Vừ Thị Dua là cô học trò lớp 9 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Hàng, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Để đi từ trường về nhà, cô bé phải trải qua 30 km. Một nửa trong số đó là đường cấp phối đi như xóc ốc, một nửa còn lại là đường mòn, đường đất uốn lượn, quanh co liên tiếp ổ trâu, ổ gà. Khủng khiếp hơn cả là con đường từ chân núi lên nhà Dua. Mùa mưa, xe cộ không thể đi lại ở con đường này, ai muốn vượt qua đều phải đi bộ.
Men theo con đường đất xen đá nhỏ bé, chỉ cần sơ sểnh trượt chân bạn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Khi tôi trèo lên được nhà Dua, trời đã quá trưa, người tôi mệt lả. Gọi là nhà nhưng đúng hơn nó chỉ là một túp lều bé được trát vách đất, lợp mái gianh, nằm chỏng chơ trên nơi cao nhất của bản. Do điện chưa về nên ban ngày, nơi đây nóng như thiêu đốt, ban đêm thì sinh hoạt của cả xóm lại dựa vào ánh sáng nhập nhòe của ngọn lửa bếp.
Khó khăn là vậy nhưng cứ khi nào mẹ ốm, hay ở nhà vào vụ gặt, hoặc được nghỉ cuối tuần, Dua vẫn đi bộ về nhà để giúp bố mẹ. Hôm nào may mắn, đi được nửa đường thì bố em ra đón hoặc gặp người dân cho đi nhờ, còn không Dua cứ lủi thủi một mình vượt quãng đường xa về nhà.
Có lẽ, trong những nơi tôi từng đi, những hoàn cảnh tôi đã từng gặp thì nhà Dua là nhà nghèo nhất. Bản Huổi Van 2 đã nghèo, nhưng nhà Dua lại là nhà nghèo nhất trong những nhà nghèo ở đây. Tôi không khỏi giật mình khi biết rằng 12 năm liên tiếp, bố Dua (sinh năm 1981) và mẹ Dua (sinh năm 1983) có tới 5 đứa con. Dua là con cả, dưới Dua còn 4 em nhỏ, lít nhít từ 2 đến 10 tuổi. Cũng vì thế mà cái nghèo, cái đói cứ mãi đeo bám gia đình em.
Mẹ Dua sau khi sinh không được nghỉ ngơi, phải lao động quần quật cùng chồng nuôi cả đàn con nên giờ sức khỏe rất yếu, ốm đau liên miên. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền và những quan niệm lạc hậu của người dân tộc nên mẹ Dua không tới bệnh viện. Chị ở nhà chữa bệnh theo cách dân gian, uống thuốc lá để vừa "đỡ tốn tiền, vừa đỡ mất công đi viện". Đến giờ, sức khỏe của chị ngày càng yếu, phải thường xuyên nằm một chỗ. Kinh tế gia đình cũng vì thế mà trông chờ cả vào một mình bố Dua.
Dù làm lụng chăm chỉ, xoay sở đủ kiểu để kiếm tiền nhưng bố Dua lực bất tòng tâm, chẳng thể gánh vác hết được. Có khi cả ngày đi nương rẫy nhưng anh vẫn không kiếm đủ gạo, ngô cho 7 miệng ăn trong nhà. Thêm vào đó, gánh nặng đi học của 4 đứa con nhỏ càng khiến bố Dua vất vả. Thời điểm tôi đến, nhà Dua cũng chẳng có gạo hay ngô để ăn. Bố em phải đi vay gạo ăn từ cả tháng nay. Hôm nào vay được thì cả nhà còn ấm bụng chứ hôm nào không vay được thì nhịn đói hết. Thương nhất là đứa em 2 tuổi của Dua, quấy khóc suốt vì đói và mệt.
Dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng bố mẹ vẫn cố gắng cho Dua đi học. Dường như những thiếu thốn về vật chất là động lực để Dua không ngừng cố gắng và chăm chỉ khi tới trường, kết quả là cô bé học rất giỏi. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Sinh của trường. Không những thế, Dua còn là lớp phó học tập đầy gương mẫu và trách nhiệm.
Ngoài giờ lên lớp, Dua thường tự học để trau dồi thêm kiến thức cho bản thân. Em mong muốn sau này được trở thành bác sĩ, khám bệnh cho những người dân ở bản mình. "Bản cháu ở xa quá nên thỉnh thoảng bác sĩ mới đến khám, nhưng những nhà ở cao như nhà cháu thì bác sĩ không lên được", Dua tâm sự với tôi về ước mơ của mình.
Tạm biệt cô bé Dua thông minh, nhanh nhẹn, có suy nghĩ trưởng thành, tôi không khỏi băn khoăn trước trăn trở của bố Dua. Anh muốn cho Dua đi học nhưng không biết có thể giúp bé toại nguyện ước mơ được không khi cái nghèo cứ bám lấy gia đình. Bố Dua đã vay tiền ngân hàng, giờ chưa biết lấy đâu để trả, Dua lại sắp học xong lớp 9. Nếu em đi học cấp 3, mọi thứ sẽ càng khó khăn hơn. Với hoàn cảnh gia đình hiện tại, việc lo cho mình em đã là quá sức. Hy vọng, chương trình có thể hỗ trợ cho cô bé dân tộc Mông chịu khó, học giỏi Vừ Thị Dua, để em có thể tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Phạm Thị Dịu
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn