Khi nói về sự vận hành mạnh mẽ của xe nào đó, đa số mọi người chú ý đến sức mạnh động cơ, họ căn cứ vào dung tích máy như 1.6, 2.0 hay 3.0. Nhiều người hiểu biết hơn thì chú ý đến sức mạnh động cơ theo thông số công suất như 100, 150, 250 mã lực.
Một số người cho rằng cứ dung tích máy lớn hơn thì xe mạnh mẽ hơn, một số khác lại cho rằng công suất (mã lực) lớn hơn thì xe mạnh mẽ hơn, hoặc người có kiến thức khá hơn thì căn cứ vào cả dung tích máy và công suất để đánh giá, thế nhưng sự thật có phải là như vậy hay không?
Mọi việc có vẻ là như vậy nếu như không có phát minh của nhà vật lý thiên tài Ác-si-mét, “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng bổng trái đất”, nghĩa là với người bình thường có thể nâng bổng trái đất nhờ vào cánh tay đòn của đòn bẩy, vậy đối với động cơ ôtô cái gì truyền lực xuống bốn bánh xe để cho chiếc xe chuyển động mạnh mẽ?
Trong ôtô có rất nhiều thứ liên quan, đó là hộp số, là trục các-đăng, là cầu xe hay ngay trong nội tạng của động cơ, để truyền lực từ piston đến trục khuỷu, người ta nối với tay biên (thanh truyền) của động cơ. Đến đây có thể thấy mọi việc không hề đơn giản, xe có động cơ mạnh mẽ chưa chắc vận hành mạnh mẽ nếu như các thiết kế tổng hợp không tốt, và điều này thật sự là thách thức cho các kỹ sư thiết kế.
Có một điều đặc biệt nữa, kỹ sư thiết kế giỏi đến đâu đôi lúc họ cũng đành phải đưa ra lựa chọn bắt buộc do không thể vượt qua nguyên tắc vật lý cơ bản, bởi nếu thiết kế cánh tay truyền lực dài sẽ tăng lực nhưng lại tốn thời gian truyền lực (lợi về công nhưng thiệt về quãng đường truyền lực), do đó họ không thể chế tạo xe vừa vận hành mạnh mẽ lại vừa chạy nhanh, không thể vừa để chạy đua lại vừa leo đèo lội suối.
Thực tế chứng minh cho điều này, hãy nhìn thông số xe đua Hennessey Venom GT chạy nhanh nhất thế giới hiện nay có dung tích xi-lanh 7 lít, công suất 1.244 mã lực, tốc độ tối đa 435 km/h, trong khi đó xe bọc thép mới nhất BTR-82A của Nga dung tích 10 lít công suất 300 mã lực, tốc độ tối đa chỉ 100 km/h, thế nhưng nó lại kéo xe nặng đến 15 tấn chở đến 10 lính với đầy đủ vũ khí.
Như vậy, công suất máy không phải là tất cả, mà điều quan trọng là xe dùng cho việc gì, chạy nhanh hay chạy khỏe mới là điều mà người sử dụng cần phải chú ý. Xe thiết kế chuyên cho việc leo đèo lội suối hay chở hàng thì sức mạnh động cơ không phải quan tâm nhất. Ngược lại xe đua hay xe thể thao thì sức mạnh động cơ, tốc độ xe lại là điều chúng ta buộc phải để ý đầu tiên.
Khi chọn xe bạn nhớ chú ý, bạn cần xe cho mục đích gì và nhớ lựa chọn nó dựa trên tính năng thiết kế của chiếc xe đó bạn nhé, đừng chỉ nhìn vào công suất máy, nếu bạn không phân biệt rõ, lúc đó chiếc xe bạn chọn sẽ khó mà thỏa mãn được mục đích mà bạn mong muốn, đôi khi còn phải trả giá đắt đấy.
Độc giả Nguyễn Việt HàNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn