Họ lan tên khoa học là Orchidaceae thuộc họ thực vật có hoa được phân bổ khắp nơi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dựa theo đặc điểm môi trường sống và hình thái thì lan được chia làm 3 loại phổ biến là phong lan, địa lan và thạch lan.
Họ Phong lan có khoảng 28.000 loài phân bố trong khoảng 763 chi. Phong tức là gió, Phong lan tức là loài lan mọc ở trên cao, bám vào các cây thân gỗ khác, đón nắng, đón gió, hấp thụ khí trời. Chúng cũng có thể được tìm thấy mọc trên đá, trên cây và thậm chí dưới lòng đất.
Thân Phong Lan
Phong lan phát triển theo cấu trúc đơn thân (1 lá mầm) và đa thân (2 lá mầm)
- Đơn thân: Thân phong lan mọc từ một chồi duy nhất, các lá được bổ sung từ đỉnh mỗi năm và thân dài ra tương ứng. Thân của những loài phong lan mọc đơn thân có thể dài tới vài mét, như ở chi Vanda và chi Vanilla.
- Đa thân: Mô phân sinh đỉnh của thân rễ hình thành một thân phình lên gọi là giả hành. Đó là bộ phận dự trữ nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây trong điều kiện khô hạn khi sống bám trên cao. Cây tạo ra một loạt chồi liền kề, phát triển đến một kích thước nhất định rồi nở hoa và sau đó ngừng phát triển. Các chồi liền kề tiếp tục phát triển bộ rễ và lá theo chu kỳ mới.
Rễ Phong Lan
Phần rễ của cây phong lan được bao bởi lớp mô hút dày, ẩm bao gồm những lớp tế bào chết chứa đầy không khí, do đó nó ánh lên màu xám bạc. Phong lan mọc rễ bám chặt vào bề mặt cây gỗ, chúng hút nước, dinh dưỡng trên bề mặt cây như bụi khoáng, mùn bã hữu cơ, phân động vật và các chất khác tích tụ trên bề mặt thân cây.
Lá Phong Lan
Lá thường có màu xanh bóng ở mặt trên, mặt dưới xanh đậm hoặc tía, mọc xen kẽ trên thân cây và không có quy luật, lá có thể hình trứng, hình ngọn giáo, hoặc hình lông chim có kích thước khác nhau trên từng cây.
Hầu hết các loài phong lan là cây tự dưỡng. Những loài phong lan sống nơi thường xuyên có ánh mặt trời chiếu vào hoặc mọc trên những nơi khô cằn thì có lá dày, nhiều lông và các phiến lá được bao phủ bởi một lớp biểu bì sáp để giữ lại lượng nước cần thiết. Mặt khác, các loài ưa bóng râm có lá dài và mỏng.
Hoa Phong Lan
Một số loài phong lan có hoa đơn lẻ, nhưng hầu hết đều có hoa dạng cụm, chùm. Thân hoa có thể ở gốc, nghĩa là được tạo ra từ phần gốc của củ , giống như ở Địa lan hoặc hoa mọc từ đỉnh của thân chính, như ở Lan hoàng hậu, hoặc ở nách, từ nách lá như ở lan Vanda.
Hoa phong lan có số lượng cánh hoa bên ngoài có 6 cánh, trong đó 3 cánh ngoài cùng là 3 cánh đài, thường có màu sắc và kích thước giống nhau.
Ở giữa hoa có một trụ nổi lên gồm nhị và nhuỵ giúp cây duy trì nòi giống. Phấn hoa là một khối hạt phấn được kết dính với nhau bởi chất nhớt alkaloid giống keo, có chứa cả sợi xenlulo và mucopolysaccharid. Sau khi thụ phấn, các cánh hoa héo, cuống hoa hình thành quả lan.
Quả và hạt của hoa Phong lan
Phong lan có quả dạng cải dài đến hình trụ ngắn phình ở giữa. Khi chín, quả nở bong rất nhiều những hạt nhỏ li ti hoặc bào tử, mảnh vỏ còn dính lại với nhau ở phía đỉnh và phía gốc. Trong trồng trọt, quá trình nảy mầm thường mất vài tuần.
Là loài cây cảnh được yêu thích nhất, loài lan mỏng manh, kỳ lạ và duyên dáng tượng trưng cho tình yêu, sự sang trọng, vẻ đẹp và sức mạnh.
Hoa phong lan có vẻ đẹp kiêu sa mà không chút vấn đục tượng trưng cho sự thanh cao thuần khiết. Biểu tượng của người con gái trinh trắng một lòng thủy chung son sắc. Đồng thời là có ý nghĩa thể hiện cho sự chân thành và hiến dâng của một tình yêu đẹp.
Lan Hoàng Thảo
Nhắc đến hoa phong lan thì không thể bỏ qua loại Lan Hoàng Thảo, đây là giống lan rất được ưa chuộng với hơn 1.200 loài phân bổ khắp Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới. Các giống Hoàng Thảo Lan được ưa chuộng tại Việt Nam như Hoàng Thảo Kèn, Hoàng Thảo Vôi, Giả hạc trắng, Phi điệp, Kiều hồng (Den. amabile) và Kiều tím (Den. amabile), Hạc vỹ (Dendrobium aphyllum)...
Hình ảnh Lan Hoàng Thảo Phi Điệp ra hoa
Lan Hoàng Thảo có sức sống mạnh mẽ, ra hoa rất đẹp với màu sắc hoa đa dạng như: Hoàng thảo mắt trúc, tím huế, long nhãn, vảy rồng, bạch nhạn, trinh bạch... Hoàng Thảo Lan sống trong tự nhiên, bám trên những thân cây hoặc trên các hốc đá trong rừng sâu. Với sự phong phú về chủng loại cũng như màu sắc, kích thước hoa nên chi Hoàng Thảo có rất nhiều loài có giá trị thẩm mỹ cũng như kinh tế rất cao.
Hoàng Thảo Giả hạc trắng (Den. anosmum var alba)
Một số loài Lan Hoàng Thảo được trồng làm thuốc, ví dụ nhu loại lan Phi Điệp kép là một trong những 50 thảo mộc cơ bản được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, nơi nó được gọi là Thạch Hổ (石斛) hoặc Thạch Hổ Lan (石斛兰).
Phong Lan Hồ Điệp
Đây là chi có hơn 25 nghìn loài và hơn 10 nghìn giống hoa khác nhau khiến chúng trở thành loài thuộc họ hoa lớn nhất thế giới. Phong Lan Hồ Điệp thuộc cây thân thảo lâu năm phát triển trong các khu rừng nhiệt đới, sinh trưởng chậm và đòi hỏi nhiều công chăm sóc.
Các loài lan hồ điệp được phân thành hai nhóm:
- Nhóm có cành hoa dài (đến 1m), phân nhánh, lớn, hoa có viền màu hồng hoặc trắng.
- Nhóm có thân ngắn và không tròn, hoa có nhiều màu sắc.
Hình ảnh Lan Hồ Điệp ra hoa
Chi Phong Lan Kiếm
Lan kiếm hay lan lô hội là dòng lan thân thảo có nhiều nhánh, khá dễ trồng và đa dạng mặt hoa với nhiều màu sắc.
Có 4 loại lan kiếm phổ biến được ưa chuộng như
- Kiếm lô hội: Thời gian nở hoa vào mùa xuân, hoa có mùi thơm nhẹ, hoa mọc dạng chùm dài tới 60cm.
Lan kiếm lô hội
- Kiếm hai màu: Hoa của lan Kiếm hai màu dạng chuỗi cong thòng xuống mặt đất dài tới 70cm, hoa nở vào mùa xuân rất đẹp.
Lan kiếm hai màu
- Lan Kiếm dừa: Loại phong lan này lá nhỏ, dài, chùm hoa ngắn nhưng mùi rất thơm như mùi kẹo dừa. Hoa thường nở vào mùa xuân.
- Lan Kiếm tiên vũ: Đây là loại phong lan hoa dài nhưng thưa nhất, lá dày cứng, mùi thơm nhẹ, thời gian nở khoảng 3 đến 4 ngày.
Lan Ngọc Điểm
Ngoài tên gọi Lan Ngọc Điểm, loại phong lan này còn có các tên gọi như lan đai châu, lan nghinh xuân, lan lưỡi bò, lan đuôi rồng lớn.
Đặc điểm của loại lan này là thời gian ra hoa khá lâu từ lúc nhú nụ mầm đến khi ra hoa từ 2 đến 3 tháng nhưng khi nở hoa có mùi rất thơm. Thời gian ra hoa từ cuối thu đến đầu xuân. Hoa hơi khác nhau về hình dạng và màu sắc (từ trắng đến đỏ sẫm, có dạng đốm).
Phong lan Ngọc Điểm
Lan Vũ Nữ
Đây là loại phong lan có khoảng khoảng 600 giống khác nhau. Khi hoa nở, có màu vàng, đỏ, trắng và hồng. Các cánh hoa thường bị xù ở mép, môi cũng vậy . Môi rất lớn, chặn một phần các cánh hoa và lá đài nhỏ giống như vũ nữ đang hăng say nhảy múa.
Có 5 loại lan Vũ Nữ phổ biến được ưa chuộng hiện nay gồm: Lan Vũ Nữ Mặt Trời, Lan Vũ Nữ Miltonia, Lan Vũ Nữ Hoàng Hậu, Lan Vũ Nữ Mèo Hoang, Lan Vũ Nữ Cá Mập.
Hình ảnh hoa Lan Vũ Nữ
Chọn giống phong lan
Những giống lan dễ trồng và dễ chăm sóc, cho hoa đẹp và mùi thơm nên chọn để trồng có thể làm kinh doanh hoặc sưu tầm như Chi Lan hồ điệp, Chi Lan Hoàng Thảo, Lan Mokara, Chi Vanda, Chi Cát lan,...
Nhân giống
Có 2 phương pháp nhân giống lan đó là: nhân giống hữu tính và vô tính
- Nhân giống hữu tính: Phương pháp này khó thực hiện hơn vì phần lớn hạt bị hỏng do khó gặp nấm cộng sinh cần thiết, điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ thích hợp để nảy mầm khá kỹ lưỡng.
- Nhân giống bằng cách tách chiết: Tiến hành cắt chiết khi cây được 8 - 10 tháng tuổi, có nhiều tầng rễ. Tách cây con (giả hành) khi cây cao khoảng 15 - 20 cm.
Nhiệt độ thích hợp
Mỗi loại phong lan có nhiệt độ môi trường khác nhau để phát triển. Nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng và ra hoa của cây nên cần chú ý khi trồng, phân loại lan thuộc các nhóm cây có nhiệt độ thích hợp
- Nhóm cây ưa lạnh: Gồm những loài lan chịu nhiệt độ ban ngày không quá 14 độ C, ban đêm không quá 13 độ C. Những loài lan này thường xuất xứ từ vùng hàn đới, ôn đới và các khu vực núi cao vùng nhiệt đới. Ví dụ lan: Lycaste, Cymbidium…
+ Nhóm cây ưa nhiệt độ trung bình: Gồm những loài lan thích hợp với nhiệt độ ban ngày không dưới 14,5 độ C, ban đêm không dưới 13,5 độ C. Ví dụ lan Vanda.
+ Nhóm cây ưa nóng: Bao gồm những loài lan chịu nhiệt độ ban ngày không dưới 21 độ C, ban đêm không dưới 18,5 độ C. Những loài lan này thường có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới. Đa số lan Dendrobium sp.
Độ ẩm
Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh trưởng và phát triển của loài phong lan. Các loài lan sống trong tự nhiên, sống nhờ vào nước mưa, hơi nước trong không khí nên khi trồng và nhân giống cần tạo điều kiện môi trường có độ ẩm thích hợp.
Về yếu tố ẩm độ có 3 khu vực cần lưu ý:
- Độ ẩm của khu vực trồng: Nên chọn khu vực trồng hoặc tạo vườn lan có bờ mặt diện tích bằng phẳng, thoáng mát, như gần sông, ao, kênh rạch,...
- Độ ẩm của vườn: Để tạo độ ẩm thích hợp cho tùy từng giống lan, có thể trồng cây, dây leo, trang bị hệ thống tưới quanh vườn lan để nâng cao ẩm độ vườn, thích hợp cho cây phát triển.
- Độ ẩm của chậu trồng: Chế độ tưới nước quyết định đến độ ẩm trong chậu trồng. Ví dụ trong vùng khô hạn ta có thể sử dụng xơ dừa để trồng lan, tăng số lần tưới và lượng nước tưới. Tuy nhiên, cần đảm bảo sự thông thoát không gây ngập úng. Sự hài hoà về ẩm độ vùng trồng, ẩm độ vườn sẽ giúp cho sự sinh trưởng của cây lan tốt hơn, hay nói cách khác, nó góp phần quyết định vào sự thành công của khu vườn.
Nước tưới
Nước tưới đảm bảo không bị ô nhiễm và có các hóa chất độc hại để tưới cho cây. Nước tưới cho lan nhất thiết phải sạch, không nhiễm phèn, mặn. Độ pH thích hợp từ 6.5 - 7.0. Lượng nước tưới phù hợp với từng loại và tình hình thời tiết.
- Nước máy: Chứa nhiều Clo khử khuẩn làm mất cân bằng độ PH. Để dùng nước này tưới cho lan, cần đổ ra chậu để một vài ngày cho lượng Clo bay hơi rồi mới tưới cho lan.
- Nước giếng: Nước giếng tự nhiên cần chú ý đến độ cứng, độ phèn, mặn, và pH nước và có cách xử lý thích hợp để tưới cho cây lan. Nếu độ PH không phù hợp hay độ mặn, phèn cao cần xử lý qua bể lọc trước khi tưới.
Phân bón
Khi nhiệt độ tăng cao làm tăng nhu cầu hấp thụ dinh dưỡng của cây lan, do vậy trong mùa nắng cần tăng lượng phân bón để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng gia tăng.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/phong-lan-co-bao-nhieu-loai-dac-diem-va-cach-phan-bie...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn