Lo lắng vì bát hương mộ phần bị đập vỡ
Dịp Thanh minh gia đình chị Lê Thị Phương (Hà Nội) thuê xe để cả họ đi tảo mộ gia tiên. Khi tới nơi, chị tái mặt vì bát hương trên mộ chồng đã bị đập vỡ, chân hương vứt tung tóe. Nhìn sang mấy ngôi mộ họ hàng bên cạnh ngôi thì sạt góc, ngôi đã xây tường bao thì có những lỗ sâu hoắm, chắc do chuột, rắn đào.
Thấy vậy, người nhà xôn xao bàn tán, lo lắng sợ bị động mộ. Bản thân chị Phương cũng lo lắng mà không biết phải làm thế nào.
Đúng lúc ấy có mấy người dân có lẽ ở quanh đó đi tới, họ tỏ vẻ quan tâm, hỏi han, rồi người chỉ ra chỗ kia mua bát hương, người bảo đến nhờ thầy cúng ở gần đó.
Trước đây ở Hải Phòng và một số địa phương cũng có hàng trăm ngôi mộ người quá cố bị xâm phạm, bị đập vỡ bát hương. Có nhà 5 ngôi mộ thì 3 ngôi bị đập vỡ bát hương, khiến người dân rất hoang mang lo sợ về vấn đề tâm linh.
Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người), ở các nghĩa trang xưa nay đều có hiện tượng vỡ bát hương, ném chén nước, lọ hoa, quẳng bỏ ảnh… do trẻ trâu đùa nghịch, do người xấu quậy phá, thậm chí có thể có cả người kinh doanh bát hương, người làm dịch vụ trông nom mồ mả vì chút lợi ích riêng… gây nên.
Có những ngôi mộ bị chuột rắn đào bới, cây cỏ mọc rễ sâu trong mộ… Tất cả những "hình tướng" đó làm người dân không hiểu biết tâm linh hoang mang, cho là động mộ, rồi rối rít nhờ thầy bà cúng bái kẻo "phần âm" quở trách.
Tiếp đó người ta bắt đầu kể những giấc mơ, rồi gắn vào những hiện tượng để quy đó “điềm báo”, thậm chí có người mê tín tìm thầy bói, bà soi… rồi được “phán” là các cụ “đòi” con cháu phải làm lễ tạ trầu cau, xôi thịt, vàng mã lớn… rất tốn kém mới được yên ổn, nếu không vong linh bám chấp sẽ làm cho con cháu gia đình lộn xộn, mất hòa khí…
Ảnh minh họa.
Hãy bình tĩnh xử lý
Ông Hà Thanh cho rằng, bát hương gia tiên ở nhà thì có tâm linh khác hẳn bát hương ngoài mộ phần.
Bát hương ngoài mộ các cụ không "ở" trong bát hương ấy, mà chỉ đơn giản là chỗ để cắm hương khi con cháu tới tảo mộ, tạ mộ, viếng mộ. Trong tâm linh không phụ thuộc vào “bát hương”, mà phụ thuộc nhiều vào TÂM hương.
Nén hương là "tướng hương", và người dân sợ “tướng hương" bên ngoài - đó chưa phải bản chất của việc thắp hương. Bản chất của việc thắp hương không nằm ở nén hương, mà quan trọng là nằm ở TÂM hương. Xưa khi chưa có bát hương thì con cháu còn cắm luôn giữa nấm đất, nơi đầu mộ.
Vì vậy mùa Thanh minh đi tảo mộ, nếu thấy bát hương xô lệch hay bị đập vỡ, chén nước, lọ hoa bị mất, vỡ, ảnh bị quăng vứt thì người dân không nên làm ầm ĩ, cũng không nên sợ hãi, lo lắng (bởi càng sợ thì người xấu càng hoành hành), cũng đừng vội mời các thầy bà về cúng khấn phán bảo "động" bát hương là kinh sợ, rồi cúng kiếng, lễ tạ… rất tốn kém.
Hãy bình tĩnh sắp xếp lại di ảnh, đi mua bát hương mới, lọ hoa, chén nước mới... về đặt lại rồi thắp hương bình thường.
Xong xuôi làm sắm một lễ sơ (tùy tâm sắm hoa quả, tiền vàng, rượu, khoanh giò/miếng thịt luộc, quả cau lá trầu...) tạ quan thần linh nơi mộ phần.
Trên mộ phần đặt thanh bông hoa quả, nước rồi tự mình cúng khấn với tấm lòng thành kính rằng: «Vì người xấu làm việc xấu, là do tác nhân bên ngoài. Xin gia tiên hoan hỉ và cho con cháu sửa sang lại». Việc này cũng không lớn tới mức phải đi xem bói, thuê thầy bà tốn kém.
Nếu mộ phần bị sứt mẻ, chuột rắn đào bới, cây cối đâm rễ vào mộ… cũng có thể bồi đắp lại, có thể đổ nước để lèn đất cho chặt. Có rễ cây thì nhổ đi, nhổ sạch cả cỏ dại. Nhưng dân gian coi đó là "động" mồ mả gia tiên, dù "động" nhiều hay ít thì cũng cần nhờ các nhà ngoại cảm, nhà tâm linh mới biết cách để xử lý.
Việc đập vỡ bát hương, quăng bỏ ảnh, đồ thờ cúng nơi mộ phần… cũng là xúc phạm tín ngưỡng tâm linh, theo luật pháp sẽ bị xử lý. Nhưng về mặt tâm linh, những người làm việc đó đã khởi tâm xấu (tâm đố kị, xâm hại mộ phần, làm tốn hại tiền bạc, công sức…) khiến người khác mất công tu sửa, muộn phiền, và đương nhiên những người khởi tâm xấu, ra tay xâm hại mộ phần "gieo nhân nào sẽ gặt quả đó".
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn