Ngụ ở ấp 9 xã Hưng Lễ, đôi bạn Phạm Văn Bẩm và Trần Hoài Tân cùng học lớp 6/2 trường Trung học cơ sở Hưng Lễ. Hai bạn đã chơi chung với nhau từ nhỏ. Bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, Bẩm có chân tay bẩm sinh teo rút, đi lại khó khăn. Tân sinh ra như bao đứa trẻ bình thường và may mắn hơn người bạn của mình. Vì gần nhà, 2 em đã chơi chung với nhau từ nhỏ. Đôi bạn trở nên gắn bó hơn từ khi hai em bắt đầu đi học lớp 1.
Em Phạm Văn Bẩm bị di chứng chất độc da cam từ lúc mới sinh, tay chân teo rút, nên việc đi lại và vận động rất khó khăn. Tuy thế, em vẫn giữ vững quyết tâm đến trường, đến lớp. Nhiều năm liền em luôn phấn đấu và đạt học lực khá. Em không thể dễ dàng đi lại, chạy nhảy chơi đùa như bao bạn khác. Nhìn thấy cảnh ấy, Tân quyết định mình sẽ làm "đôi chân của bạn", vì em bảo “Thấy bạn tội nghiệp quá”.
Suốt 6 năm qua, hình ảnh một cậu bé với gương mặt phúc hậu cõng trên vai một người bạn nhỏ bé với thân hình teo rút đã trở nên quen thuộc với nhiều em học sinh trường Tiểu học Hưng Lễ và trường THCS Hưng Lễ. Đôi bạn ấy không chỉ gắn bó với nhau trong sinh hoạt, mà còn cả trong học tập. Tân đã tự nhận lấy một trách nhiệm như một người anh với đứa em kém may mắn của mình.
Mỗi khi trống trường báo giờ ra chơi, Tân đều chạy tới chỗ Bẩm và ngồi xuống cho bạn bám vào vai mình. Những động tác gọn gàng mà nhẹ nhàng như một phản ứng quen thuộc trong cuộc sống của em. Tình cảm ấy thật vô tư và hồn nhiên biết bao. Em Trần Hoài Tân chia sẻ: "Em quen bạn Bẩm hồi năm lớp 1. Em thấy bạn Bẩm tội nghiệp quá nên nghĩ là mình có thể giúp được bạn đến trường".
Mỗi ngày, Tân cõng Bẩm đi vệ sinh, mua bánh và đi chơi. Những gì Bẩm không hiểu thì Tân đều giảng cho bạn hiểu nhiều hơn. Tân cho biết sẽ giúp Bẩm tới khi nào bạn cả hai không còn học chung nữa.
Với Bẩm, đường từ nhà đến trường em đều có cha mẹ đưa đón. Còn thời gian ở trường, Bẩm đi lại, chơi đùa hay sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào đôi chân và bờ vai của Tân. Bẩm không chỉ được Tân giúp đỡ trong sinh hoạt mà còn cả trong học tập. Tuy kém may mắn, nhưng Bẩm rất chăm chỉ học tập. Đây được xem là hai đôi bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau đạt những thành tích khá giỏi nhiều năm liền.
Không chỉ tiến bộ trong học tập mà 2 em còn cùng giúp nhau tiến bộ trên đường đời. Bẩm là tấm gương vượt khó vươn lên, Tân là tấm gương về lòng tương thân, nhân ái. Tấm gương của đôi bạn là bài học về cuộc sống cho bao người, bài học làm người có ích.
Khi được hỏi niềm vui hiện tại của em là gì, Bẩm cho biết đó là được đi học. Em chia sẻ rằng đi học rất vui, có nhiều bạn bè chơi chung. Việc đi lại của Bẩm khó khăn, nhưng nhờ bạn bè giúp đỡ nên em cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc.
Cuộc sống vốn đã rất khó khăn với Bẩm, nhưng trân quý thay em có một ước mơ để sống. Tuy ước mơ ấy giản dị, nhưng rất ý nghĩa. Đó là sống tự lập và trở thành người có ích và giá trị. Bẩm còn chia sẻ rằng, em thích học nhất là môn Anh Văn, ở nhà em thích xem phim tiếng Anh, dù không hiểu vẫn xem. Tuy nhiên, môn học em đạt điểm cao nhất là môn Tin học. Bẩm ước sau này sẽ trở thành một người sửa điện tử giỏi.
Ngày qua ngày, tình bạn của Bẩm và Tân lớn dần theo từng bước chân của Tân. Hình ảnh một đứa bé cao to với gương mặt phúc hậu cõng trên vai mình một người bạn nhỏ nhắn, chân tay teo rút không chỉ minh chứng cho một tình bạn đẹp, mà còn là một lòng nhân ái không đợi tuổi tác.
Khi trưởng thành, có thể các em sẽ không còn ở gần nhau. Bẩm rồi sẽ tự bước trên con đường của cuộc đời mình. Nhưng có lẽ với các em, những ký ức về một tình cảm đẹp của tuổi thơ sẽ trở thành một thứ hành trang quý báu mang theo suốt cuộc đời. Từ những điều tốt đẹp và bình dị ấy, chính các em sẽ nuôi dưỡng thành tình cảm lớn hơn trong cộng đồng. Lòng nhân ái của những đứa trẻ xuất phát theo cách bình dị và tự nhiên nhất.
Nguyễn Thị Kim Phụng
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn