Báo cáo bán hàng của VAMA cho thấy nửa đầu 2017, người Việt sắm 134.268 xe, trong đó riêng xe con là 79.399, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2016. Doanh số chủ yếu nằm ở xe phổ thông với các phân khúc chính gồm A, B, C, D, MPV và bán tải (pick-up).
Tính theo doanh số của các hãng trong VAMA (không bao gồm Hyundai), phân khúc B là nơi khách hàng ưa chuộng nhất với 19.248 xe, về nhì là cỡ C với 12.804 xe. Bán ít nhất là phân khúc crossover cỡ B, dù đây là thị trường hứa hẹn tăng trưởng tốt.
Tổng doanh số xe theo các phân khúc nửa đầu 2017. Số trong ngoặc là số lượng mẫu xe ở mỗi phân khúc. Ví dụ: B(11) tức phân khúc B có 11 mẫu xe. |
Theo các chuyên gia trong ngành, sở dĩ phân khúc B bán tốt nhất bởi đây là những mẫu xe có mức giá và công năng vừa đủ, phù hợp với nhu cầu người Việt, đặc biệt là những người mua xe lần đầu. Nổi bật nhất phân khúc này là Toyota Vios với doanh số 9.688 xe, chiếm tới 50%. Về doanh số Vios vẫn không có đối thủ dù những City, Mazda2 rất cố gắng bám đuổi.
Ở vị trí số 2, phân khúc C tiếp tục là đất diễn của Mazda3. Sau những đợt giảm giá không ngừng nghỉ của Trường Hải, Mazda3 phăng phăng leo lên vị trí đầu bảng xếp hạng trong phân khúc, có những tháng vượt 1.000 xe, con số ít người nghĩ tới trong khoảng 2 năm trước.
Về thứ 3 là bán tải, đoạn thị trường vốn nhiều tiềm năng trong những năm qua bởi ưu đãi từ thuế, phí và tính chất đa dụng của sản phẩm. Những vị trí còn lại chia đều cho các dòng như SUV cỡ D, MPV, cỡ A hay crossover cỡ C. Đuối hơn hẳn là cỡ D và crossover cỡ B. Ở cỡ D, thị phần đang dần nhường lại cho crossover bởi mức giá cùng trong tầm 1 tỷ nhưng xe gầm cao đa dụng hơn, trong khi đó crossover cỡ B được đánh giá là tiềm năng nhưng số mẫu xe còn quá ít, chỉ 3 mẫu có doanh số đáng kể là EcoSport, Vitara và Trax.
Phân khúc B có doanh số cao nhất thị trường. |
Theo bảng xếp hạng trên, các phân khúc nổi bật là B, C, pick-up với doanh số cao, nhưng nếu tính theo doanh số trung bình (tổng doanh số chia số lượng mẫu xe) thì thứ tự lại thay đổi. Phân khúc B bán tốt nhất nhưng đồng thời "chật chội" nhất với 11 mẫu xe, tuy vậy ngoài Vios, Mazda2, City bán tốt thì các đối thủ khác lẹt đẹt, kéo doanh số trung bình giảm sâu. Về nhất theo cách tính này, lại là phân khúc A.
Doanh số trung bình mỗi phân khúc nửa đầu 2017. |
Phân khúc A có Morning, Spark và Mirage trong đó doanh số chủ yếu do Morning mang tới. Nếu Hyundai công bố doanh số của i10, mức trung bình của phân khúc này còn cao hơn nữa, bởi trong cả năm 2016 doanh số của i10 cao nhất phân khúc. Các vị trí tiếp theo dành cho SUV cỡ D, C và pick-up, nơi mỗi phân khúc khoảng 6 xe. Doanh số cao nhất nhưng số lượng xe tới 11 nên phân khúc B rớt xuống thứ 6 nếu tính trên doanh số trung bình.
Doanh số trung bình cho thấy mức độ cạnh tranh trong phân khúc. Ví dụ nếu doanh số tổng cao và doanh số trung bình thấp, tức phân khúc đó có nhiều mẫu xe trong khi đó những phân khúc có số lượng xe ít hoặc các mẫu xe đồng đều nhau thì số trung bình sẽ cao.
Đại diện các hãng đều cho biết thị trường Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nở rộ xe cỡ nhỏ và crossover. Theo đó, bằng nhiều cách như giảm giá, lắp ráp trong nước hay nhập khẩu từ ASEAN, mỗi hãng đều chọn cách để tiếp cận những đoạn thị trường mang lại nhiều lợi ích nhất về doanh số và thị phần.
Các phân khúc được chia theo kích thước. A gồm xe nhỏ như Kia Morning, Hyundai Grand i10, Mitsubishi Mirage... B lớn hơn A đôi chút, như Toyota Vios, Ford Fiesta, Mazda2... C lớn hơn B, như một số mẫu Mazda3, Toyota Altis, Honda Civic... D lớn hơn C, gồm Toyota Camry, Mazda6, Hyundai Sonata, Honda Accord... Crossover B, C hay SUV D là xe trong kích thước của phân khúc B, C hay D nhưng mang hình dáng crossover và SUV. Pick-up là xe bán tải, MPV là xe minivan. >> Xem cách phân chia chi tiết |
Đức Huy
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn