Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress quan điểm về "bún mắng cháo chửi" ở Hà Nội.
Lúc 18 tuổi, tôi ra Hà Nội học. Bạn bè ở Hà Nội dẫn đi ăn và giới thiệu vài hàng ngon. Họ còn kể cho tôi nghe về bún mắng cháo chửi. Tôi không tin nên họ bảo sẽ dẫn đi ăn thử. Tới lúc này thì tôi đành tin theo và từ chối đi, bởi vì tôi không muốn nghe chửi.
Sau đấy thì tôi quên mất chuyện này, cho tới ngày tôi ngồi xem Anthony Bourdain kể chuyện ăn bún chả với Obama ở Hà Nội. Trong cùng một chương trình, hàng bún mắng ấy cũng được lên sóng. Máy quay cận cảnh bà bán hàng vừa làm bún vừa mắng. Mấy câu đó là mắng người khác chứ không phải tôi nhưng tôi vẫn đỏ cả mặt.
(Xem thêm: Khách bị mắng như tát nước vẫn lao vào ăn )
Dư luận chia ra làm hai luồng: ủng hộ và lên án. Bên lên án thì bảo miếng ăn là miếng nhục, sao phải bỏ tiền ra mua rồi ăn mắng, là buôn bán thế này vào Nam thì dẹp tiệm. Bên ủng hộ thì nói bà hàng bún không phải lúc nào cũng chửi, hay bà ấy chửi nhưng mà bụng dạ hiền lành, hay là chỉ chửi khách lạ không chửi khách quen.
Nói tóm lại thì phản ứng của người bị chửi nhưng vẫn tới ăn cũng giống như phải ứng của dân làng Vũ Đại trước lời chửi của Chí Phèo: nó chửi nhưng chắc là chừa mình ra.
Gần đây lại có ý kiến người ăn kém văn hóa nên mới bị mắng, còn ai lịch sự thì không bị mắng. Ví dụ như là khách vứt rác lung tung, khua đũa trong lọ ớt, nói năng ồn ào. Nghe mấy lời này mà tôi tròn cả mắt. Chắc các nhà hàng này không biết câu khách hàng là thượng đế.
Video chủ quán 'bún mắng cháo chửi' miệt thị khách:Tôi quê ở miền Tây và cũng tham gia bán hàng cà phê cùng gia đình trong nhiều năm. Chúng tôi cũng gặp vô số khách cư xử kém văn hóa. Giải pháp thì có một số khác nhau: khi dọn món cà phê phin thì đem thêm cái dĩa nhỏ cho khách để vào, khỏi xả rác; khi dọn đường cho cà phê đen thì dọn vừa đủ cho khách dùng, ai cần thì xin thêm, và không khách nào phải dùng lọ đường mà khách khác đã nhúng muỗng vào. Còn chuyện ăn nói ồn ào thì ráng chịu.
Vì sao chúng tôi làm vậy? Bởi vì trước giờ chúng tôi chỉ gặp khách mà bị nói năng hơi nặng lời là đã bỏ đi mất. Chẳng có ai bị chửi một câu mà quay trở lại quán chúng tôi. Các quán khác không thiếu và khách hàng sẽ sẵn sàng đi quán khác.
Có thể món bún chân giò ấy ngon thật, nhưng mà có ngon nhất quả đất thì ăn trong tiếng chửi cũng chẳng có ích gì. Vì món ngon mà sẵn sàng nghe chửi thì tôi chỉ biết có các vị đi ăn các hàng này ở Hà Nội.
(Xem thêm: Bà chủ quán bún chửi: 'Chửi vì bực dọc, vì thấy mình khổ quá' )
Nhưng ở trong quá khứ thì những hàng ăn này rất nhiều. Không phải chỉ là mắng, nhiều khi các cô bán hàng chỉ phán một câu "hết rồi" hay là không thèm nhìn ngó gì tới, khách hàng phải tiu nghỉu về không. Ngày nay thì tuy mắng nhưng vẫn có cái để ăn, thế là may rồi đấy.
Có ai điều tra xem các hàng này đã có từ bao lâu, do ai bán và cái sự mắng này nó bắt đầu từ khi nào? Tôi đoán là nó có nguồn gốc từ thời bao cấp. Tuy là kinh tế thị trường được áp dụng nhưng có nhiều người vẫn "nghiện" cái việc bị chửi mắng khi ăn uống. Rồi cái thói quen đó lại lây lan sang người khác. Chỉ cần vài nghìn người trong thành phố mấy triệu dân chịu khó ăn mắng là các hàng này vẫn làm ăn được.
Các hàng ăn kiểu này cũng giống như một vết sẹo còn sót lại từ nền kinh tế bao cấp. Khi nền kinh tế đã hồi phục thì các vết sẹo ấy cứ dai dẳng, những người sống gần nó lại cho là bình thường. Còn những người cứ tiếp tục đóng góp cho các hàng ăn ấy thì chắc là bị nghiện... nỗi đau. Hay là họ hoài cổ, cho dù cái sự cổ xưa đó rất xấu xí.
(Xem thêm: Đại diện Sở VH-TT&DL Hà Nội lên tiếng về quán bún chửi )
Khi chính quyền Hà Nội quyết tâm xử phạt các hàng ăn mắng này thì có nhiều người lại lên tiếng phản đối. Họ bảo rằng nền kinh tế thị trường thì phải để cho khách hàng lựa chọn, sao lại cấm đoán? Nhưng mà một số người cứ nhất quyết ăn thế này thì chính quyền cũng cần phải làm gì đấy để chấn chỉnh.
Ông Anthony Bourdain đi khắp thế giới để giới thiệu ẩm thực và các nét độc đáo trong từng nền văn hóa. Xấu có, tốt có, càng kỳ lạ càng thích, nên ông ấy chịu khó ra hàng bún mắng ăn một ngày để làm phóng sự. Hy sinh một chút nhưng được một chuyện ly kì, lạ lẫm để lên sóng thì rất đáng. Còn vì sao các vị khách khác sẵn sàng hy sinh từ ngày này qua ngày khác để đổi lấy bát bún mà các hàng khác vẫn bán đầy thì... xin các vị ấy giải thích.
>> Xem thêm: Chủ quán bún chửi Hà Nội bảo Bằng Kiều 'biến đi cho chị bán hàng'
KhanhVideo được xem nhiều: Bà chủ đuổi nhóm 6 khách vì chỉ gọi một cái bánh tráng nướng
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn