Nữ sinh Ngoại thương đạt học bổng Thạc sĩ Cờ vây trị giá nửa tỷ đồng

Thứ hai - 26/09/2016 17:33

Nữ sinh Ngoại thương đạt học bổng Thạc sĩ Cờ vây trị giá nửa tỷ đồng

Tốt nghiệp loại Giỏi ngành Kinh tế quốc tế Đại học Ngoại thương nhưng Khánh Linh quyết tâm theo đuổi đam mê cờ vây của mình tại Hàn Quốc sau khi dành 4 tháng nỗ lực để nhận được học bổng này.

Cô gái 9x đam mê cờ vây

Khánh Linh - nữ sinh tốt nghiệp loại giỏi ĐH Ngoại thương cũng là một cao thủ cờ vây.

Lê Kiều Khánh Linh sinh năm 1994 tại Hà Nội. Khánh Linh vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đạt loại A chuyên ngành Kinh tế quốc tế, đạt danh hiệu sinh viên Giỏi toàn khóa với số điểm trung bình 3.37 tại Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Linh không chỉ học giỏi mà còn là một kỳ thủ đáng gờm trên bàn cờ vây. Cô từng liên tiếp tham gia 3 giải quốc gia và một giải quốc tế về môn cờ vây. Tại giải cờ vây quốc gia năm 2013, Linh giành được vị trí thứ 9, tuy đây chưa phải là thứ hạng cao nhưng lại có dấu mốc quan trọng đối với cô.

Linh cho biết, hiện nay cờ vây tại Việt Nam vẫn đang có sự phát triển khá tốt khi ngày càng nhiều người yêu thích và theo học môn thể thao trí tuệ này. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa đồng đều khi tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Huế, Đà Nẵng…

Ngay tại Hà Nội hiện nay tuy nói là mạnh nhưng số câu lạc bộ cũng chưa thực sự nhiều, cờ vây cũng chưa phổ biến rộng rãi như cờ vua hay cờ tướng. Sự thiếu hụt tài liệu và thầy dạy có lẽ là một trong những nguyên nhân chính.

Linh kể rằng, ngày còn nhỏ, cô hay đọc truyện tranh và đặc biệt yêu thích bộ truyện "Hikaru - Kỳ thủ cờ vây", nên đã tìm hiểu về bộ môn này. Mới chỉ học lớp 5, Linh đã xin phép cha mẹ được đi học cờ vây. Cha mẹ Linh cũng chiều lòng con gái khi nghĩ rằng đó đơn thuần chỉ là sở thích. Vậy là đều đặn mỗi tuần, Linh được bố đèo đi học cờ vây tại CLB cờ vây Hà Nội. Kết thúc 3 tháng hè, cô học sinh trở lại với lịch sinh hoạt đi học hàng ngày.

“Mình vẫn nhớ như in cảm giác lúc đầu được cầm trên tay những quân cờ mà trước đây mình chỉ thấy trong truyện. Cảm giác vui sướng khi được dạy đi những nước đầu tiên như thế nào”, Linh chia sẻ.

Trước khi đến với cờ vây, Linh vẫn thường được ông ngoại dạy cờ tướng. Theo cô, cờ tướng thắng hay bại chủ yếu dựa vào cách dùng quân và bắt tướng của đối phương. Còn cờ vây thì lại mang tính xây dựng hơn, chủ yếu là sử dụng quân để chiếm diện tích đất trên bàn cờ.

Sau khi kết thúc khóa học hè 3 tháng cờ vây. Linh đã có một thời gian dài chia tay với cờ vây do không có điều kiện để theo học tiếp. Mãi đến năm lớp 11, khi đã tự chủ động được phương tiện và thời gian đi lại thì Linh mới đăng kí để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê từ ngày còn nhỏ. Do đang trong thời gian nước rút để chuẩn bị cho năm học cuối cấp, Linh phải thu xếp thời gian để vừa cân bằng việc học, vừa có thể tiếp tục chơi cờ.

“Mình khá may mắn khi bố mẹ hoàn toàn ủng hộ, miễn là việc chơi cờ không làm ảnh hưởng đến việc học là được”, Linh chia sẻ. Có được sự đồng ý của gia đình, cô càng cố gắng giữ vững thành tích học tập để có thể tiếp tục được theo đuổi niềm đam mê.

“Khó khăn duy nhất của cờ vây đó là thời gian mình học chơi thì không có nhiều cơ sở hay câu lạc bộ hướng dẫn, các tài liệu sách báo liên quan đến cờ vây cũng hiếm ở Việt Nam nên mình chỉ có thể học từ các anh chị đi trước hoặc tìm tài liệu viết bằng tiếng Anh trên mạng”, Linh cho biết thêm.

Học bổng cờ vây trị giá hơn nửa tỷ đồng tại Hàn Quốc

Với việc thi đỗ vào ĐH Ngoại thương Hà Nội, Linh có thêm điều kiện để có thể tiếp tục học nâng cao hơn khả năng cờ vây của bản thân đồng thời đạt được thành tích học tập tốt. Để làm được điều đó, Linh phải cố gắng rất nhiều, cô tự đặt ra nguyên tắc cho bản thân là phải hoàn thành việc học trước khi muốn làm bất kì việc gì khác, cờ vây cũng vậy.

Linh vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành Kinh tế quốc tế trường ĐH Ngoại thương, nhưng cô quyết định học lên cao hơn với chuyên ngành Cờ vây tại Hàn Quốc.

Với việc giữ vững được tinh thần học, vừa qua Linh đã hoàn thành tốt nghiệp tại Đại học Ngoại Thương với khóa luận đạt loại A cùng với danh hiệu sinh viên giỏi toàn khóa. Ngay khi vừa tốt nghiệp, gia đình muốn sắp xếp cho Linh một vài vị trí công việc phù hợp với chuyên ngành học. Tuy nhiên, với bản tính tự lập, Linh muốn tự tìm kiếm cơ hội cho mình.

Khoảng đầu năm 2016, Linh được một người bạn giới thiệu có một học bổng đào tạo thạc sĩ về chuyên ngành cờ vây học tại Hàn Quốc, Linh lập tức nắm lấy cơ hội, trực tiếp liên lạc với trường để xin học bổng.

Linh kể: “Mình gửi email sang cho cô giáo bên Hàn Quốc, nhưng mất khoảng 10 ngày không có hồi âm, mình đã tưởng là trượt rồi. Trong lúc đang buồn ghê gớm thì lại nhận được hồi âm từ cô”. Giáo viên đề nghị Linh gửi CV và một kế hoạch học tập nghiêm túc để nộp lên trường xem xét. Linh đã mất một thời gian khá dài để hoàn thành kế hoạch học tập và gửi sang trường.

Với nền tảng hơn 1 năm học tiếng Hàn Quốc cùng với hoạt động sôi nổi tại CLB cờ vây Việt – Hàn và rất nhiều thành tích thi đấu, Linh đã được đồng ý cấp học bổng tại trường Đại học Myongji (Hàn Quốc) chuyên ngành Cờ vây học, đào tạo trình độ Thạc sĩ, học bổng trị giá hơn nửa tỷ đồng (30.000 USD) cho bốn kỳ học.

Linh nhận được tin đã trúng học bổng vào khoảng tháng 5/2016 khi cô đang làm khóa luận tốt nghiệp. Vui mừng khôn xiết khi cố gắng được đền đáp nhưng Linh vẫn ráng sức hoàn thành khóa luận với kết quả tốt.

Khi cô thông báo với gia đình về việc sẽ đi học cao hơn, xa hơn với cờ vây thì gia đình lại hoàn toàn ủng hộ cô. Mỗi năm trường Đại học Myongji, cấp khoảng vài chục học bổng cho các sinh viên nước ngoài. Trong lịch sử của trường, Linh là nữ sinh người Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng này.

Khi nhận được học bổng này, Linh tự ý thức được rằng mình sẽ được tiếp cận với quốc gia phát triển nhất nhì về cờ vây, cô mong muốn sẽ góp chút sức cho công việc phổ biến cờ vây tại Việt Nam. “Cờ vây Việt Nam vẫn đang phát triển một cách tự phát. Nhưng mình muốn được học một cách chính thống bài bản hơn để có thể xây dựng một giáo trình về cờ vây cho Việt Nam. Đặc biệt là trẻ em sẽ được học nhiều hơn, vì dù sao đây cũng là một trong những môn trí tuệ nhất thế giới”, Linh nói.

Dự định trước mắt của Linh là hoàn thành 2 năm học tại Hàn Quốc rồi ở lại một thời gian để tích lũy thêm kinh nghiệm rồi mới trở về nước thực hiện các kế hoạch tiếp theo của mình.

Mai Châm

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây