Thu Thủy (29 tuổi) là người con gốc Hà Nội, giờ đây cô đang cùng chồng con sống ở thành phố Cologne, Đức. Dù ở nơi đâu cô luôn muốn có cho mình một không gian sống đúng nghĩa. Sau hơn một năm tự tay bài trí và sửa sang lại căn nhà, Thủy đã có được không gian sống rất ấm cúng, cảm giác về nhà đúng nghĩa là nhà.
Khu vườn nhỏ qua năm tháng.
Bên cạnh đó vì đam mê trồng trọt, Thủy đã cùng ông xã cải tạo ban công rộng khoảng 8m² thành mảnh vườn rau xanh mướt, mỗi tuần đều cho thu hoạch.
Sau 6 tháng cải tạo, ban công trống hoác đã khoác lên một màu xanh mướt của rau.
Theo lời bà mẹ trẻ, căn nhà hiện tại gia đình đang sinh hoạt có diện tích 78m² và 8m² ban công, cả nhà cô chuyển về đây ở từ 3 năm trước, khi đó chỉ đơn giản là một căn nhà trống huơ trống hoác, đến một cái bóng đèn cũng không có. Người ở trước của căn nhà này để sàn gỗ và tường trắng nguyên bản.
Góc ban công be bé vốn nóng rực và trống trải mỗi mùa hè, nhưng cô đã quyết tâm cải tạo nó thành một khu vườn xanh mướt mắt. Cuối tháng 2 - đầu tháng 3, khi những đợt tuyết cuối cùng bắt đầu tan, là thời điểm thích hợp để bắt tay vào chuẩn bị làm vườn. Cô lên kế hoạch và dọn dẹp lại ban công. Đo và vẽ sơ đồ trồng rau để tối ưu hoá diện tích ban công.
Sau khi lót màng bọc, nhớ chọc lỗ thoát dưới đáy, đúng chỗ hở của những khe gỗ.
Vì ban công nhỏ, Thủy mua gỗ về làm vườn nâng (raised bed), gồm năm chậu kích thước 45 x 100 x 40 cm. Thủy nói: "Cách làm này không chỉ nhìn đẹp, gọn gàng mà còn giúp cây sinh trường tốt hơn, dễ xử lý đất, tránh ốc sên. Đặc biệt, người chăm sóc không phải còng lưng khi gieo hạt, thu hoạch, nhổ cỏ như trồng luống thấp theo phương pháp truyền thống. Để đảm bảo trọng tải của ban công, mình đã tính toán kỹ càng về việc sắp xếp, cũng như có bao nhiêu bed/chậu".
Thủy không quên mua nhà kính mini để hỗ trợ cho việc gieo hạt sớm, do thời tiết ở Đức khá lạnh và phải cuối tháng 5 trời mới ấm dần. Bắt tay vào khâu chuẩn bị, cô đã dọn dẹp lại ban công: cọ sàn, dọn đất, nhổ cỏ,… Để đảm bảo thông thoáng và tránh ngập úng Thủy còn làm nhiều khe thoát nước ở dưới đáy. Dùng sơn/dầu để bảo vệ và tăng tuổi thọ của gỗ.
Chuẩn bị đất là khâu tốn thời gian nhất. Thủy phủ một lớp đá (Tongranulat) ở dưới đáy chậu để tăng khả năng thoát nước, sau đó trộn lẫn đất và phân bón bokashi (phân bón hữu cơ sinh học) làm từ rác hữu cơ trong bếp, đợi một tháng mới bắt đầu trồng cây vào.
Là năm đầu tiên làm vườn, Thủy chọn các loại cây dễ trồng, đảm bảo chắc chắn được thu hoạch như cà chua, xà lách, rau thơm, rau cải, đỗ, bí ngòi, dưa chuột,... Để thu hoạch sớm vào tháng 7 và tháng 8, cô gieo hạt vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Quá trình lên men hoạt động tốt nhất trong môi trường yếm khí (không cấp khí). Không khí làm cho các thành phần thối rữa nhanh hơn là lên men. Vậy nên cô cho rác hữu cơ vào một thùng rác nhỏ có nắp kín, cứ 2-3 ngày mới đổ vào thùng Bokashi một lần để tránh mở thùng Bokashi nhiều lần. Khi thùng đầy thì để vào chỗ tối và mát 2 tuần. Thuỷ tái sử dụng hộp đựng trứng, hộp sữa,... để ủ mầm trong nhà, để trên cửa sổ hoặc nơi có nhiều ánh sáng và không bật lò sưởi.
Đến lúc cây nảy mầm đủ cứng cáp và thời tiết thuận lợi (nhiệt độ ban đêm trên 10 độ C) thì chuyển cây ra các chậu to hơn. Theo Thủy, có thể để cây trong nhà kính vài ngày để cây làm quen với nhiệt độ ngoài trời. Với một số loại cây leo như dưa chuột, đỗ, bầu, bí, Thủy làm thêm giàn đỡ từ que tre, thanh gỗ.
Khi hoàn thành nhà kính mini.
Thủy chăm chút vườn rau vô cùng tỉ mỉ.
Vào mùa hè, ban công nhà ở trong thành phố rất nóng nên Thủy phủ rơm lên đất để giữ nước. Cô cũng hái lá tầm ma để diệt trừ bọ, rệp cho mảnh vườn của mình, cứ một một kg lá thì cho 10 lít nước, ngâm 24 tiếng rồi lọc bã và phun lên lá. Cây rất ngứa và gây đau rát nên phải nhớ đi ủng, đeo găng tay để hái và thái nhỏ nhé.
Cuối tháng 6, mảnh vườn 8m² của Thu Thủy cho đợt thu hoạch đầu tiên, được gần một kg các loại cải chíp, củ cải và xà lách. Từ đó đến nay, mỗi tuần, gia đình Thủy lại có rau củ quả sạch, trong đó nhiều nhất là cà chua. Có lần, cô thu hoạch được 2kg cà chua bi trong khi trên cây vẫn còn rất nhiều chùm đang chờ chín.
Hai cây bí ngòi đủ cho gia đình ăn liên tục, trung bình một tuần cho 2-4 quả. Nhà Thủy lúc nào cũng có đủ rau thơm để nấu món Việt, từ rau răm, húng, bạc hà, tía tô, đến kinh giới, lá mè, rau mùi. Ngoài ra còn có các rau thơm của phương Tây như basil, rosemary, thymian, oregano. Dùng không hết, Thủy đem sấy làm gia vị khô.
Cuối tháng 6, mảnh vườn 8 m2 cho gia chủ đợt thu hoạch đầu tiên, được gần một kg các loại cải chíp, củ cải và xà lách.
Ngoài cà chua, Thủy còn trồng dưa chuột, đỗ, cải, rau chân vịt. Vài tuần một lần, cô thu hoạch được cả củ cải, cà rốt. Cô cho biết: "Nhiều khi ăn không kịp, phải muối để giữ được lâu và đem tặng hàng xóm. Nhờ đó, mình nghĩ là hàng xóm quý nhà mình hơn".
Bên cạnh rau củ quả, Thủy trồng nhiều loại hoa như hoa cẩm tú cầu, hoa cúc, hoa hồng. Lưu ý với những chị em ấp ủ trồng rau trên ban công, Thủy cho hay, ban công phố thị mùa hè siêu nóng, nên cần che phủ đất để giữ nước. Khi được thực hiện đúng cách, lớp phủ sẽ cắt giảm thời gian cần thiết để tưới nước, làm cỏ và chống lại sâu bệnh. Nói chung, điều này làm cho trái cây, rau và hoa tốt, khỏe hơn. Có thể phủ bằng: Rơm hoặc cỏ khô, dăm gỗ hoặc vụn lá, lớp phủ nhựa.
Chứng kiến cô lọ mọ tận dụng diện tích từng chút một, nhiều người nói rằng mấy loại cây này bán ngoài chợ rẻ lắm, trồng làm gì cho mệt nhưng với Thủy, làm vườn cũng là một liệu pháp thư giãn. Sau mấy tháng làm vườn, cô nhận ra rằng trồng rau củ không chỉ nuôi cái bụng - nó chăm sóc cho cả tâm hồn.
Bên cạnh rau củ quả, Thủy trồng nhiều loại hoa như hoa cẩm tú cầu, hoa cúc, hoa hồng.
Sau mấy tháng làm vườn, cô nhận ra rằng trồng rau củ không chỉ nuôi cái bụng - nó chăm sóc cho cả tâm hồn.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/9x-ha-noi-tan-dung-ban-cong-8m-thanh-vuon-rau-xanh-ri...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn