Là một trong những tình nguyện viên của chương trình Bảo tồn rùa biển Côn Đảo 2016, tôi cùng với 16 bạn trẻ khác đến từ khắp Việt Nam cùng nhau đặt chân lên đảo Bảy Cạnh – đảo nhỏ thuộc Côn Đảo – Vũng Tàu.
Nguyễn Hồng Minh - Tình nguyện viên chương trình Bảo tồn rùa biển Côn Đảo, tác giả bài viết - chuẩn bị thả rùa con mới nở về biển
Cảm giác đầu tiên về nơi này là “Trong lành quá!”. Nửa tháng sống ở một nơi không sóng điện thoại, không internet, nguồn điện từ năng lượng mặt trời, nước ngọt lấy từ bể tích trữ nước mưa, và đồ ăn thức uống phải chờ canô tiếp tế hoặc tự tìm trong rừng, hoặc vườn nhà, những tưởng tôi sẽ chẳng thể chịu nổi cảm giác buồn chán khi tách rời cuộc sống thành thị ấy.
Ấy vậy mà bầu không khí chẳng vương khói bụi, cảnh biển trong xanh, nắng vàng, cát trắng, từng cơn gió mang vị mặn muối biển đặc trưng hiu hiu thổi và đặc biệt là những người bạn 4 chân Rùa xanh – sứ giả của đại dương đã đem lại cho tôi quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ.
Rùa mẹ thường chọn buổi đêm, khi thủy triều lên cao nhất để lên bờ đẻ trứng.
Một ngày làm việc của các tình nguyện viên chúng tôi thường bắt đầu từ ... buổi đêm, khi nước triều dâng cao, và các mẹ rùa nương theo dòng nước để vào bờ, tìm chỗ đẻ trứng. Ngồi chờ rùa mẹ đào tổ, vừa đạp cát, vừa dáo dác nhìn quanh trong bóng tối để cảnh giác kẻ thù, vừa thở từng hơi phì phò nặng nhọc, để rồi đến khi nhìn từng quả trứng rùa ấm nóng còn dính nhớt rơi từ ổ bụng ra, nằm yên trong hố mới thấy sự sống thật thiêng liêng biết bao.
Nhanh chóng, tôi cùng những bạn TNV khác vừa đếm trứng, vừa nhặt cẩn thận và mang về hồ ấp nhân tạo để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho những sinh linh bé bỏng đang chờ ra đời.
Mỗi ngày, giây phút thả từng đàn rùa con về với biển là lúc tôi vui và hạnh phúc nhất. Nhìn những chú rùa líu ríu quạt mạnh 4 chân lao xuống biển, bị sóng đánh lăn kềnh, giơ bốn chân nhỏ xíu lên trời, tôi thấy bình yên và nhiều hi vọng lắm. Kỳ lạ, dường như trong gene di truyền từ sâu thẳm hàng triệu năm, tất cả chúng đều bò nhanh bằng những chiếc vây bé xíu hướng về phía biển.
Cá biệt cũng có những mẹ rùa lên bờ buổi sáng. Đây thường là những mẹ rùa đã “nhịn” nhiều lần, do gặp chướng ngại vật như con người, thú rừng... làm phiền.
Trong cái hố cát ấp trứng sâu chừng 60 - 70cm, lũ Vích – rùa xanh mới nở có lẽ “nghe” được tiếng sóng lớn nên khi con nước vừa lên, chúng như chỉ chờ có vậy để ngoi lên chào đời. Người ta bảo, rùa con tự bò xuống biển sẽ lưu trong trí nhớ bãi cát nó sinh ra. Khi trưởng thành, chúng sẽ quay về đúng nơi ấy để lặp lại thiên chức của mẹ chúng.
Khi rối rít lao vào những lớp sóng ào ạt, thẳm sâu, lũ rùa non đâu có hay biết rằng khả năng sống sót của chúng chưa đến một phần ngàn? Chưa đến một phần ngàn – có nghĩa là mỗi mùa Vích nở, hơn 1.000 ổ trứng, trung bình mỗi ổ 100 quả trứng, chỉ sống thoát chưa đến 100 con!
Thiên nhiên thật kỳ diệu vô cùng khi dạy cho con người vô số những bài học nhỏ mà một trong đó, lũ rùa biển non dại kia như “hiểu” thấu từng lời: Hãy tiến về phía trước, nơi thách thức luôn là cơ hội, nơi cuộc sống và sự may mắn chỉ đồng hành với lòng dũng cảm và khả năng “sống thoát” nếu ‘biết’ và vững tin vào bản lĩnh của chính mình...
Nhìn, ngắm lũ rùa biển non lao mạnh bạo, không ngần ngại với đôi mắt mở to kiên định – như chẳng cần biết đến những thách thức, hiểm nguy, trong lòng tôi như mơ hồ những suy nghĩ: Phải chăng đây mới chính là những “phượt thủ” thực thụ, có “máu xê dịch” trong người, luôn tự tin và vững vàng trước muôn thử thách của biển cả?
Khi đã đào xong tổ, rùa mẹ thường mất khoảng 30 phút – 1 tiếng để đẻ trứng
Trung bình, mỗi rùa mẹ Côn Đảo thường đẻ 70 – 200 trứng/lần. Mỗi con có thể đẻ 3 -10 lần mỗi mùa
Các tổ trứng rùa sẽ được mang về hồ ấp nhân tạo tại các trạm kiểm lâm trên đảo, với điều kiện nhiệt độ, khí hậu giống như trong tự nhiên để tránh những tác động có hại từ rắn, tắc kè, thú rừng, hoặc bàn tay con người.
Sau 2 tháng, rùa con sẽ xé vỏ trứng và đào cát bò lên khỏi mặt đất
Trái với suy nghĩ “chậm như rùa”, rùa biển bò rất nhanh, và có thể tự định hướng ra biển nhờ từ trường trái đất và tiếng sóng biển.
Rùa biển được coi là Sứ giả của đại dương,
Ngay khi hòa mình vào làn nước biển, mỗi chú rùa con sẽ ngoi lên, nhìn về bờ lần cuối và ghi nhớ vị trí này. Sau 30 năm phiêu lưu dưới lòng đại dương, rùa sẽ quay lại vùng biển nơi chúng được sinh ra để kết đôi, làm tổ và đẻ trứng.
Nguyễn Hồng Minh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn