1. Nguồn gốc
Cây mai tứ quý có tên khoa học là Ochna serrulata, thuộc họ Ochnaceae. Cây còn có tên gọi khác là hoa mai địa thảo, hoa nhị độ mai... do khả năng có thể nở hoa hai lần vô cùng thú vị. Cây vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau này được người dân nước ta mang về trồng và phổ biến đến ngày nay. Ngoài ra một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng sở hữu loài cây này.
Hình ảnh hoa mai tứ quý khoe sắc
2. Đặc điểm
Cây mai tứ quý là loài cây thân gỗ, có chiều cao trung bình từ 2-3m, riêng những cây thuộc Thái Lan hoặc Trung Quốc có chiều cao có thể lên đến 7-8m. Vỏ cây sần sùi và có màu nâu, cành cây phân nhánh mạnh và có hoa mọc ở đầu cành. Lá cây có mép răng cưa, màu xanh lục và có cuống ngắn, mặt dưới của lá có các đường gân nổi lên.
Nhiều người cho rằng mai tứ quý nở 4 mùa nhưng thực ra mùa hoa nở thường bắt đầu từ tháng 2 cho đến hết tháng 5. Hoa có màu vàng rực rỡ, đường kính trung bình khoảng 3-4cm. Hoa có 2 tầng cánh, chúng nở hoa đến 2 lần trong năm. Khi nở lần đầu, hoa mai sẽ có 5 cánh màu vàng, dần dần cánh rụng rồi 5 đài hoa đổi thành màu đỏ, sau đó úp lại ôm lấy phần nhụy hoa, trông như nụ hoa vừa mới nhú. Nhụy hoa sẽ kết hạt rồi phát triển lớn dần, đẩy phần đài hoa bung ra trông như hoa vừa mới nở lần nữa.
Hình dáng hoa mai tứ quý
Cây mai tứ quý được trồng làm cây cảnh trong nhà vào mỗi dịp Tết đến xuân về bởi màu vàng rực rỡ và vẻ đẹp của cây mang lại. Từ đó giúp tô điểm cho không gian xung quanh thêm phần sang trọng, cuốn hút, độc đáo. Ngoài ra, việc trồng cây trong nhà giúp cung cấp không khí trong lành, tạo bóng mát, giúp tăng thêm năng lượng sống tích cực. Nhiều người thích trồng cây mai tứ quý bonsai cho nhỏ gọn và dễ tạo dáng, chăm sóc.
Cây mai tứ quý có các cành lá giòn, dễ cắt tỉa và tạo dáng, do đó nhiều người thích trồng làm cây bonsai cho nhỏ gọn để thuận lợi cho việc chăm sóc tốt hơn. Cuối cùng, nếu như cây Mai của bạn trồng càng lâu năm thì sẽ có giá trị càng cao.
Gốc mai tứ quý cổ thụ có đường kính gốc khoảng 60-70cm, chiều cao khoảng 2-2,5m, tán lá rộng từ 2-3m
Hoa 5 cánh tượng trưng cho ngũ phúc: khoái lạc, hạnh phúc, trường thọ, thuận lợi, hòa bình lại hợp âm dương ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Trong các câu chúc thọ thường có “mai khai ngữ phúc, trúc báo tam đa” (lá trúc có ba nhánh), ngụ ý cát tường.
Trồng mai trong vườn nhà hoặc trong bồn đều có giá trị thẩm mỹ và phong thủy. Mai có bốn tiêu chí quý: “Quý hy bất quý mật, quý lão bất quý non, quý sấu bất quý phì, quý hàm bất quý khai”. (quý hoa ít không quý nhiều, quý già không quý non, quý khẳng khiu không quý mập mạp, quý nụ không quý nở). Tứ quý này thường thể hiện rất rõ ở trong những bức vẽ của các họa sĩ thủy mặc.
Sở dĩ cây mai tứ quý được ưa chuộng và trồng nhiều trong dịp lễ Tết là bởi cây có nhiều giá trị ý nghĩa quý báu. Loài cây này luôn được các gia chủ săn đón bởi sự tinh xảo trên từng cánh hoa vàng mỏng manh nhưng tràn đầy sức sống. Theo như phong thủy, màu vàng của cây tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, tiền vào như nước. Ngoài ra, mai tứ quý còn mang ý nghĩa cho sự sum họp, đoàn viên, hạnh phúc khi được quây quần bên gia đình, người thân yêu nhất là khi dịp Tết đang đến rất gần.
Mai tứ quý mang lại nhiều may mắn và tài lộc cho gia chủ
Cây mai tứ quý nói chung đều thuộc bộ tứ quý: Tùng - Cúc - Trúc - Mai, do đó chúng vô cùng có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong phong thủy mà còn trong cả những nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Vậy nên việc trồng cây trước nhà hoàn toàn có lợi đối với gia chủ và giúp mang lại nhiều may mắn, tài lộc.
Tuy nhiên nếu như đặt chậu cây ở trước nhà, bạn cần phải đảm bảo có đủ ánh sáng chiếu đến, nơi đặt cây thông thoáng và có gió. Ngoài ra bạn không nên đặt chậu cây ở giữa đường, lối đi bởi đó là nơi giao nhau giữa các luồng khí đi vào và đi ra khỏi ngôi nhà của bạn. Điều đó sẽ gây cản trở và không tốt cho phong thủy.
Giá mai tứ quý khá đa dạng và còn tùy thuộc vào dáng và từng cây mai cụ thể mới có thể định giá chính xác được. Ví dụ: Mai tứ quý bonsai sẽ có mức giá khác hay những cây mai tứ quý khủng lại có mức giá khác. Nhìn chung giá cây có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Để tìm được giống đẹp nên lựa chọn những địa chỉ mua uy tín, đảm bảo.
Vườn mai tứ quý ở Việt Trì (Phú Thọ)
1. Phương pháp trồng
Cây mai tứ quý thường được trồng thông qua những phương pháp chính đó là gieo hạt hoặc chiết cành, giâm cành. Việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào khả năng chăm sóc và mục đích trồng làm gì.
2. Loại đất trồng
Cây mai tứ quý ưa thích loại đất có độ cơ giới tốt với khả năng thoát nước và tơi xốp, một phần cũng do cây không có khả năng chịu ngập úng. Ngoài ra cần đảm bảo đất trồng không bị nhiễm mặn hoặc bị chua, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Nếu bạn định trồng cây ở trong chậu, hãy trộn thêm phân chuồng theo tỷ lệ đất : phân là 7:3 nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây.
3. Kỹ thuật trồng mai tứ quý
Để thực sự trồng cây mai tứ quý đạt hiệu quả và giúp cây nở đẹp mắt, bạn nên gieo trồng từ hạt giống và chăm sóc cho đến khi cây trưởng thành. Khi chọn hạt giống, cần lựa chọn những hạt đã già, có màu đen, sau đó đem ngâm hạt trong nước ấm (50 độ C) ít nhất 8h đồng hồ để kích thích khả năng nảy mầm nhanh. Chú ý thay nước thường xuyên khi ngâm, đồng thời trước khi tiến hành trồng ngoài luống đất thì cần phải ủ hạt trong cát ẩm khoảng vài ngày.
Khi hạt giống đã chuẩn bị xong, đem ra ngoài các luống đất đã đào xới và chăm bón kỹ rồi tiến hành lấp đất và tưới nước dưỡng ẩm cho đất. Thời gian đầu chỉ nên tưới ẩm để tránh chết cây, khi hạt giống nảy mầm và cây non bắt đầu cao từ 10cm trở lên thì tiến hành bón thúc 2 tháng 1 lần bằng phân hữu cơ với khối lượng khoảng 1kg/m2. Trồng cho đến khi cây mai tứ quý bắt đầu cao từ 50cm trở lên là có thể mang trồng trong chậu.
Trồng và chăm sóc cây mai tứ quý đúng cách giúp hoa nở nhiều và đẹp
4. Tưới nước
Do cây mai tứ quý không chịu được với việc úng ngập, cho nên chỉ cần tưới vừa đủ cho cây, không được tưới quá nhiều. Quan sát kỹ trong quá trình tưới, nếu thấy lá rụng nhiều thì phải giảm lượng nước xuống.
5. Ánh sáng và nhiệt độ
Cây mai tứ quý cần có ánh sáng để phát triển, giúp hoa nở đều và đẹp. Tuy nhiên cây không chịu được ánh sáng trực tiếp gay gắt, cho nên khi trồng bạn nên đặt cây ở những nơi có cường độ ánh sáng vừa phải. Nhiệt độ phù hợp để trồng cây nên từ 18-28 độ C.
6. Bón phân
Nếu như bạn trồng cây mai tứ quý ở trong chậu bằng phương pháp giâm cành, sau khoảng 2-3 tuần thì cây sẽ bắt đầu ra rễ mới. Khi đó hãy sử dụng phân NPK theo tỷ lệ 20-20-10 pha loãng với nước để tưới, cứ khoảng 3-4 tuần tưới một lần cho cây. Sau này khi cây đã phát triển cao lớn hơn, thành phần phân NPK sẽ điều chỉnh lại theo tỷ lệ 20-20-15 hoặc 16-12-8, đồng thời sau khoảng 1-2 tháng mới bón một lần.
Mặc dù cây mai tứ quý có thể nở hoa 2 lần và nở suốt quanh năm, tuy nhiên nếu không chăm sóc kỹ lưỡng thì có thể khiến cây không ra hoa đúng dịp Tết đến. Để giúp cây có thể nở vào đúng dịp Tết, bạn cần bắt đầu bón thúc cho cây ngay từ đầu tháng 7 âm lịch. Thực hiện tưới nước ít nhất 1 lần/ngày, khi tưới cần tránh tập trung quá nhiều vào gốc mà nên san đều ra cành, lá và hoa.
Đến khi còn khoảng 2-3 tuần trước khi Tết, bạn hãy tiến hành cắt tỉa cho cây. Đối với nụ hoa còn nhỏ, trút bớt lá cây trước Tết 3-4 tuần nhằm giúp tập trung dinh dưỡng cho sự phát triển của hoa. Nên tuốt lá mai tứ quý đối với những nụ hoa lớn trước Tết khoảng 10-15 ngày. Nếu qua ngày 23 tháng Chạp mà cây vẫn chưa có dấu hiệu sắp nở thì cần phải đem chậu cây ra đặt tại những nơi có nắng nhiều và ấm, đồng thời chuyển sang tưới cây bằng nước ấm pha một ít đạm nhằm kích thích quá trình nở hoa nhanh hơn.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/mai-tu-quy-cach-trong-va-cham-soc-cay-no-hoa-dep-vao-dip-t...
Nhà - Vườn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn