Học sinh đi xe máy - vấn nạn ở Việt Nam

Chủ nhật - 02/10/2016 12:33

Học sinh đi xe máy - vấn nạn ở Việt Nam

Tai nạn, hai chữ này đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng, cướp đi những ước mơ chưa thành hiện thực, những hoài bão đang còn dang dở.

Tan nát gia đình, chia lìa đôi lứa, nó có khi được báo trước, nhưng đôi lúc lại vô tình đến rợn người. Trong cái gọi là "tai nạn giao thông" ấy, sự mất mát, tổn thương là điều không thể tránh khỏi.

Vậy ai? Đối tượng nào dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông?

Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương các bạn ạ. Nhưng nếu xét theo cấp độ từ cao xuống thấp thì theo tôi sẽ là: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và cuối cùng là các đấng mày râu.

Vậy thì nguyên nhân nào khiến chúng ta dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông?
Bài viết chỉ đề cập đến đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Những yếu tố khác như hạ tầng giao thông, khả năng tài chính, thời gian - xin không đề cập đến.

Một số phụ huynh xem việc mua cho con mình một chiếc xe 2 bánh như là phần thưởng vì nhiều lý do. Nhưng lại không trang bị đủ cho con mình kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để tham gia giao thông. Mua cho con một chiếc xe đạp nhưng lại không mua bộ bảo hộ theo xe (mũ, bảo vệ gối, khuỷu tay...) thì thật là thiếu sót. Xe lớn khi thấy đám trẻ con đang chơi đùa ven đường, thấy các cháu đi xe hàng 3, hàng 4; thấy cháu nhỏ mới 4-5 tuổi đạp xe bon bon trên đường thì đương nhiên là phải cẩn thận đề phòng rồi. Gần những trường trung học phổ thông, không khó để thấy những bãi giữ xe máy trên 50 phân khối mà phụ huynh cho con mình sử dụng dưới cái mác: "cho nó có tính tự lập".

Nhưng phụ huynh đã nghe những từ đại loại như: "người điên - xe điên" chưa? Đã nghe: "mất phanh, mất lái", "nổ lốp", "gãy trục, văng bánh" chưa? Tôi nghĩ là có. Người lớn chúng ta "mắt phía trước, tai phía sau" đôi khi còn né không kịp huống chi là lứa đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chắc nó chừa con mình ra nhỉ?

Hãy dành chút thời gian khuyên con em mình nên đi hàng một khi tham gia giao thông, quan sát và đưa tay lên cao khi sang đường, thường xuyên kiểm tra xe con mình đi (phanh, lốp, cổ lái, pê-đan...) có an toàn không, quan trọng nhất là hướng dẫn cho con mình tự hoàn thiện kỹ năng "nghe - nhìn - phản xạ" khi tham gia giao thông. Vì đa phần các cháu khi gặp sự cố thì thường là "đứng hình" và co rúm người lại.

Nghe tốt có thể chú ý được phạm vi rộng, nhìn tốt sẽ bao quát được chuyện gì đang diễn ra để phản xạ kịp thời.

Với những cháu đi xe máy, hai chân phải chạm được đất (không nhón) khi ngồi trên yên xe, phải tự dựng được chân chống đứng của xe (đủ khỏe) để tránh trường hợp đang đi buộc phải dừng nhưng lại đổ kềnh ra đường. Chuyện tiếp theo, tôi không dám nghĩ đến vì vậy phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng xem thể trạng con mình phù hợp với loại xe nào. Lường trước rủi ro ta có thể hạn chế những tổn thất không đáng có.

Tôi cũng rất trân trọng những người làm dịch vụ đưa đón học sinh. Trong mắt tôi họ là những người đưa đón thầm lặng. Chỉ ước mong sao nhà nước có chính sách hỗ trợ để họ có những chiếc xe mới hơn, tốt hơn và an toàn hơn.

Sẽ bớt đi những vết trầy xước, sẽ bớt đi những giọt nước mắt giấu vội trong tim, sẽ bớt đi những tổn thương thể xác và tâm hồn phải không các bạn.

Độc giả Hoàng Thanh

Độc giả chia sẻ bài viết cho Diễn đàn - Xe xin gửi về xe@vnexpress.net hoặc luongdung@vnexpress.net

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây