Cụ thể, Honda sẽ làm việc trực tiếp với bộ phận AutoNavi của Tập đoàn Alibaba. Hai bên dự kiến sẽ phát triển một dịch vụ cho phép tài xế đăng ký sử dụng bản đồ AutoNavi và thanh toán thông qua nền tảng Alipay của Alibaba.
Lộ trình triển khai thực tế trên một số mẫu xe Honda nhất định sẽ được công bố sau, khi hai bên thống nhất được các điều khoản hợp tác. Theo trang Nikkei, dịch vụ mới này cũng sẽ cho phép tài xế thanh toán phí đậu xe và nhiên liệu thuận tiện hơn.
Honda và AutoNavi bắt đầu thiết lập quan hệ hợp tác từ năm 2015, với việc triển khai một cơ sở dữ liệu lớn khai thác các hệ thống dẫn đường đa chức năng trên ô tô. Lần này, hai bên sẽ cân nhắc mở rộng phạm vi hợp tác thông qua việc khai thác nhiều hơn các dịch vụ của Alibaba.
Alibaba hiện cũng đang cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hệ thống GPS điều khiển bằng giọng nói, cũng như các dịch vụ trên xe khác. Mới đây, tập đoàn internet này đã công bố kế hoạch cung cấp một hệ thống tương tự cho Ford.
Giờ đây, khái niệm "ô tô kết nối" thực sự nghĩa là gì? Có thể khái quát rằng một chiếc xe kết nối là xe cần có internet và cho phép các thiết bị thông minh khác chia sẻ cùng nguồn kết nối online. Ô tô kết nối cần ứng dụng nhiều công nghệ giống smartphone, như các nền tảng thanh toán và trí thông minh nhân tạo.
Phát triển ô tô kết nối không phải là toàn bộ kế hoạch của Honda ở Trung Quốc. Hãng xe Nhật Bản này đang đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc; một trong số đó là phát triển một mẫu xe chạy điện cùng công ty IT hàng đầu Trung Quốc là Neusoft. Mẫu xe chạy điện này sẽ ra mắt trong năm nay. Kế hoạch này xuất phát từ chính sách khuyến khích việc phát triển năng lượng điện của Trung Quốc, với mục tiêu đi đầu trong lĩnh vực xe chạy điện, chia sẻ xe và các công nghê ô tô thế hệ mới.
Do đó, các công ty internet đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc những năm gần đây, chủ yếu do sự phát triển của công nghệ tự lái và các công nghệ khác.
Baidu, công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, đã công bố nền tảng lái tự động nguồn mở Apollo hồi tháng 7/2017. Apollo hoạt động nhờ trí thông minh nhân tạo do Baidu và chính phủ Trung Quốc phát triển, hiện đã thu hút hơn 1.700 đối tác trong nước và quốc tế, trong đó có Daimler, Ford Motor và Intel.
Tencent Holdings, công ty có giá trị vốn hoá thị trường 3,968 nghìn tỷ HKD (511 tỷ USD) tính đến ngày 2/1/2018, đã đầu tư 1,77 tỷ HKD (hơn 226 triệu USD) vào Tesla. Công ty cũng đang đầu tư vào các start-up về xe chạy điện của Trung Quốc. Chủ tịch kiêm CEO Pony Ma Huateng cho biết, tương lai của ô tô nằm ở xe có kết nối, và thể hiện ý định tích hợp công nghệ đám mây của Tencent vào những chiếc ô tô như vậy.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ muốn ngành công nghiệp ô tô của nước này phát triển lớn mạnh, mà còn muốn nó có khả năng cạnh tranh lớn. Ông rất ủng hộ việc phát triển các công nghệ thế hệ mới, như xe tự lái và xe chạy điện.
Nhật Minh
Theo Paultan, Nikkei
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn