Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về nỗi khổ của các cô gái miền Tây lấy chồng ngoại quốc.
Cách đây mười mấy năm, tôi ra phòng hộ tịch thị xã để làm hộ chiếu. Sau khi nộp đơn xong, tôi ngồi đợi, bên cạnh là một cô gái chừng mười chín đôi mươi. Cô gái ấy làm quen rồi hỏi khẽ: "Chị ơi, chồng chị ở đâu qua vậy?".
Tôi ngẩn người vài giây mới hiểu cô ấy nói gì. Tôi bảo mình đang làm hồ sơ đi du học. Lúc này cô gái ấy lại khẽ khàng: "Ờ, chồng của em ở Đài Loan". Rồi cả hai chúng tôi đều ngượng ngùng nhìn nhau trong im lặng. Tôi ngượng vì cô gái đấy chắc bằng tuổi tôi, vừa tốt nghiệp lớp 12 xong mà đã lấy chồng, còn mình lại khoe sắp đi du học. Cô ấy cũng ngượng, chắc là vì cùng một lý do.
Ở xóm nhỏ giáp ranh thị xã tại một tỉnh miền Tây, tôi biết nhiều cô gái lấy chồng Đài Loan và sau này là Hàn Quốc. Có nhiều cuộc hôn nhân "thành công", nhưng cũng có những cuộc hôn nhân thất bại.
Một bà lão thường hay bán xôi ở chợ quê nghèo đổi đời nhờ có đứa con gái lấy chồng Hồng Kông. Người con rể 40 tuổi, làm công nhân, có cuộc sống tương đối ổn định. Cưới xong, anh ta giới thiệu cô gái đi làm công nhân cùng mình, và đối xử như vợ chồng bình thường.
Họ sinh một đứa con nhưng gửi về cho bà ngoại chăm lo vì đi làm suốt ngày. Bà lão mỗi tháng nhận tiền con gái gửi về chăm lo cho cháu và mua một chiếc xe máy để đi lại. Gánh xôi thì tất nhiên là không còn, mỗi sáng bà lại ghé sang gánh xôi khác để mua cho cháu, mặt mũi cũng kênh lên được một chút.
Cũng có một cô gái khác trong xóm lấy chồng Hàn Quốc. Ông chồng làm nghề lái taxi, trông cũng bình thường, hiền lành, chỉ có điều là ông mập, tới nỗi ngồi trên chiếc xe máy mà trông cứ như sắp rớt khỏi xe. Nghe đâu cô vợ cũng sống được với ông chồng, thỉnh thoảng về thăm Việt Nam, có phụ giúp chút đỉnh cho cha mẹ.
Ước mơ về cuộc hôn nhân với người ngoại quốc chỉ có vậy: một cuộc sống không bị bạo hành, có việc làm, sinh được đứa con, và có chút tiền để thăm nom cha mẹ.
Những thông tin về thảm cảnh của cô dâu Việt ở xứ người đầy rẫy, nhưng các cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc vẫn cứ nhiều. Vậy sao họ vẫn nhắm mắt đưa chân?
Trong những ý kiến về việc này, nhiều người cho rằng các cô gái ấy lười lao động, thích sung sướng... nên mới rơi vào hoàn cảnh như vậy. Trong số đó, có ai đã quen biết những cô gái ấy chưa?
Các cô gái đó không ai dám mong chờ một cuộc sống sung sướng mà chẳng phải làm gì. Họ sinh ra trong cảnh chân lấm tay bùn, ngày ngày chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi. Tất cả những gì họ mong là có tấm vé đi qua một đất nước phát triển, nơi mà một công việc đơn giản không đòi hỏi trình độ như làm công nhân trong nhà máy, có thể đem tới một mức sống ấm no và thêm chút nữa là ít tiền cho cha mẹ.
Khi họ nhìn xung quanh, mười người lấy chồng Đài Loan thì 7, 8 là ở được với chồng, có chút ít gởi về cho cha mẹ, thì ai mà không ham. Tất nhiên là 7,8 người đó thì đa số chắc cũng là bỏ chín làm mười, chồng không đánh không hành hạ và để yên mà sống là đủ.
Một cuộc hôn nhân bắt đầu bằng tình yêu còn có thể kết thúc trong bạo hành, nhưng một cuộc hôn nhân mai mối trong 3 ngày, cũng có thể đủ để hai bên sống như hai đường thẳng song song. Ông thì có vợ, con, bà thì có cuộc sống ở một nước phát triển hơn, và may mắn thì được chút tiền cho cha mẹ.
Sự giao thoa của hai niềm mong mỏi ấy nằm ở những mối lái hôn nhân chuyên nghiệp. Sự đói nghèo là mảnh đất màu mỡ cho họ "thu hoạch các cô dâu". Còn các ông chồng đi tìm vợ nơi xứ lạ cũng là những người đã hết cách. Nhưng ít ra thì họ cũng mong có vợ, mà các cô dâu Việt thì không sợ gì chuyện chồng ngoại tình, họ kiếm vợ đã khó thì nói gì tới kiếm bồ.
Trong hoàn cảnh đó, các cô dâu thấy rằng mình đã đạt được khoảng bảy phần mong muốn, ba phần còn lại là do xui rủi. Tình yêu và hạnh phúc lứa đôi là những khái niệm xa xỉ với những cô gái không biết làm sao để kiếm ăn.
Vậy là các cuộc hôn nhân chớp nhoáng cứ diễn ra. Phòng hộ tịch vẫn đầy các cô gái trẻ măng đi đoàn tụ với chồng. Nhiều nhà trong xóm mỗi tháng đều đặn nhận tiền con gái gởi về từ nước ngoài. Còn các cô gái phải bỏ về ở với cha mẹ là do xui, hay là do dở, chọn sao thành ra ông chồng như vậy.
Hôn nhân vì tình yêu là một khái niệm mới, dù các trí thức cho nó là kim chỉ nam muôn đời vẫn vậy. Chắc chắn là khái niệm đấy khó tồn tại khi người ta vật lộn với đói nghèo. Vậy là những "thành công" của các chị em trong xóm khi "qua bển", được có chút ít báo đáp cho cha mẹ, cũng đã là động lực để các chị em tiếp tục đưa chân. Dù báo đài có nói nhưng các chị em làm sao mà đọc, mà nghe được.
>> Xem thêm: Chồng Tây bị 'chém' liều thuốc 500.000 đồng, vợ bóc mẽ cô bán hàng
KhanhVideo được xem nhiều: Cô gái van xin đừng quay video khi bị đánh ghen tập thể
Chia sẻ bài viết về cuộc sống tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn