Mỗi người sinh ra không ai có thể quyết định được số phận của mình. Trong xã hội, có những người giàu nhưng cũng còn đó biết bao mảnh đời bất hạnh cần sẻ chia, giúp đỡ. Tôi muốn nhắc tới mảnh đời đầy cơ nhỡ của em Nguyễn Thị Thắng (2008), hiện là học sinh lớp 3D trường tiểu học Diễn Vạn (Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An).
Bố mất khi em học lớp 1. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ chỉ còn có em, mẹ, ông bà nội già yếu và bệnh tật. Ông nội em mù lòa, chỉ ngồi một chỗ. Căn bệnh thần kinh quái ác đeo bám bà nội em từ nhỏ. Còn mẹ em, người ta luôn gọi là “Hà què” (một cánh tay của chị không còn hoạt động được nữa). Bố mất đồng nghĩa với trụ cột gia đình không còn. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi cả 3 chỗ dựa về vật chất cũng như tinh thần kia cũng chẳng thể làm gì. Họ đều là những người bệnh tật. Cả nhà em sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng từ chính quyền địa phương.
Chị Hà chia sẻ: “Tuy khó khăn vất vả là thế nhưng tôi luôn cố gắng để em được đến trường như bạn bè. Mặc dù không biết có thể trụ được bao lâu, đến khi em tốt nghiệp tiểu học, trung học, phổ thông hay đại học, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức”. Có lẽ chính niềm tin và tình yêu dành cho con cái đã tạo nên sức mạnh cho những người làm mẹ như chị Hà lạc quan hơn trong cuộc sống đầy sóng gió này.
Biết được hoàn cảnh gia đình không hoàn hảo, Thắng không những không bao giờ đòi hỏi quần áo đẹp, sách vở mới mà hàng xóm láng giềng xung quanh cho gì thì em nhận nấy. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho em được đến trường và giúp gia đình một khoản nhỏ chi phí sinh hoạt hàng tháng. Thắng đi học một buổi, buổi còn lại phụ giúp mẹ đi chợ bán rau hay một số công việc như rửa bát, quét nhà…
Khi được hỏi về ước mơ sau này, Thắng cho hay: “Em cũng không biết ước mơ gì nữa, nhưng hiện tại em chỉ mong được tiếp tục cắp sách đến trường. Với em, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Em chỉ sợ một ngày nào đó không còn cơ hội được đến trường nữa”.
Chia sẻ ngây thơ của em làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi chợt nhận ra, xã hội này thật bất công, sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo thật sự rất lớn. Khi nhìn những em bé có điều kiện kinh tế, được bố mẹ trang bị cho đầy đủ tất cả mọi thứ từ quần áo, giày dép, sách vở… để đến trường thì nhìn vào hoàn cảnh của Thắng tôi càng thấy thương em hơn. Một cô bé bất đắc dĩ phải lớn trước tuổi, trưởng thành trước tuổi, trong khi đáng lẽ ra đây là lứa tuổi chỉ có ăn, chơi và học thì em phải làm mọi thứ, lo nghĩ mọi thứ…
Ngôi trường tiểu học Diễn Vạn cách nhà Thắng khoảng 1km nhưng ngày nào em cũng đi học đúng giờ. Thắng luôn trân trọng từng phút giây được đến trường, được nghe giảng. Kết quả cho thấy, hai năm học vừa qua em đều là học sinh chăm ngoan, vượt khó học giỏi, có tinh thần học tập, được thầy cô giáo và bạn bè yêu quý. Cô Loan (giáo viên chủ nhiệm) cho biết: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền. Vì vậy, năm nào em cũng tự tay viết những lá đơn miễn giảm học phí gửi lên ban giám hiệu nhà trường. Tôi rất khâm phục em, một cô bé có ý chí nghị lực phi thường".
Con đường nhỏ vào thôn Trung Hậu, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trắc trở, khó đi, nhưng những mảnh đời nơi đây còn éo le hơn. Tôi mong rằng công việc học tập của Thắng sẽ không bị gián đoạn và em sẽ tìm thấy chân lý soi sáng đời mình để theo đuổi.
Phạm Thu Hiền
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn