Biến áo len trắng cũ thành mới
Áo len trắng sử dụng lâu ngày sẽ có màu ố vàng hoặc chuyển sang màu đen, khi mặc lên không còn đẹp được như trước kia, đem bỏ đi thật đáng tiếc mà cũng rất lãng phí. Bạn hãy đem chiếc áo len sau khi đã giặt sạch bỏ vào ngăn đông lạnh, đợi một tiếng đồng hồ rồi đem ra phơi khô, sắc trắng trước kia sẽ được phục hồi lại ở một mức độ nhất định.
Kéo dài thời gian sử dụng nước hoa
Không chỉ bảo quản thực phẩm luôn tươi ngon, bạn sẽ phải bất ngờ khi biết tủ lạnh còn có khả năng kéo dài thời gian sử dụng của nước hoa. Mỗi khi dùng nước hoa xong, bạn dùng hộp của nó, giấy wrap hoặc túi nilon bọc kín, rồi đặt vào tủ lạnh, với phương pháp này có thể bảo quản chúng được đến vài năm. Hơn nữa, khi bảo quản như vậy, mùi hương cũng được giữ lại trên cơ thể lâu hơn khi dùng.
Bảo quản nến
Mùa hè, nến thường hay bị biến dạng. Đặt nến vào trong tủ lạnh, như vậy dù trong bao lâu nó vẫn giữ được hình thái ban đầu. Nếu như cây nến đã được giữ trong tủ lạnh 24 tiếng đồng hồ trước khi đem đi đốt, sẽ không có hiện tượng sáp nến bị nhỏ giọt. Chiếc bánh sinh nhật được cắm nến đã qua ‘xử lý’ bằng cách này sẽ không phải sợ bị làm hỏng do sáp nến nóng chảy nhỏ giọt nữa!
Bảo quản phim ảnh
Phim ảnh để ở môi trường bên ngoài có thể bị ẩm mốc, "cháy phim". Đừng lo đã có mẹo nhỏ sau để bạn bảo quản được trong thời gian dài không ảnh hưởng chất lượng hình ảnh. Phim ảnh (kể cả phim đang chụp dở) dùng hộp nhựa bọc kín bỏ vào tủ lạnh. Cách này sẽ giúp bạn yên tâm bảo quản được những bức hình giá trị.
Ngoài ra tủ lạnh còn có những tác dụng khác như:
- Cho bánh bị ẩm vào ngăn đá một ngày, sau khi lấy ra sẽ lại xốp giòn như cũ.
- Hạt dẻ khi luộc chín rất khó bóc vỏ, bạn hãy cho hạt dẻ vào ngăn đá tủ lạnh trong vài tiếng, vỏ hạt dẻ sẽ bong ra khỏi thịt giúp bạn bóc vỏ dễ dàng.
- Cất cơm thừa vào ngăn đá tủ lạnh trong 2 giờ đồng hồ, lấy ra chiên hạt cơm sẽ rất rời, rất dễ nhai.
Mẹo dùng tủ lạnh bền, tiết kiệm điện không phải ai cũng biết
Hạn chế rút phích điện nguồn, bật/tắt tủ lạnh
Hầu hết các loại tủ lạnh đều có cơ chế tự ngắt khi đạt nhiệt độ yêu cầu của nguời sử dụng. Khi bắt đầu khởi động, hệ thống làm lạnh sẽ hoạt động đến khi nhiệt độ bên trong tủ giảm đến một mức nhiệt đã được cài đặt sử dụng. Trong suốt quá trình này, chúng ta thường nghe thấy ở tủ có tiếng kêu ì ì to hơn bình thường. Đây cũng là khoảng thời gian tủ lạnh tiêu tốn điện nhiều nhất.
Sau đó, khi hệ thống này ngắt, tủ sẽ giữ nhiệt độ ổn định và chạy êm hơn, không còn âm thanh đó nữa. Giai đoạn này tủ tiêu hao rất ít điện năng. Sau một thời gian, khi nhiệt độ bên trong tăng lên, chu trình này lại lặp lại để đưa không khí trong tủ về nhiệt độ thích hợp. Như vậy, việc đóng/ngắt nguồn điện vào tủ lạnh là không cần thiết. Việc này còn dễ khiến đồ ăn trong tủ không được đảm bảo độ tươi ngon do nhiệt độ trong tủ tăng giảm thất thường.
Điều chỉnh nhiệt độ tủ và tốc độ quạt gió
Bên trong khoang tủ lạnh thường có 2 bộ phận người dùng có thể tùy ý điều chỉnh: nút điều chỉnh phân phối gió và nút điều chỉnh, cài đặt nhiệt độ tủ.
Nút điều chỉnh nhiệt độ thường được chia vạch, đánh số hay biểu thị bằng kích thước vạch màu xanh (theo chiều kim đồng hồ thì nhiệt độ cài đặt cho khoang tủ sẽ giảm dần). Tủ lạnh khi làm việc thì khoang lạnh đông (ngăn đá) có thể đạt -21 độ C nếu đặt nút điều chỉnh nhiệt độ ở vị trí max và ngăn bảo quản có thể đạt nhiệt độ là 0 độ C.
Tuy nhiên, nếu cài đặt nhiệt độ cho tủ thấp hơn mức cần thiết thì thời gian làm việc của máy nén lâu hơn, do đó điện năng tiêu hao cũng sẽ rất lãng phí. Bởi vậy, cũng tùy theo lượng thực phẩm và lượng đá nhiều hay ít mà người dùng có thể lựa chọn mức nhiệt hợp lý nhất.
Lưu ý khi mất điện lưới
Khi mất điện lưới đột ngột, nếu vào giai đoạn hệ thống làm mát đang hoạt động để làm lạnh khoang tủ (có tiếng kêu ì ì khá to) thì lượng gas bên trong đang tuần hoàn qua giàn lạnh sẽ bị gián đoạn hoạt động. Nếu sau đó ít phút lại có điện ngay, tủ khởi động sẽ khó khăn do hệ thống chưa cân bằng áp suất, có thể dẫn đến máy nén không khởi động được. Nếu hệ thống rơ-le bảo vệ không tốt thì sẽ có nguy cơ cao về hỏng hóc máy nén.
Để tránh tình trạng này, người dùng có thể ngắt hẳn nguồn điện tủ lạnh ngay khi mất điện lưới, và căn khoảng 10 phút sau mới đóng lại cho đảm bảo, hoặc trang bị thêm cho tủ bộ trễ điện. Trường hợp mất điện khi tủ đang ở trạng thái giữ độ mát ổn định thì sẽ an toàn hơn. Bởi nếu nguồn điện được đóng lại ngay thì tủ cũng vẫn đủ lạnh và giữ trạng thái tự ngắt, không hoạt động ngay.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/tu-lanh-va-nhung-tac-dung-khong-ai-nghi-toi-cai-thu-2...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn