Lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều năm nay chị Oanh (44 tuổi, đang làm nhân viên kế toán) ở Hưng Yên đã tự mình lên ý tưởng, dọn dẹp sân thượng 50m2 và vận chuyển đất lên để làm vườn. Nhờ bố trí khá hợp lý, rau cải, muống, su su, bầu bí, mồng tơi, su hào, dưa, chanh leo, cà chua… được trồng hoàn toàn hữu cơ nên chất lượng rất đậm đà.
Khu vườn sân thượng của gia đình chị Oanh.
Ủ rau rác nhà bếp làm phân bón
Chị Oanh đã có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau trên sân thượng. Những năm trước, chứng kiến báo đài đưa quá nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, chị lo ngại sức khỏe của mỗi thành viên trong nhà bị ảnh hưởng nên đã quyết định tự tay trồng rau quả sạch cho gia đình.
Với diện tích sân thượng có hạn, chị Oanh đã phải cân nhắc và sắp xếp khoa học sao cho với chừng đó diện tích vừa đặt được các thùng xốp lại vừa để được chậu nhựa lại kết hợp dựng giàn để trồng xen canh và luân canh tối đa các loại cây.
Nhắc lại những ngày đầu tập tành trồng rau sân thượng, chị nhớ mãi ngày cẩu đất lên sân thượng rất vất vả. Có đất chị Oanh bắt tay vào việc trộn sao cho tơi xốp giúp thoát nước hiệu quả và đem trồng. Sau mỗi vụ chị lại đem đổ chậu đất đó ra để phơi khô, rắc vôi bột chống nấm. Tuy nhiên, giờ đây thay vì phơi khô như trước, chị đem ủ đất, vôi cùng các phân hữu cơ để phục vụ cho công tác trồng rau sạch.
Diện tích hạn hẹp song chị Oanh khéo léo tận dụng để trồng được rất nhiều loại rau trái.
Lựa chọn trồng theo phương pháp hữu cơ, đối với phân bón cho vườn sân thượng chị Oanh dùng hoàn toàn phân hữu cơ tự ngâm ủ từ rau rác nhà bếp, thời gian gần đây chị ủ thêm chuối, đỗ tương và cám gạo. Để hạn chế sâu bệnh, chị Oanh ưu tiên sử dụng các phương pháp tự nhiên, ví dụ pha dung dịch sinh học như tỏi ớt, gừng giã để phun trực tiếp, chịu khó cắt lá vàng, sâu, chăm cây tươi khỏe sẽ tự chống được bệnh.
Những ngày đầu mới làm vườn, chị Oanh cũng vấp phải không ít lần thất bại do chưa hiểu đặc tính của cây giống cũng như thời tiết, giai đoạn đầu nhiều rau bị chết. Trên sân thượng gió và rất nóng để khắc phục những nhược điểm đó chị quyết định thiết kế theo ý tưởng của bản thân, lâu dần nhờ tích cực tìm tòi kinh nghiệm làm vườn, mọi khó khăn dần được khắc phục.
Những cây cà chua sai trái lúc lỉu.
Bận rộn vẫn muốn tự tay chăm vườn
Chị Oanh chọn các loại giống cho năng suất cao, chất lượng rất ưng ý như rau cải, cải thảo, bắp cải, đậu bắp, cải cúc, xà lách, cà chua, bầu, bí mướp... của Nhật, Hàn, Mỹ, Đài Loan và Thái lan và một số giống chuẩn của Việt Nam. Bên cạnh đó chị cũng trồng xen các loại rau gia vị, cây ăn quả. Qua bàn tay chăm sóc của chị Oanh, vườn rau xanh tốt ngồn ngộn. Nhiều vụ bội thu rau chị phải đem cho.
Vườn nhỏ nhưng chị Oanh biết cách tận dụng, không chỉ trồng rau quả, chị còn điểm tô vào khu vườn nhiều giống hồng với đủ các màu sắc khác nhau, gần như ngày nào cũng trổ bông đem theo hương thơm nhẹ nhàng.
Mỗi ngày, chị Oanh đều tranh thủ để lên chăm sóc khu vườn sân thượng. Dù bận rộn nhưng chị vẫn luôn tự tay làm mọi việc. Theo chị, chỉ cần sắp xếp khoa học là sẽ đỡ rất nhiều sức người. Chị coi làm vườn sân thượng là một thử thách, tập thêm sự sáng tạo và kiên nhẫn.
Chị cũng trồng xen các loại rau gia vị, cây ăn quả.
Chị Oanh quy hoạch sân thượng theo từng khu để trồng được nhiều loại rau trái phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình song mục tiêu lớn hơn mà chị hướng tới chính là việc có một môi trường để giáo dục các con của thêm yêu thiên nhiên, trân quý giá trị lao động và sáng tạo.
Mẹ Hưng Yên tâm sự: "Khu vườn ngoài việc cung cấp rau sạch cho gia đình thì mỗi lần được chăm chút cho cây cối trên sân thượng là mình luôn cảm thấy vui tươi, đầu óc thảnh thơi. Mỗi lần nhìn thấy các thành viên trong gia đình vui đùa bên khu vườn trên cao lộng gió là mình cảm thấy thực sự rất hạnh phúc".
Chị Oanh biết cách tận dụng, không chỉ trồng rau quả, chị còn điểm tô vào khu vườn nhiều giống hồng với đủ các màu sắc khác nhau.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-hung-yen-cau-dat-len-san-thuong-trong-ca-chua-vai-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn