Kỹ sư Volkswagen vào tù vì viết phần mềm gian lận khí thải

Thứ năm - 31/08/2017 06:47

Kỹ sư Volkswagen vào tù vì viết phần mềm gian lận khí thải

Với vai trò trong vụ gian lận khí thải, một kỹ sư của hãng xe Đức bị kết án 40 tháng tù giam kèm khoản tiền phạt 200.000 USD.

James Liang, nhân viên đầu tiên của Volkswagen phải vào tù trong scandal đình đám gây tổn hại lớn tới danh tiếng của thương hiệu xe Đức.

Liang, người giúp phát triển phần mềm che giấu mức ô nhiễm cao từ dòng động cơ dầu của Volkswagen, từng đạt được thỏa thuận với các ủy viên công tố vào năm 2016 sau khi đồng ý hỗ trợ quá trình điều tra của chính phủ đối với chính hãng xe Đức, theo New York Times.

James Liang, một kỹ sư của Volkswagen, cũng là nhân viên đầu tiên của hãng này vào tù vì bê bối gian lận khí thải, thứ khiến thương hiệu xe Đức đang phải trả giá cả về danh tiếng lẫn tiền bạc. Ảnh: AP.

Nhưng thậm chí sau khi cam kết, Liang vẫn nhận bản án khắc nghiệt hơn so với đề nghị của chính phủ Mỹ do nhận tội âm mưu gian dối và vi phạm đạo luật không khí sạch Clean Air Act.

Các ủy viên công tố bang vốn đề nghị 36 tháng tù giam cùng 20.000 USD tiền phạt, nhưng thẩm phán Sean F. Cox của Tòa án Liên bang vùng miền đông bang Michigan lại đưa ra mức phạt dài hơn, kèm theo hai năm quản chế cùng khoản tiền phạt tới 200.000 USD.

Vị thẩm phán nói rằng Liang và những quan chức khác của Volkswagen cũng như các nhân viên hãng chịu trách nhiệm "vụ gian lận nghiêm trọng và gây sửng sốt", phản bội sự tín nhiệm của khách hàng.

"Đây là một tội ác nghiêm trọng gây ra sự bất an chống lại hệ thống kinh tế của chúng ta", vị thẩm phán nhấn mạnh. "Nếu nước Mỹ không có niềm tin, nền kinh tế không thể vận hành".

Liang, một công dân Đức năm nay 63 tuổi, đã từ chối đối thoại với thẩm phán tại buổi tuyên án. Luật sư bào chữa, Daniel Nixon, miêu tả viên kỹ sư lâu năm có thái độ ăn năn vì vụ phạm tội, thứ khiến Liang trở thành "bộ mặt toàn cầu" của scandal khí thải.

"Ông ấy không phải đạo diễn, nhưng có vai trò trong vụ việc", Nixon cho biết, và thêm rằng Liang chưa từng thu lợi về mặt tài chính trong việc giúp đỡ phát triển các thiết bị gian lận.

Nhưng thẩm phán cho rằng Liang "quá trung thành" với hãng xe Đức, nơi ông làm việc từ những năm 1980, và không sẵn lòng phơi bày các thủ đoạn gian dối của hãng cũng như không rời khỏi công việc có mức lương hàng năm 350.000 USD.

Dù viên kỹ sư hợp tác với các nhà điều tra trong vụ kiện của chính phủ Mỹ chống lại hãng xe Đức cũng như các quan chức của Volkswagen, vị thẩm phán cho rằng thế vẫn chưa đủ để cho phép Liang được quản thúc tại gia như luật sư đề nghị.

"Việc hợp tác và sự hối lỗi đã được ghi nhận, nhưng không thể bào chữa cho hành vi phạm tội", thẩm phán tuyên bố.

Cách Volkswagen đánh lừa cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ là sử dụng một phần mềm có khả năng nhận biết khi nào xe đang ở chế độ chạy kiểm tra để bật toàn bộ công nghệ kiểm soát khí thải. Ảnh: The Economic Times.

Volkswagen trước đó cũng đã thừa nhận âm mưu gian lận, hành vi vi phạm đạo luật không khí sạch Clean Air Act, vi phạm luật hải quan cũng như cản trở lực lượng thi hành công vụ.

Hãng xe Đức đồng ý trả 4,3 tỷ USD tiền phạt dân sự, một phần của 22 tỷ USD thuộc tổng tiền phạt và hòa giải mà Volkswagen phải chi trả do vụ gian lận.

Sáu quan chức hãng và một nhân viên của chi nhánh Audi bị truy tố. Một quan chức khác, Oliver Schmidt, cũng đã đạt được thỏa thuận với các ủy viên công tố.

Schmidt, cựu giám đốc trung tâm công nghệ và môi trường của Volkswagen ở Michigan, bị giam giữ không được bảo lãnh từ khi bị bắt vào tháng 1. Người này cũng thừa nhận tội gian lận đối với chính phủ Liên bang Mỹ cũng như vi phạm đạo luật không khí sạch Clean Air Act. Schmidt đối mặt với mức án lên tới 7 năm tù.

Năm 2015, Volkswagen từng bị phanh phui vì sử dụng phần mềm để gian lận mức khí thải thực tế so với các bài kiểm tra của cơ quan chức năng. Số tiền nộp phạt riêng ở thị trường Mỹ cho sự vụ này lên tới 18 tỷ USD, chưa kể chi phí triệu hồi xe khoảng 8 tỷ USD. Hậu quả nặng nề kéo theo là CEO hãng mất chức, bị điều tra và doanh số Volkswagen sụt giảm, nhường lại vị trí cao nhất thế giới cho Toyota chỉ sau 3 tháng nắm giữ.

Trước đó, hồi 2006, các hãng xe Đức đồng ý giới hạn kích thước bình nhiên liệu, nhường chỗ chứa thêm hợp chất hóa học gọi là AdBlue để trung hòa lượng khí thải diesel. Volkswagen và hãng con Audi từng thừa nhận không có AdBlue như đã tuyên bố vì hãng không muốn bình nhiên liệu chiếm không gian của hệ thống âm thanh, theo đơn tố cáo của một kỹ sư Audi nộp hồi đầu tháng 7 tại Mỹ.

Thay vì lắp bình nhiên liệu lớn hơn, Volkswagen và Audi lập trình xe để phân giải các chất hóa học và tạo ra lượng khí thải dư thừa. Lượng khí thải này chỉ giảm khi phần mềm động cơ phát hiện xe đang tiến hành một thử nghiệm chính thức.

Mỹ Anh

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây