ngược lại. “Suy cho cùng, một chiếc xe phải duy trì DNA của thương hiệu dù cho nó được tự động hóa hoàn toàn".

Thu Nga

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây