Khi tiếng còi chấm dứt trận bán kết lượt về vang lên ở sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), người hâm mộ Việt lại một lần nữa khóc nức nở. Rạng sáng hôm sau, Công Vinh tuyên bố giải nghệ, chuyện mà anh nói trước khi giải AFF cúp bắt đầu.
Phản ứng của người hâm mộ thì giống y chang như những gì mà Vinh đã nghe thấy hơn chục năm nay. Một số người khen ngợi ngắn gọn và chúc anh hạnh phúc. Một số khác thì buông lời đắng cay, nói đểu có, chửi thẳng vào mặt có, và ngọt ngào giả dối cũng có. Số người chê nhiều hơn số người khen.
Tôi xem bóng đá từ năm 1994, khi Việt Nam lần đầu vào chung kết giải Đông Nam Á. Từ đó tới nay, bóng đá Việt Nam đã trải qua mấy thế hệ "vàng", nhưng chỉ có một huy chương vàng duy nhất. Những người làm nên chiến thắng năm 2008 giờ đây giải nghệ gần hết, và sự ra đi của Công Vinh chính là dấu chấm hết của thế hệ vàng đó.
(Xem thêm: Báo quốc tế ví Công Vinh với Messi )
Khi một tên tuổi lớn của một đội tuyển quốc gia giải nghệ, người ta thường hay tổ chức một trận đấu tôn vinh, thường là với một đối thủ vừa tầm. Người ra đi sẽ được tạo mọi điều kiện để thể hiện, và nếu họ không là đội trưởng thì hôm đó sẽ được đeo băng đội trưởng. Công Vinh giải nghệ nhưng chẳng có trận đấu tôn vinh nào cả.
Ở trên thế giới, thành công của các cầu thủ được đo bằng danh hiệu tập thể, thành tích cá nhân, sự yêu mến của người hâm mộ và tiền tài. Hai cái sau tỷ lệ thuận với hai cái trước, tức là càng nhiều thành tích thì càng được yêu mến và giàu.
Còn ở Việt Nam, nhiều người hâm mộ đo cầu thủ theo các thứ bậc sau: đá đẹp và thắng, đá đẹp và thua, đá xấu nhưng thắng. Xấu hay đẹp là xét về tính thẩm mỹ của lối chơi chứ không phải là tinh thần thể thao. Cái đẹp là trên hết, nhưng đá xấu mà thua vẫn còn hơn đá xấu mà thắng.
Người hâm mộ Việt Nam rất đam mê cái đẹp trong bóng đá, tới mức sẵn sàng hy sinh chiến thắng chỉ để xem những đường rê dắt khéo léo, cái đảo người đẹp mắt, hay là các cú sút phạt hình quả chuối, cho dù trái bóng có vào khung thành hay không. Thậm chí, họ sẵn sàng đưa một cầu thủ đá đơn giản nhưng hiệu quả lên thớt, chỉ vì cầu thủ đó đã lấy mất một vị trí trên sân của một cầu thủ khác được cho là có khả năng thể hiện cái đẹp hơn.
( Xem thêm: Công Vinh gọi điện cho vợ tự dằn vặt ngay sau trận thua Indonesia )
Vì vậy, một cầu thủ với những cú sút đơn giản, những pha chớp thời cơ ghi bàn từ đường dọn cỗ, hay là lần chạy chỗ như dưới đất chui lên không có chỗ đứng trong tim họ. Những trái tim ấy nhỏ hẹp tới mức vì họ đã quá yêu Văn Quyến, một thần đồng với tài năng rê dắt điêu luyện, nên họ sẵn sàng ghét Công Vinh, một người ngày trước là kép phụ của Quyến và bị cho là đừng hòng nổi được nếu Quyến không nhúng chàm.
Còn vì sao những người như vậy dám vỗ ngực xưng là người hâm mộ bóng đá Việt thì không ai rõ. Bóng đá là môn thể thao 11 người trong một đội, đội tuyển quốc gia thì ít nhất 23 người, và ai cũng lên xuống tuyển đều đều.
Không ai có thể nói rằng khi hâm mộ bóng đá thì chỉ nên hâm mộ một cầu thủ. Càng không thể nói rằng vì mình hâm mộ cầu thủ này mà lại đâm ra ghét cầu thủ kia, nhất là khi cả hai đều là cầu thủ Việt Nam đá cho đội tuyển Việt Nam.
Sự hậm hực đối với Vinh diễn ra dài dài, nó bắt đầu từ lúc Văn Quyến nhúng chàm, tạm giảm vào năm 2008, rồi tăng lên đều đều từ ngày ấy tới bây giờ. Bao nhiêu bàn thắng Vinh ghi, bao nhiêu đời huấn luyện viên triệu tập Vinh, bao nhiêu cột mốc, cái nào càng vinh quang thì sự ghét bỏ càng nhiều.
Tới nỗi ngày nay cú đánh đầu ngược ghi bàn năm 2008 của Vinh đã trở thành pha bóng trong đó Vinh bị Minh Châu sút trúng đầu văng vào lưới. Chắc Zidane năm 1998 cũng bị sút bóng trúng đầu hai lần liền văng vào lưới của Brazil.
Ở trận đấu cuối cùng trong cấp độ đội tuyển, Vinh đã chảy nước mắt khi hát quốc ca. Không ai biết Vinh đang nghĩ gì, nhưng linh tính của một cầu thủ hơn một thập kỷ ăn cơm tuyển, chắc đã mách bảo anh rằng cuộc chơi với anh hôm nay là hết. Ai cũng quả quyết rằng tuyển Việt Nam sẽ thắng Indonesia ở Mỹ Đình mà quên khuấy là Việt Nam chưa bao giờ đả bại được Indonesia ở giải vô địch Đông Nam Á.
(Xem thêm: Công Vinh tuyên bố giải nghệ )
Và khi thủ môn đánh nguội cầu thủ đội bạn, trung vệ trở thành thủ môn và dâng bàn penalty cho đối thủ, khi hậu vệ đá phản lưới nhà... thì Công Vinh vẫn sẽ bị lôi ra để đổ lỗi.
Rằng anh không mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho đội nhà, rằng anh mờ nhạt quá, cướp bàn thắng của đàn em... Những lời này đối với Vinh đã quá quen rồi, nên khi anh ra đi thì những người "hâm mộ" cũng phải tiễn anh đi như mọi khi cho đủ lễ.
Bởi vì Vinh đã chỉ ra điều mà nhiều người hâm mộ Việt Nam bấy lâu nay không muốn nghe: bóng đá Việt còn yếu nhiều và trong bóng đá cái đẹp không dành cho kẻ yếu. Vinh đã dám ghi bàn, dám thành công, dám chạm đến những mốc son chói lọi dù anh chẳng đáng xem trong mắt họ.
Ngày hôm nay, những lời bình phẩm trên các trang mạng về việc Công Vinh giải nghệ đã nhiều. Lời chê tất nhiên sẽ nhiều hơn lời khen, bởi những người yêu quý Công Vinh có lẽ cũng giống như anh: họ chăm chỉ làm việc, cố gắng phát huy khả năng còn hạn chế của mình, và không bỏ thời gian ra để đao to búa lớn như những người chỉ lo tìm cái đẹp, mà quên mất việc họ chưa làm gì có kết quả cả.
>> Xem thêm: Thủy Tiên nói với Công Vinh: Fan bóng đá 'rất phản bội'
KhanhVideo được xem nhiều: Diễn biến chính trận bán kết lượt giữa Việt Nam và Indonesia
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn