Biểu tình chống Donald Trump: Nỗi sợ hãi được chứng thực

Thứ năm - 10/11/2016 21:25
Nhiều người Mỹ bàng hoàng nhận ra sự ổn định về kinh tế đã trở thành xa xỉ, tới độ cử tri sẵn sàng vứt bỏ các giá trị đạo đức thông thường.

Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về hậu quả khi người dân Mỹ bầu Donald Trump làm tổng thống.

Khi kết quả bầu cử Mỹ bắt đầu trở nên rõ nét vào khoảng 9h tối theo giờ ở California (Mỹ), nhiều người dân Cali bắt đầu tức giận rồi bật khóc. Các sinh viên ở trường đại học California còn đổ ra đường biểu tình và hô to khẩu hiệu "không phải tổng thống của tôi".

Xem video Donald Trump yêu cầu người biểu tình 'về nhà với mẹ'


Câu hỏi mà ai cũng đặt ra là "Vì sao Donald Trump lại thắng cử? Ai đã bầu cho ông ấy? Và tại sao họ lại làm như thế?". Những người ủng hộ Trump có thể được phác thảo sơ bộ là người mong chờ các công việc sản xuất phổ thông trở lại, mong chờ nhiều cơ hội làm việc hơn, và mong chờ một mức sống khá hơn. Số này trong đảng Cộng hòa khá đông.

Vì sao những người này lại có mong muốn như vậy? Nước Mỹ trải qua nhiều thay đổi trong khoảng 15 năm gần đây. Khi toàn cầu hóa gia tăng thì công việc chảy về nơi có giá thấp nhất. Lao động Mỹ vì thế không thể cạnh tranh nổi với các nước khác.

Trong ba đời tổng thống Mỹ gần đây, kinh tế Mỹ phát triển dựa nhiều vào các ngành sản xuất dịch vụ và công nghệ cao. Các ví dụ phổ biến như Google, Apple, Facebook, Qualcomm, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, dịnh vụ tài chính, dịch vụ cố vấn kinh doanh, dịch vụ kinh tế, dịch vụ luật pháp. Các ngành nghề này mang lại mức thu nhập khá cao, nhưng đòi hỏi tay nghề chuyên môn, điều mà các công nhân trong nhà máy không thể có được.

Dưới thời Tổng thống Obama, kinh tế đi từ chỗ suy thoái năm 2008 tới mức phục hồi như hiện tại. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp giảm hẳn, thị trường chứng khoán tăng điểm, kinh tế và thu nhập cũng tăng.

Cái mà các con số này không phản ánh là những tăng trưởng đó đi về túi ai? Sự tăng trưởng đó là nhờ các phát triển công nghệ cao, nên nó đi về túi các nhân sự công nghệ cao. Những công nhân thất nghiệp ngồi nhìn công việc của họ đi sang Trung Quốc làm sao không tức giận cho được.

Sự phân hóa kinh tế ở Mỹ có thể nhìn thấy trên bản đồ, mà cụ thể là bản đồ tranh cử hôm qua. Các tiểu bang ở hai bên bờ Đông Tây nước Mỹ bầu cho bà Clinton, còn ở miền Trung thì bầu cho ông Trump.

Có thể nhìn thấy sự phân hóa kinh tế Mỹ trên bản đồ tranh cử tổng thống.

Ở hai bờ vịnh, kinh tế dựa vào sản xuất và dịch vụ công nghệ cao. Ở miền Trung, kinh tế dựa vào các ngành sản xuất công nghiệp truyền thống và nông nghiệp. Người miền Trung nước Mỹ giống như bị bỏ quên trong hai gọng kìm giàu có.

Hai bang Michigan và Wisconsin vốn là thành trì của đảng Dân chủ. Các bang này có số lượng công nhân trong công đoàn khá cao, mà công đoàn thì theo đảng Dân chủ. Lần này thì khác: đảng Dân chủ đã không kịp nắm bắt tư tưởng bất mãn của cử tri hai tiểu bang này và thua cuộc.

Vậy là một bộ phận cử tri Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp và không có chỗ nào để nương tựa. Những tuyên bố của Trump về việc chống toàn cầu hóa và áp dụng thuế quan với hàng nhập khẩu, mang tới liều "doping tinh thần" cho các cử tri. Điều này thì rất nhiều người biết, cái mà ít người biết là vì sao số lượng cử tri này lại nhiều như vậy?

Cái đáng báo động là vì sao ông Trump với những phát ngôn bốc đồng, bê bối đạo đức nghiêm trọng, và không có chút kinh nghiệm nào lại được các cử tri này ủng hộ? Có thực thì mới vực được đạo. Các cử tri thất nghiệp hay sắp sửa thất nghiệp sẵn sàng vứt bỏ các giá trị đạo đức, để đi tìm các lợi ích kinh tế hay nói đúng hơn là để không vướng vào cảnh đói nghèo.

(Xem thêm:  Con đường kiếm tiền và khối tài sản khổng lồ của ông Donald Trump )

Ví dụ cụ thể nhất về thế mạnh kinh tế có thể giúp tổng thống vượt qua các bê bối cá nhân là ông Clinton. Chuyện tình ái của ông Clinton thì ai cũng biết, quốc hội lôi ông ra luận tội là đúng, nhưng ông giữ được ghế tổng thống vì được dân chúng ủng hộ. 

Mà vì sao dân chúng ủng hộ? Dưới thời Clinton, sự bùng nổ của công nghệ thông tin mang tới một khoản tiền khổng lồ chia đều cho nhiều người. Những người này quyết giữ Clinton trong Nhà Trắng.

Sự phân hóa kinh tế ở nước Mỹ còn thể hiện qua thái độ của cử tri bang Cali. Bà Clinton thắng lớn ở Cali, nơi nền kinh tế khởi sắc hơn phần còn lại của nước Mỹ. Người Cali rất quan tâm tới các giá trị đạo đức mà bà Clinton truyền bá, như không kỳ thị người khác, nữ quyền, ủng hộ binh sĩ, quan tâm trẻ em. Họ quan tâm vì có việc làm, có tiền nên mới sinh lễ nghĩa. Còn những ai không có việc làm thì sao có thể quan tâm tới những điều đó?

Thông điệp bài bác người nhập cư cũng được nhiều người ủng hộ. Về nguyên tắc thì Mỹ là nước của người nhập cư. Về thực tế, khi người bản địa thiếu việc làm thì người nhập cư mới tới tất nhiên sẽ bị đổ lỗi. Vậy là những thông điệp phân biệt chủng tộc của Trump lại thắng thế.

Khổ nỗi là những lời hứa hẹn của Trump, nếu được thực hiện, sẽ đem lại kết quả khác hẳn mong đợi. Khi hàng rào thuế quan được dựng lên, hàng tiêu dùng sẽ lập tức lên giá. Người Mỹ có thể sản xuất các mặt hàng đó tại Mỹ để dùng, nhưng với tình hình hiện giờ thì các nhà đầu tư chẳng ai dại mà đi mở một nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng. Vậy là người lao động lại thiệt hại đôi đường.

Vì sao bà Clinton không đưa ra giải pháp nào cho vấn đề này? Thực ra thì bà Clinton đã cố gắng đưa ra một biện pháp khả dĩ, nhưng các cử tri này không xem đó là giải pháp.

(Xem thêm:  Donald Trump, từ đứa trẻ bị đuổi học trở thành tổng thống Mỹ )

Bà Clinton nói rằng tầng lớp trung lưu cần được đầu tư để có được những công việc tốt hơn. Nói cách khác, bà Clinton muốn đầu tư cho các công nhân mất việc đi học một ngành nghề khác, phù hợp với thời đại hơn và dễ kiếm việc hơn. Nhưng đi học là thứ ít ai chịu làm, nhất là khi không phải ai cũng học được, và học hành thì phải tốn mất mấy năm trời.

Các cử tri Mỹ yếu thế cũng giống như người trên con tàu đang lạc giữa biển khơi. Trump giống như một bình nước to đưa vào thuyền, nhưng đó là nước mặn chứ không phải nước ngọt. Còn bà Clinton giống như một bộ động cơ, có thể giúp người lạc đường trở về đất liền nhanh hơn. Trong cơn bĩ cực ngoài biển khơi ít ai có thể bỏ qua bình nước đầy hứa hẹn để mong chờ cập bến sớm hơn.

Chiến thắng của ông Trump còn nhờ vào địa lợi. Tiểu bang Cali chẳng hạn, mặc dù đông dân nhưng chỉ có 55 phiếu đại cử tri. Trong khi Trump thắng ở các phiếu đại cử tri thì Clinton thắng ở phiếu phổ thông. Nói cách khác, vẫn có hơn một nửa cử tri đi bầu lần này ủng hộ bà Clinton.

Trong những giọt nước mắt thất vọng của người ủng hộ bà Clinton, còn có những ánh mắt bàng hoàng, họ chợt nhận ra rằng sự ổn định về kinh tế đã trở thành một thứ hàng xa xỉ với nhiều người Mỹ. Xa xỉ tới độ nhiều người sẵn sàng vứt bỏ các giá trị đạo đức thông thường, để ủng hộ một người mang tới niềm hy vọng kinh tế, mặc dù đó chỉ là hy vọng. Đó là nỗi sợ hãi đã được chứng thực.

>> Xem thêm:  Ngắm dàn 'xế hộp' khủng của Donald Trump

Khanh

Video được xem nhiều: Gia đình, bạn bè vỗ tay mừng Trump chiến thắng

Vì sao người Mỹ thở than khi tỷ phú Donald Trump tranh cử tổng thống
Người Mỹ sốc vì Donald Trump dọa bỏ tù bà Hillary Clinton 

Chia sẻ bài viết của bạn  tại đây.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây