Năm 2006, trong số hơn 3.000 người nộp hồ sơ xin học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) do Quốc hội Mỹ thành lập, Cường là một trong 40 người được duyệt hồ sơ. Học bổng Cường nhận được từ VEF là 54.000 USD cho 02 năm học đầu tiên của Chương trình đào tạo tiến sỹ tại trường Đại học tổng hợp Iowa (University of Iowa). Để nhận được học bổng từ VEF, bên cạnh các tiêu chí về thành tích học tập, điểm TOEFL/IELTS…, các ứng viên phải vượt qua cả 3 vòng: xét duyệt hồ sơ do Viện Hàn lâm quốc gia Mỹ thực hiện; thi vấn đáp do giáo sư Mỹ làm giám khảo; sau đó ứng viên mới đủ điều kiện nộp đơn xin vào một trường ĐH Mỹ.
VEF chỉ trao học bổng trong hai năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi học viên phải tự tìm nguồn hỗ trợ tài chính khác từ trường. Do đó, Cường đã tìm một công việc liên quan đến mảng công nghệ mà cậu đam mê, đó là “nghiên cứu áp dụng các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích các tài liệu y khoa của một bệnh viện thuộc Đại học Tổng hợp Iowa”.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường ĐH Tổng hợp Iowa với nội dung “Phương pháp giải quyết các bài toán dựa trên việc kết hợp tự động các dịch vụ tính toán trên web” (An evolutional domain oriented approach to problem solving based on web service composition), Cường làm việc cho phòng phát triển phần mềm của văn phòng CIO của Chính phủ bang Nebraska của Mỹ khoảng hơn 1 năm. Sau đó, đội “săn đầu người” của AWS đã để mắt đến Cường. Sau 5 vòng phỏng vấn từ các vấn đề cơ bản (cấu trúc dữ liệu và giải thuật) cho đến nâng cao (thiết kế các hệ thống lớn), Cường được nhận vào đội phụ trách sự ổn định của hạm đội máy chủ của AWS với vai trò kỹ sư phát triển phần mềm (Software Development Engineer).
“Điểm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian làm việc tại AWS là khi những dòng code của mình được triển khai và chạy trên tất cả các máy chủ của AWS trên toàn cầu. Tất nhiên, những đoạn code này đã phải trải qua rất nhiều vòng thẩm định (code review). Lúc đó thực sự rất khoái”, Cường nhớ lại. Sau gần 2 năm làm việc tại AWS ở Mỹ, mặc dù có nhiều lựa chọn khác như làm tại các chi nhánh của Amazon tại Anh, Canada hoặc Đức nhưng Cường quyết định về Việt Nam và đầu quân vào FPT Software với vị trí Kiến trúc sư giải pháp (chuyên về công nghệ Cloud của AWS và Big Data).
“Mình không có gì hối tiếc khi lựa chọn quay về Việt Nam. Mình mong muốn mang các công nghệ và tri thức khoa học học được trong gần 10 năm học tập và làm việc tại Mỹ, đặc biệt là các công nghệ về điện toán đám mây của Amazon và các công nghệ Big Data về chia sẻ với các bạn trong cùng ngành”, Cường nói. Cũng chính vì thế nên Cường chọn làm việc cho FPT Software vì đây là nơi tập hợp nhiều kỹ sư CNTT nhất cả nước, có rất nhiều dự án với nước ngoài và cũng là nơi khả năng của Cường sẽ được phát huy tối đa. Bên cạnh đó, điều mà Cường quan tâm đối với một môi trường làm việc là: “Ở đó có nhiều người giỏi không? Có thể học được gì ở đó? Công việc có nhiều thách thức không?”.
Cường cũng chia sẻ thêm, kinh nghiệm lớn nhất mà Cường học được trong gần 10 năm làm việc trong môi trường công nghệ của nước ngoài đó là “ Sky is the limit ” - Không có gì là không thể. “Quan trọng là mình phải suy nghĩ sáng tạo. Thành công và sáng tạo không phải là ngồi một chỗ suy nghĩ, mà hầu hết đều đến từ rất nhiều thử nghiệm thất bại”, Cường nói.
P.V
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn