Một ngày đẹp trời, sau bao năm để dành, bạn thấy dường như đã đủ tiền tậu ôtô. Bèn bàn với bà xã, rỉ tai thuyết phục. Xong lên mạng đánh "mua ôtô tầm...", Google trả về hàng triệu kết quả. Và tôi đoán chắc bạn sẽ chóng mặt với những tranh cãi miên man xe Hàn xe Nhật. Ai cũng có ý đúng và mớ bòng bong dường như ngày càng rối.
Chỉ có cách tuân theo lý trí. Hãy tin rằng khi có tiền trong tay, không ai dại cả.
Khi mua xe cách đây 5 năm, tôi có đúng 580 triệu. Chọn Vios thì bé mà Altis, Civic không đủ tiền. Loay hoay thế nào lại chọn một chiếc xe Hàn số sàn rộng ngang Civic. Tính đủ các thứ đến khi lăn bánh là tròn 580. Vừa rộng rãi thoải mái cho cả gia đình, vừa không phải vay thêm.
Nhưng thú thật vẫn lo. Mỗi hãng có thế mạnh riêng. Xe Nhật lâu đời hơn, kinh nghiệm hơn nên độ bền tốt hơn. Những người sành sỏi cho rằng mỗi hãng có "chu kỳ tốt" khác nhau. Khi đó xe Hàn là 3 năm và xe Nhật là 6 năm. Nghĩa là 3 năm xe Hàn bắt đầu hỏng thì xe Nhật gấp đôi.
Còn trẻ nên tôi nghĩ "Thôi đi 3 năm rồi bán, như các đàn anh chỉ dạy". Có lẽ rất nhiều người mua ôtô tuổi 30 nghĩ vậy. Họ có thời gian để kiếm tiền, có công việc để kỳ vọng và đáp ứng nhu cầu ngay lập tức mới là tốt nhất. Xe tôi không nhiều công nghệ, nhưng rộng, bóng bảy và quan trọng là mới, là chính chủ. Cùng số tiền đó, bạn chỉ có thể mua chiếc Altis đời 2007, lọc xọc và giữ giá.
Một năm đầu, không có gì xảy ra. Xe mới gần như chẳng có gì để hỏng. Chỉ vài vết xước do lái kém. Nhưng tôi phát hiện ra đồ thay của xe Hàn rẻ quá. Một cụm đèn hậu có giá 1,5 triệu đồng. Sơn xung quanh xe hết chỉ tầm 3 triệu.
Thứ nữa là không đạo chích nào muốn trộm đồ xe Hàn. Mặt gương đâu đó vài trăm nghìn. Cả củ gương cũng chưa tới 1,5 triệu. Cần gạt nước nhỉnh hơn triệu đồng. Xe mới mà "vứt đâu cũng được". Không bù cho mấy bạn xe Nhật xe Mỹ xe Đức, chờ đèn đỏ mà còn bị vặt trụi hai gương.
Số sàn nên tốn xăng trung bình tầm 8 lít với tỷ lệ đi phố nhiều hơn. Dẫu vậy tôi tự thấy không tiết kiệm lắm. Điều này người Nhật làm tốt hơn. May mắn vài năm gần đây xăng rẻ, không phải để ý nhiều. Đổ 500.000 đi gần hai tuần với quãng đường không quá nhiều, khoảng 800 km mỗi tháng.
Năm tiếp nữa vẫn chỉ thay lọc dầu, lọc điều hòa, đảo lốp. Sơn ít đi vì trình lái đã lên. Nội thất vẫn y như mới.
Năm thứ ba, thời khắc mà tôi nghĩ "sẽ bán". Chuẩn bị hết bảo hành thì giảm xóc hỏng. Đồng hồ điện tử hỏng ở trạng thái hết sức lạ. Cứ đến 59 phút là đơ. Lần thứ nhất "chết" ở 7h59. Sửa xong vài tháng sau dừng ở 8h59. Lần thứ ba chết ở 10h59. Mọi thứ được thay trước khi hết bảo hành.
Vì những lý do khách quan mà đến giờ tôi vẫn chưa bán. Sau đó thay thêm gạt nước. Bộ lốp thay lúc đi được 50.000 km. Ắc-quy thay ở 60.000. Trong suốt 5 năm, chưa một lần phải trả quá 10 triệu khi vào xưởng.
Tôi không tin rằng xe của mình không hỏng. Chỉ là nó chưa hỏng thôi. Nhưng vẫn phải thừa nhận rằng các hãng Hàn cải tiến hơn nhiều so với trước. Họ giảm thiểu chi phí vận hành, giảm chi phí thay thế phụ tùng để tạo cảm giác "bền" hơn. Những bộ phận quan trọng như động cơ, hộp số, khung gầm được đầu tư để kéo dài tuổi thọ.
Nhưng để bằng xe Nhật thì vẫn còn hơi xa. Chỉ khi đi lên 100.000 rồi 200.000 hoặc 500.000 km, mọi thứ mới rõ hơn. Tôi đã đi một chiếc xe Nhật 500.000 km. Ngoại trừ chuyện cũ mèm ọp ẹp, điều hoà lúc được lúc không, thì động cơ nổ vẫn rất tròn và hộp số thì êm.
Mới đây, một garage định giá xe tôi 420 triệu. Mất giá khoảng 160 triệu sau 5 năm, mỗi năm trung bình 32 triệu. Tương ứng 27,5%. Nếu ngày đó tôi cố vay tiền mua xe Nhật cỡ 780 triệu, giờ bán được 620. Cũng mất tầm 160 triệu nhưng tỷ lệ mất giá chỉ là 20,5%.
Với 420 triệu, sẽ phải bù nhiều nếu muốn đổi sang xe khác. Còn 600 triệu thì nhiều lựa chọn hơn. Đó cũng là cái giá phải trả khi lựa một khởi đầu thấp. Không có thứ gì tốt hết cho mọi người và cho mọi nhu cầu. Bạn phải học cách chấp nhận.
Vì vậy, lời khuyên là nếu còn trẻ, còn thời gian để cố gắng và công việc nhiều triển vọng để đổi xe, hãy chọn xe Hàn. Còn nếu là một trung niên thích coi ôtô là khoản đầu tư, sau này về hưu nhường lại cho con cháu thì xe Nhật là lựa chọn tốt.
Tôi thích một câu nói của thầy giáo dạy Toán hồi cấp 3 rằng "Cuộc sống không bao giờ là đẳng thức. Nó luôn là bất đẳng thức nên các em phải rèn khả năng lựa chọn hơn thua. Quyết định nhất là tin vào chính mình".
Độc giả Nam NguyễnNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn