Người Mỹ hủy kết bạn mạng xã hội mùa bầu cử tổng thống

Chủ nhật - 30/10/2016 13:23

Người Mỹ hủy kết bạn mạng xã hội mùa bầu cử tổng thống

Các đảng viên đối lập hủy kết bạn với nhau, còn những ai không quan tâm nhiều tới chính trị thì hủy kết bạn với những người suốt ngày bàn chuyện chính trị.

Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về những buổi vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Mỹ và các cuộc tranh cãi, hành xử của người dân nước này trên mạng xã hội. 

Còn gần chục ngày nữa bầu cử Mỹ sẽ diễn ra và kết quả thì chắc là sẽ có vào cuối ngày 8/11. Bên cạnh sự hồi hộp về chuyện ai sẽ thắng cử thì người Mỹ bây giờ đã rất chán nản.

Không chán làm sao được khi mà cuộc vận động tranh cử đã diễn ra suốt cả 9 tháng trời. Bầu cử tổng thống Mỹ thì tất nhiên là hấp dẫn, năm nào cũng lắm chuyện scandal, nhưng lần này scandal nhiều quá khiến ai cũng chán ngấy.

Các bạn xem truyền hình nhưng có bao giờ tự hỏi những buổi vận động tranh cử diễn ra thế nào không? Lúc nào cũng có ứng cử viên đứng trên sân khấu phát biểu, còn phía sau là các cử tri giơ bảng vận động. Khi ứng cử viên nói một lời, ngừng lại thì mọi người hò reo.

Năm 2012, ông Mitt Romney tới vận động tranh cử ở công ty mà tôi đang thực tập. Lần đó, tôi cũng đi theo đồng nghiệp để coi một buổi vận động tranh cử được chuẩn bị thế nào.

Lúc sáng sớm người của đảng Cộng hòa đã tới để chuẩn bị sân khấu, rồi phát các biểu ngữ cho một số người. Các nhân viên được bố trí sẵn để phối hợp cho đúng lúc. Mỗi khi ông Romney ngừng phát biểu thì các nhân viên lập tức vỗ tay, hò reo để khuyến khích mọi người vỗ tay theo.

Tức là các cuộc vận động tranh cử tổng thống thật ra rất chán. Tuy vậy, trong những cuộc trò chuyện hằng ngày và nhất là trên mạng xã hội thì cuộc tranh cử rất om sòm.

Tới nỗi, ở một công ty khác mà tôi từng làm việc, các nhân viên được khuyên là không nên bàn cãi về chính trị, vì ban giám đốc không muốn các nhân viên vì bất đồng quan điểm mà ghét bỏ lẫn nhau, năng suất làm việc sẽ giảm.

Còn trên mạng xã hội, nơi người ta có thể nói mà không khan cổ, và nơi mà cả trăm người có thể tụ tập bình phẩm mà không phải ra khỏi nhà, thì các cuộc tranh luận chính trị giống như một vụ ném bùn. Khi kết thúc thì cả hai bên đều đen sì, tới nỗi nhìn hoài mà không nhận ra nhau.

Bà Clinton thì trở thành một mụ già giả dối, giấu cả đống email đầy thông tin mật trong cái server riêng. Chưa hết, bà Clinton lại còn dùng tiền mua chuộc để ông Bernie chịu bỏ cuộc, nhường suất ứng cử viên cho bà.

Ông Trump thì khỏi nói. Ông ấy tất nhiên là một tên tội phạm tình dục, một kẻ phân biệt chủng tộc, một tên lừa đảo. Còn nữa, ông ấy là một kẻ dốt nát, đến cả hiến pháp của Mỹ cũng chẳng hiểu biết chút nào.

Những từ ngữ “đẹp đẽ” trên đây toàn là do các cử tri Mỹ dành cho hai người, mà một trong hai sắp thành tổng thống của họ. Năm nào cuộc tranh cử không có tổng thống đương nhiệm thì năm đó càng tồi tệ. Chả là không ai biết các ứng cử viên có đủ khả năng làm tổng thống hay không?

Tôi cũng vướng vào một vụ tranh cãi inh ỏi trên mạng xã hội của một người bạn. Cô ấy viết một dòng tâm trạng than thở về việc sắp phải bầu cho bà Clinton, trong khi cô ấy cảm thấy rằng bà ấy đã hối lộ cho ông Bernie để ông ấy bỏ cuộc. Một đám người xông vào, trong đó có tôi, để nói cho cô ấy biết là chính trị rất dơ bẩn, và thật ra những vụ thương lượng như vậy hoàn toàn được pháp luật cho phép.

Không rõ vì lý do gì mà cuộc tranh cãi lại chuyển hướng thành một vụ thóa mạ hai ứng cử viên vòng cuối là bà Clinton và ông Trump. Sau khoảng chừng 50 lời bình luận thì tôi vội xóa bình luận của mình vì đã phát ốm với cuộc chiến không khoan nhượng này.

Mùa bầu cử Mỹ trở thành mùa hủy kết bạn trên mạng xã hội. Các đảng viên đối lập hủy kết bạn với nhau, còn những ai không quan tâm nhiều tới chính trị thì hủy kết bạn với những người suốt ngày bàn chuyện chính trị.

Thường thì vào ngày bầu cử, các ứng viên hay trở về nhà, nơi họ được xem là người của quê hương và cũng là nơi họ đăng ký bầu cử. Ứng viên sẽ đi bỏ phiếu rồi về nhà nghỉ ngơi, chờ đợi kết quả mà các nhân viên bầu cử của họ đang căng thẳng theo dõi.

Lúc tám giờ tối theo giờ ở bờ Tây nước Mỹ (giờ của tiểu bang Cali), các phòng phiếu đóng cửa. Chỉ còn Hawaii là vẫn còn đi bầu, nhưng lúc này kết quả đã xong. Các hãng thông tấn sẽ tuyên bố ai là người thắng cuộc, còn hai ứng viên sẽ đăng đàn để đọc một trong hai bài diễn văn mà họ đã chuẩn bị từ vài ngày trước.

Còn các cử tri Mỹ thì vui vẻ ăn mừng hay buồn rầu tức giận. Ngày hôm sau thì ai lại làm việc nấy và mọi người lại vui vẻ nói chuyện với nhau. Mạng xã hội thì im ắng và người ta lại gửi đi lời mời kết bạn như cũ.

Bởi vì nền dân chủ chỉ có thể hoạt động khi ai cũng đồng ý là kết quả bầu cử phải được công nhận. Người Mỹ có thể giận dữ trước khi bầu cử diễn ra, nhưng bầu cử xong thì họ lại thở phào là mọi việc tốt đẹp, đất nước giờ đã có tổng thống mới.

>> Xem thêm:  Vì sao người Mỹ thở than khi tỷ phú Donald Trump tranh cử tổng thống

Khanh

Video được xem nhiều:Tỷ phú tranh cử tổng thống Mỹ: Tôi cực kỳ giàu có
 

Cấm dạy thêm, học thêm chỉ là 'bắt cóc bỏ đĩa'
Mỹ trừng phạt kẻ sản xuất thực phẩm bẩn như thế nào

Chia sẻ bài viết của bạn  tại đây.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây