Giữa nhịp sống hiện đại và xô bồ, nếu chậm lại một chút để cảm nhận và tìm hiểu thì ắt hẳn chúng ta sẽ thấy được nơi đâu đó vẫn còn thấp thoáng nhiều hoàn cảnh về mảnh đời nghèo khó, lam lũ. Như một cơ duyên tình cờ, tôi quen biết em Nguyễn Thị Thuý Vy học sinh lớp 9A2 trường THCS Phước Hiệp, tỉnh Bến Tre. Câu chuyện về hoàn cảnh và nghị lực của cô học trò nghèo khiến tôi vừa xót xa, vừa cảm phục.
Vy đang sống tại một căn nhà nhỏ thuộc xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Căn nhà ọp ẹp, liêu xiêu chỉ đủ là nơi che nắng, che mưa cho gia đình gồm 5 người: bà ngoại, bố, mẹ, em và một đứa em nhỏ.
Lân la hỏi chuyện, tôi được biết, căn nhà vốn là của bà ngoại. Hiện tại, nguồn thu nhập của gia đình đều tập trung vào đồng lương công nhân ít ỏi của bố mẹ em. Bố em, anh Nguyễn Văn Mẫn ngậm ngùi chia sẻ: "Cứ cuối năm nó đem giấy khen với mấy cuốn tập về khoe khiến cho tôi mừng lắm. Liệu nó học hành thế thì sau này còn khổ như ba mẹ không".
Anh Mẫn bảo sẽ ráng là làm kiếm tiền nuôi Vy ăn học. Nhưng cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng công bằng, dù làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng, nhưng suốt nhiều năm liền gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Chỉ may ra còn mảnh đất nhỏ trồng dừa là đỡ đần được phần nào cho gia đình em.
Nói đi cũng phải nói lại, thu nhập đó liệu có đủ cho rất nhiều chi tiêu trong gia đình nào tiền điện nước, chợ búa, ốm đau bệnh tật, học hành… Cứ nước mặn, đuông dừa, rồi xuống giá. Đồng tiền cứ thế chả có bao nhiêu… Ngoại Vy tuổi đã cao, hai chị em của em thì đang trong tuổi ăn tuổi học. Bao gánh nặng, lo toan đều đè nén lên đôi vai gầy của ba mẹ em.
Những khó nhọc và thiếu thốn đã biến một cô bé còn trong tuổi ăn chưa no lo chưa tới thành một người chững chạc, biết lo nghĩ. Ngoài giờ học, em luôn tranh thủ đỡ đần ngoại và ba mẹ. Từ những công việc nhà như nấu cơm, rửa chén, chăm em… cho tới bán rau, bắt ốc, bán bánh chuối chiên em đều không nề hà.
Nhìn em khổ cực chạy đôn, chạy đáo dưới nắng gắt mưa dầm mà tôi không thể cầm lòng. Cũng đồng trang lứa như những bạn khác mà em phải lo toan nhiều thứ quá. Ấy vậy mà chưa bao giờ tôi thấy em kêu ca, phiền hà hay học hành sa sút. Đôi môi em luôn nở nụ cười. Em chia sẻ phải luôn vui vẻ, cố gắng đỡ đần bố mẹ và đặc biệt phải học cho thành danh thì mới thoát khỏi chữ nghèo.
Nghĩ vậy nên nhiều ngày em vẫn đèn sách học hành và đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Cuối năm, cầm tấm giấy khen và số tập thưởng trên tay mà em rưng rưng nước mắt. Em nghĩ có lẽ bố mẹ sẽ vui vì những món quà này cũng đỡ một khoản tiền sách vở cho năm tới. Nhìn em từng ngày từng giờ cố gắng không ngừng mà tôi khâm phục ý chí ấy.
Mẹ em, chị Trần Kim Phượng nghẹn ngào: “Nhìn Vy cố gắng, tôi vừa vui nhưng cũng lo lắm không biết sau này thế nào. Tiền kiếm không đủ ăn chứ đừng nói là cho nó đi học". Từ sâu thẳm đôi mắt chị, tôi cảm nhận được một nỗi lo nghĩ vô bờ.
Bằng nghị lực và ý chí mạnh mẽ, tôi biết Vy sẽ luôn đứng vững nhưng phía trước chắc hẳn còn rất nhiều chông gai mà cả em và gia đình phải vượt qua. Mong rằng Vy sẽ nhận được sự giúp đỡ để em có thêm nguồn động lực bước đi trên con đường phía trước. Ngày mai tươi sáng đang chờ em để thoát khỏi cảnh đời nghèo khó.
Từ Nhật Quang
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn