Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ là thị trường xe sang trọng điểm, nơi diễn ra cuộc đua doanh số chính của các hãng xe. Dù hiện không thể cạnh tranh về số lượng bán xe so với BMW hay Mercedes, nhưng mức tăng tưởng về doanh số của Jaguar thì ngược lại.
F-Pace, SUV đầu tiên của Jaguar đang bán chạy tại Mỹ. Ảnh: Topgear |
Trong bảy tháng đầu năm 2016, doanh số Jaguar tại Mỹ tăng trưởng 59%. Bứt lên trước so với các hãng khác như BMW, Mercedes, Lexus, Acura và Cadillac. Đứng thứ hai là Volvo, thương hiệu “dưới trướng” tập đoàn Geely, Trung Quốc với mức tăng trưởng 29%.
Những năm gần đây, tiêu thụ ôtô toàn cầu tiếp tục bùng nổ. Trong khi đó, doanh số của Jaguar vẫn trì trệ và kéo dài khoảng 10 năm qua. Tín hiệu vui khi kết quả bán hàng khả quan đến với Jaguar ở thời điểm hiện tại vì thế đặc biệt hơn. “Chúng tôi cảm thấy không thể nào phấn khích hơn. Doanh số tiêu thụ của hãng hiện tăng gấp ba lần”– Chris Marchand, phó chủ tịch điều hành Jaguar Bắc Mỹ nói với Detroit News.
Năm ngoái, doanh số của Jaguar Land Rover lần đầu tiên bán hơn nửa triệu xe trên toàn cầu. Một kỷ lục bán hàng trong lịch sử phát triển của hãng xe sang Anh quốc. Riêng tại Mỹ, gần 15.000 xe đến tay khách hàng. Đến nửa đầu 2016, Jaguar lần nữa ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Tăng trưởng nhanh của Jaguar đến từ việc giới thiệu mẫu sedan XF mới vào tháng 11 năm ngoái. Trước đó là bản nâng cấp cho mẫu xe đầu bảng XJ. Đến tháng 5/2016, Jaguar tung ra thị trường bản nâng cấp sedan cỡ nhỏ XE và SUV đầu tiên của hãng, F-Pace.
F-Pace là trường hợp đặc biệt của Jaguar. Là mẫu xe tiên phong của hãng tham chiến phân khúc SUV hạng sang cỡ trung rất được quan tâm tại Mỹ. Mẫu xe mới khi bán ra thị trường vào tháng 5 ngay lập tức trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Jaguar. Trong tháng 7 vừa qua, riêng F-Pace chiếm nửa doanh số bán xe của Jaguar tại Mỹ.
Lý do khách hàng chú ý đến các sản phẩm của Jaguar đến từ hai yếu tố: nhấn mạnh thiết kế cá tính hơn và giảm giá bán. Mẫu XF có giá từ 51.000 USD, giảm khoảng 9% so với phiên bản trước. Trong khi với mức giá từ 34.900 USD, không có đối thủ nào cùng phân khúc thấp hơn XE. “Ở góc độ đơn giản, các hãng thường tiếp cận thị trường theo kiểu bù-trừ. Nhưng với Jaguar, những gì chúng tôi đang làm là cố gắng nắm lấy trọng tâm chú ý của người tiêu dùng”, Joachim Eberhardt, CEO Jaguar Land Rover Bắc Mỹ cho biết.
Những thay đổi của Jaguar mang lại dấu hiệu tích cực khi khách hàng quan tâm hơn đến thương hiệu. Nhưng doanh số bán hàng chỉ là thước đo tương đối đánh giá sự "thành công" của một hãng xe. Bởi việc cắt giảm giá bán đi đôi với bài toán lợi nhuận.
Phạm TrungNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn