Phía sau cuộc chiến... câu like

Thứ ba - 04/10/2016 22:51

Phía sau cuộc chiến... câu like

Khi hỏi thăm sức khỏe một người bạn trên facebook, tôi bất ngờ bị ông bạn trách: “Sao thấy tui viết face, ông không bấm like”. Bấm like để làm gì?- tôi hỏi thì được giải thích: “Tôi không làm báo nữa mà qua làm nghề câu like kiếm tiền rồi”.

“Câu” like kiếm tiền

Mấy tháng nay, T. ngụ ở quận 3, TPHCM chuyển sang làm nghề câu like cho một công ty về bán hàng trên mạng. T. cho biết, ngoài việc đưa sản phẩm lên mạng, phải vào comment để làm sao được nhiều like nhất có thể. “Nếu “câu” được 1.000 like công ty trả cho tôi 200 nghìn đồng. Số tiền nhân lên gấp đôi nếu khách hàng like nhiều hơn”, T. kể.

So với những hình thức quảng cáo online khác, quảng cáo thông qua facebook rẻ và hiệu quả hơn hẳn. Một ngôi sao giải trí có hàng chục ngàn fan thì chắc chắn Fanpage của họ sẽ luôn có lượng người xem, like và comment đông đảo. Chỉ cần chủ nhân của Fanpage thường xuyên comment là đã có một lượng lớn người xem và hiển nhiên những quảng cáo trên các trang này sẽ có hiệu quả nhanh chóng.

Một người làm nghề câu like cho ca sĩ X. ở TPHCM kể với lượng like kinh khủng từ fanpage của ca sĩ X, rất nhiều nhãn hàng quảng cáo phải trả thêm tiền cho các “sao”. “Thậm chí khi những “sao” comment khen ngợi về nhãn hàng nào là nhãn hàng đó sẽ được chú ý nhiều hơn”, người này nói.

Một Blogger phải đối mặt với công an vì câu like.

Tuy nhiên trong thực tế, số lượng “sao” quá ít nên các blogger sống bằng nghề câu like phải tự tạo lượng thành viên cho riêng mình. Theo T. cách phổ biến nhất là sau khi xây dựng fanpage, các chủ trang thường câu like bằng cách đưa bài viết hay hình ảnh, video clip về một vấn đề nào đó đang được quan tâm.

Khi một thành viên bấm like/share/comment thì lập tức danh sách bạn bè của người đó sẽ nhận được thông tin. Và khi bạn bè họ vào xem thì lập tức thông tin lại được lan truyền cho danh sách bạn bè của từng người xem theo cấp số nhân.

Bởi thế, với mỗi một comment hấp dẫn, có khi chỉ trong chừng vài chục phút, lượng like của trang đã lên tới vài chục ngàn người. “Nếu trang đó hoạt động ổn định với một lượng người tương tác chừng vài chục ngàn like/ngày, chủ nhân có thể bán được trang hay là cho thuê kinh doanh trên đó”, T. kể thêm.

Tuy nhiên, để câu một lượng like đông đảo như thế, “thợ câu like” cũng dùng nhiều chiêu trò. Theo T. họ thường bám theo những sự kiện ăn khách như tai nạn xe, án mạng, đánh ghen hay nhưng chuyện liên quan đến những người nổi tiếng. Thậm chí, để câu like đã có những “thợ” còn đưa lên trang những vấn đề nhạy cảm hay dính dáng đến cả vấn đề pháp luật hay an ninh quốc gia.

Blogger M., một người đã từng có lượng người like lên đến hơn 10 ngàn đã thừa nhận, để có nhiều like, anh ta đã phải làm những chuyện lẽ ra không nên làm như đưa lên những tấm ảnh đầy thương tâm vô đạo đức, thậm chí còn “a dua” nói xấu một số người nổi tiếng.

Khoe thân để câu like - Một hình ảnh thường thấy của các bạn trẻ.

Cho tới “Câu like tự sướng”

So với câu like để kiếm tiền, lượng người câu like tự sướng đông đảo hơn nhiều. Đa số họ là những người còn trẻ, nghiện cuộc sống ảo và muốn gây được sự chú ý với mọi người nên đã nghĩ ra đủ chiêu trò để câu like.

Trong đó phổ biến nhất vẫn là tung ảnh khỏa thân để khoe, hứa hẹn tung clip nhạy cảm để có nhiều like và tự nhận đồng tính để khoe... Năm 2014, một cô gái để câu like đã khoe mình có bầu với một cầu thủ nổi tiếng và bị phụ tình. Khi cơ quan chức năng triệu tập, cô gái đó hồn nhiên: “Em làm thế chỉ để câu like”.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, một thanh niên đã tuyên bố trên face là sẽ tự thiêu nếu “câu” đủ 40 ngàn like. Và anh ta đã làm thật khi tự đốt mình rồi nhảy xuống cầu Tân Hóa - Sài Gòn. May, người này không thiệt mạng nhưng vụ việc đã khiến giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng.

Còn một thanh niên khác câu like bằng cách đăng thông tin hình ảnh về việc giết thịt động vật hoang dã. Chưa biết có đủ like hay không nhưng sau đó anh ta đã phải đối mặt với pháp luật...

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Thạc sỹ tâm lý Đào Lê Hòa An, giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt cho rằng không chỉ các bạn trẻ ở tuổi mới lớn mà nhiều người lớn tuổi cũng có nhu cầu thể hiện bản thân, khẳng định bản thân và mong muốn được người khác chú ý đến. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận các bạn trẻ muốn được khẳng định bản thân, được nổi tiếng nhưng không phải ai cũng có đủ tài năng, năng lực thật sự để khẳng định mình, để thu hút người khác chú ý.

Và theo chuyên gia này, trong thời buổi mạng xã hội đang bùng nổ việc thể hiện cái tôi mang tính cường điệu hóa và thách thức để được mọi người biết đến luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều hệ lụy. “Do đó, các bạn thể hiện “bộ mặt” này ra sao còn tùy thuộc vào trí tuệ của mỗi người”, ông An chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Cty Luật Đức Chánh cho biết, mạng xã hội là nơi chia sẻ giao lưu, trao đổi thông tin. Nếu người nào đó lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị xử lý theo quy định.

“Hành vi dùng facebook câu like, view bằng cách đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân hoặc giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Chánh nói.

Theo Trọng Thịnh - Văn Minh

Tiền phong

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây