Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về thị trường thuê nhà của các du học sinh ở Úc, từ vụ cựu vô địch Olympia 2005 bị kiện ngày 4/10.
Câu chuyện Lê Vũ Hoàng bị kiện ở Úc gây khá nhiều tranh cãi. Thực ra thì những chuyện như vậy ở Úc xảy ra rất nhiều, mà phần thiệt thường thuộc về người thuê nhà.
Cô học sinh du học kia đã có đủ can đảm để mang vụ việc ra tòa án của Úc và giành phần thắng. Những thanh minh của Lê Vũ Hoàng thì phần lớn chắc đã được đưa ra ở phiên xét xử. Tòa tuyên như thế nào thì ai cũng biết rồi. Tôi chỉ xin chia sẻ thêm về thị trường thuê nhà của các du học sinh ở Úc.
Nhà cho sinh viên thuê đa phần là chung cư hoặc căn nhà nền đất với 3,4 phòng ngủ. Phần lớn các nhà này phải có 3,4 người ở thì mới cáng đáng được tiền thuê. Chủ của các căn nhà này thường mướn một nhân viên để lo việc cho thuê, thu tiền và báo cáo để sửa chữa khi cần thiết.
Trường hợp lùm xùm trong vụ này thì khả năng là anh Hoàng đã thuê nhà, rồi cho các em sinh viên mướn lại để ăn chênh lệch. Các hợp đồng giữa chủ và người thuê (anh Hoàng) thường có điều khoản cấm cho thuê lại (sublet). Vì thế nên mới có chuyện anh Hoàng bảo các em sinh viên nói là bạn bè tới dọn dẹp chứ không phải ở lại.
(Xem thêm: Á quân Olympia Nguyễn Thành Vinh: Về nước là rất lãng phí, cống hiến ở đâu cũng như nhau )
Chủ nhà cho anh Hoàng mướn với điều kiện phải trả tiền trước 9 tháng và không được cho thuê lại. Khi chủ yêu cầu sinh viên dọn đi để lấy lại nhà, anh Hoàng phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải trả tiền nhà.
Còn hợp đồng giữa anh Hoàng với các sinh viên vẫn có giá trị, bởi vì nhiệm vụ "không cho thuê lại" là của anh Hoàng. Các em sinh viên đi thuê không có nhiệm vụ kiểm tra xem anh Hoàng có được cho thuê lại hay không, mà có kiểm tra cũng chưa chắc đã được.
Cách cho thuê này rất phổ biến vì các sinh viên hầu hết không đủ tiền để mướn cả căn nhà, thường phải ký hợp đồng theo từng phòng như em Hương. Tất cả các hợp đồng này đều có một khoản ghi rõ: người thuê chuyển đi phải báo trước một tháng. Luật pháp Úc quy định bắt buộc và cho dù không có hợp đồng, hay hợp đồng miệng thì cũng vậy, bởi chẳng ai có thể dọn nhà đi ngay lập tức.
Nên khi chủ nhà bảo phải chuyển thì người ở trọ có một tháng để dọn đi, chứ không có sự "linh động" nào cả. Theo luật, khi dọn đi mọi hóa đơn tiền điện nước phải chi trả. Sau đó, chủ nhà xem xét có hư hỏng gì thì trừ phí sửa chữa vào tiền đặt cọc.
Người cho thuê phải đưa ra mọi hóa đơn chứng từ về việc sửa chữa nếu có, ngoài ra, phải trình đầy đủ các bằng chứng là tiền điện nước chưa trả - cái này có giấy của công ty điện nước. Việc tòa ở Úc tuyên trả lại cho em Hương tiền đặt cọc, thì có lẽ là anh Hoàng không đưa ra được bằng chứng về việc sửa chữa, hay là tiền hóa đơn còn thiếu.
Vì sao căn nhà cấm cho thuê lại (sublet) mà khi có người mướn tòa vẫn xử? Đó là vì các vấn đề liên quan tới nhà ở thì luật bảo vệ người đi thuê, miễn là họ có ký hợp đồng với bên cho thuê (chủ nhà hay người thuê lại nguyên căn).
(Xem thêm: Nữ quái thuê nhà lầu, mở tiệc để dàn cảnh lừa lấy điện thoại 18 triệu )
Một người thuê nhà cho mướn lại mà hợp đồng của họ cấm cho thuê lại, thì đó là việc của họ và chủ nhà - tức là nếu chủ nhà muốn kiện anh Hoàng thì là việc bên đó. Tòa sẽ xử hợp đồng giữa anh Hoàng với em Hương khi em Hương kiện cáo chứ không xử việc khác.
Những tranh chấp liên quan tới hợp đồng cho thuê nhà rất phổ biến ở Úc, tới nỗi có một tòa riêng để xử các vấn đề liên quan. Tòa này có đặc điểm là thụ lý nhanh chóng và xếp lịch xử rất nhanh. Hai bên liên quan sẽ cãi tay đôi trước mặt tòa và rất ít ai mướn luật sư riêng vì tiền thuê rất đắt, hơn nữa các vụ này thường tranh chấp khoản tiền không quá vài nghìn đôla.
Tuy vậy, tất cả những người tham gia vào vụ tranh cãi, bao gồm hai bên hay các nhân chứng đều phải tuyên thệ trước tòa là sẽ nói thật. Khi tranh cãi thì những ai ngồi phía dưới không được lên tiếng, trừ khi tòa gọi lên. Những quy định này rất nghiêm khắc vì tòa án phải được bảo đảm an ninh. Ngay cả các luật sư khi cãi nếu muốn tới gần quan tòa thì cũng phải xin trước.
Còn chuyện này có phải là "chiếm đoạt tài sản" hay không, thì đó không phải là thuật ngữ mà tòa ở Úc dùng. Đây là một vụ tranh chấp dân sự liên quan tới hợp đồng nhà đất, trong đó anh Hoàng bị tuyên là không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng (trả lại tiền đặt cọc) và phải chấp hành lệnh của tòa (trả tiền lại).
Đây là bài học cho các sinh viên đi thuê nhà một mình. Các em nên ký hợp đồng và đọc kỹ các điều khoản liên quan, nếu bị chèn ép thì cứ ra tòa, tòa sẽ xử rất nhanh. Việc các sinh viên thuê lại không hẳn là bất hợp pháp: chính bên cho các em mướn mới phải lo tới tính hợp pháp.
Sau cùng, việc đưa nhau ra tòa vì vài trăm đôla không có gì là sai trái cả. Luật pháp Úc khuyến khích việc đưa ra tòa để giải quyết mâu thuẫn chứ không "tự xử".
Người nào ở Úc cũng có quyền như nhau trước tòa án, không có chuyện một người có quốc tịch thì được bảo vệ. Các tranh chấp dân sự thì bên nguyên đơn cùng lắm là không được tòa đáp ứng đòi hỏi trong đơn kiện, chứ trước giờ tôi chưa nghe ai bị tòa phạt hay hủy visa vì đưa đơn kiện bao giờ.
>> Xem thêm: Chỉ có một trong 13 nhà vô địch Olympia về nước lập nghiệp
KhanhVideo được xem nhiều: Hồ Đắc Thanh Chương vô địch Olympia 2016
‘Nguyễn Thành Vinh Olympia nói về nước là lãng phí’ nóng nhất mạng XH
Quán quân Olympia mùa 16 và cách sử dụng tài năng ở Việt Nam
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn