Bố bị tai nạn không còn khả năng lao động, mẹ ra đi biền biệt chẳng quay về. Hai bố con tự sống cùng ông bà trong mái nhà nhỏ thiếu thốn đủ thứ. Tuy hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng em chưa bao giờ có ý định nghỉ học. Dù thế nào chăng nữa, em vẫn muốn tiếp tục con đường đến trường với niềm tin sẽ thay đổi số phận của mình.
Đó là câu chuyện đầy cảm động của em Nguyễn Thanh Tự (2007), học sinh lớp 4B, Trường tiều học Các Sơn B, thôn Hoành Sơn, xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Gánh nặng mưu sinh đã sớm đặt lên vai đứa bé chưa đầy 10 tuổi này.
Tôi biết đến câu chuyện của em qua lời kể từ một người bạn cùng lớp, sống cạnh nhà em. Tôi đã quyết định xin nghỉ học một ngày, vượt chặng đường hơn 100km và tìm đến nhà của em khi mặt trời đứng bóng. Bước vào sân, một cảnh tượng cảm động mà có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được. Hình ảnh một cậu bé thân hình gầy gò trông như que củi khô đang ngồi mệt mài rửa chân cho bố. Nước mắt tôi ứa ra, cổ họng nghẹn lại không thể thốt nên lời...
Thấy tôi, anh Tuân (bố em Tự) đã mở lời chào trước. Sau đó, tôi cố ghìm cảm xúc chào hỏi và bắt chuyện với anh. Anh Tuân chia sẻ: "Tôi bị tai nạn giao thông, sau mười ngày nằm viện, trở về nhà thì vợ bỏ bố con tôi mà ra đi không lời từ biệt". Đôi lúc, anh Tuân nghĩ cũng giận vợ lắm, nhưng lại cố gắng dành tình cảm cho con nhiều hơn để bù đắp sự thiếu vắng đó. Nói đến đây, anh bỗng xúc động, đôi mắt đỏ của người đàn ông vốn mạnh mẽ bây giờ chẳng còn chút sức lực nào. Tôi thấy thật chạnh lòng…
Một ngày của Tự bắt đầu với việc vệ sinh cá nhân cho bố, ăn sáng và đến trường. Sau giờ học, em về nhà ngay, làm hết công việc để đỡ đần ông bà. Rảnh rỗi em lại ra đồng bắt cá, cua, ốc về cải thiện bữa cơm hoặc đưa cho bà mang ra chợ bán. Một đứa bé chưa đầy mười tuổi đáng ra phải được ăn, học, vui chơi, vô lo vô nghĩ. Tuy nhiên, với Tự thì việc này là quá xa xỉ.
Một cô hàng xóm cho biếtTự ngoan lắm, năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi của trường. Ngoài việc đi học buổi sáng trên lớp, chiều nào Tự cũng mò cua, bắt ốc trời nắng cũng như trời mưa. Ông bà Khang (ông bà nội của Tự) đã già yếu mà bố của của em lại bị như vậy, nên hoàn cảnh của gia đình này rất đáng thương.
Bà Khang với vẻ mặt buồn rầu và nói: "Hiện tiền học của Tự cũng như chi phí sinh hoạt cho hai bố con do vợ chồng tôi lo hết. Dù hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng Tự học rất giỏi. Đây chính là niềm động viên rất lớn về mặt tinh thần đối với chúng tôi, đặc biệt là bố của cháu".
Bà cho biết thêm, tiền học phí năm học mới của Tự vẫn đang xin nhà trường khất lại, chờ lúa gặt xong thì mới có tiền đóng.
"Tháng trước, chân của bố nó bị đau nhức trở lại. Chúng tôi chật vật vay tiền khắp nơi để chạy chữa. Gia đình vừa thêm một khoản nợ lớn nên khó khăn lại thêm chồng chất", bà Khang bộc bạch.
Nghe bà nói vậy khiến tôi lại càng thấy thương ông bà và bố con Tự nhiều hơn. Tôi chia tay gia đình Tự để trở về trường, nhưng thấp thoáng đâu đó là hình bóng người bà già yếu, cùng hai bố con đứng trước sân, đưa tay vẫy chào ám ảnh mãi trong tâm trí.
Hy vọng với sự chia sẻ này, "Học bổng Đèn Đom Đóm" sẽ về với Tự để phần nào giúp em hoàn thành tiền học phí, tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường và vơi đi gánh nặng cho gia đình.
Phạm Thị Trang
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn