Phát hoảng chuyện ăn chia trên lưng người lao động

Thứ sáu - 30/09/2016 10:47

Phát hoảng chuyện ăn chia trên lưng người lao động

Thời gian gần đây, Báo GĐ&XH liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng các lao động Việt Nam muốn làm việc tại thị trường Nhật Bản phải chịu mức phí cao quá quy định. Để làm rõ thực trạng người lao động phải “oằn lưng” cõng thêm hàng nghìn USD, cùng các “thủ thuật” thu tiền lao động của các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ), chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu về vấn đề này.

Bộ LĐTB&XH quy định các doanh nghiệp XKLĐ khi thu tiền lao động đi Nhật Bản không được quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm. Tuy nhiên, quy định là vậy, còn thực tế thì các doanh nghiệp XKLĐ lại “xé rào” thu vượt hàng nghìn USD/lao động.

Lao động Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh. Ảnh: Đỗ Lực

Bộ siết chặt…

Hiện thị trường Nhật Bản được coi là mảnh “đất vàng” của các doanh nghiệp XKLĐ. Thế nhưng, thị trường này cũng đang phải đối mặt với dấu hiệu mất thị phần bởi các vấn nạn liên quan đến việc “ăn xổi”. Để khắc phục tình trạng này, ngày 18/11/2015, Bộ LĐTB&XH đã có Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Một số “căn bệnh” được chỉ rõ và yêu cầu chấn chỉnh là: Lao động Việt Nam phải chịu mức phí quá cao so với quy định và so với mặt bằng chung; nhiều lao động đăng ký đi thực tập tại Nhật Bản đã phải chịu các chi phí chuẩn bị, nhưng không được đưa đi; tình trạng thực tập sinh Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản, tỷ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp tăng so với các năm trước đây.

Câu chuyện lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản phải chịu mức phí cao quá quy định và so với mặt bằng chung dường như đã trở thành “căn bệnh mãn tính”. Hàng năm, Bộ LĐTB&XH đã có rất nhiều công văn gửi các doanh nghiệp chấn chỉnh thực trạng này. Theo đó, ngày 6/4/2016, Bộ LĐTB&XH đã có Công văn 1123/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tiếp tục chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Cụ thể, công văn yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ sang Nhật thu khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh. Nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với thực tập sinh…

Chạm mặt CEO XKLĐ

Qua nhiều mối quan hệ “dắt dây”, trong vai “cò” có nguồn lao động dồi dào muốn đi làm việc tại Nhật Bản, chúng tôi đã tiếp cận được với lãnh đạo một công ty xuất khẩu lao động (có trụ sở tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội). Khi biết chúng tôi có nguồn lao động dồi dào muốn hợp tác, người này tỏ vẻ hào hứng “săn đón”, hứa hẹn mức phần trăm hoa hồng hậu hĩnh. Theo hứa hẹn, chúng tôi sẽ nhận được 500 USD/lao động.

Không ngừng lại đó, người này liên tục phô trương vẻ hào nhoáng, to lớn của công ty mình. Ông ta cho biết, đây là một doanh nghiệp lớn, tên tuổi trong thị trường XKLĐ, chỉ cần nhắc đến tên công ty ai trong “làng nghề” XKLĐ cũng rõ. Vị lãnh đạo công ty này cho biết thêm, năm 2016, Công ty dự kiến xuất cảnh khoảng 600 - 700 lao động sang thị trường Nhật Bản.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã đưa được 300 lao động sang Nhật. Mức phí mà lao động tham gia chương trình đi XKLĐ ở Công ty dao động khoảng 6.500 USD/lao động/hợp đồng 3 năm. Mức phí này chưa bao gồm tiền đặt cọc đơn hàng (tiền cọc giao động từ 1.000 – 2.000 USD tùy từng đơn hàng - PV).

Chúng tôi thắc mắc: “Tại sao Công ty thu phí lao động cao như vậy?”, người này cho biết, mức phí mà Công ty thu của người lao động luôn đứng ở tốp rẻ nhất nhì trong số hàng trăm doanh nghiệp XKLĐ. Khi chúng tôi thắc mắc, nhiều công ty trích phần trăm hoa hồng cao hơn thì ông ta ngẫm nghĩ, tính toán một lúc rồi nói: Tạm thời mức hoa hồng sẽ là 500 USD/lao động. Khi nào hợp tác lâu dài, dẫn được nhiều lao động thì sẽ xem xét tính thêm phần trăm hỗ trợ.

Để “chào hàng” với chúng tôi, người này liệt kê ra một loạt danh sách đơn hàng tốt, lương cao. Trước khi chào tạm biệt ra về, ông ta không quên nhắc chúng tôi về các đơn hàng Công ty sắp tuyển và dặn chúng tôi sớm đưa lao động lên để dự tuyển.

Tiếp tục đi tìm câu hỏi tại sao các doanh nghiệp thu phí cao vượt quy định của Bộ LĐTB&XH, trong vai người môi giới lao động, chúng tôi gặp bà Trương Thúy Hiền, Giám đốc Trung tâm Thương mại và hợp tác quốc tế (Tổng Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng UDIC, trụ sở tại số 6&7 lô 1B Vũ Phạm Hàm, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sau một hồi hoài nghi, truy xét, bà Hiền mới cởi mở câu chuyện.

Thấy chúng tôi “khoe” có lượng lao động dồi dào trong tay, bà Hiền cho biết, mình là đơn vị doanh nghiệp trực thuộc nhà nước nên phí XKLĐ thu theo quy định. Bà Hiền khẳng định, ít có doanh nghiệp nào có thể thu mức phí với giá thành rẻ như Công ty của bà là trên 5.000 USD/người/hợp đồng 3 năm. Thấy chúng tôi có vẻ chưa muốn hợp tác, bà Hiền hứa: Trung tâm sẽ “bấm bụng” chịu thiệt để trích tỉ lệ lợi nhuận hoa hồng cho “cò” khoảng 500 USD/lao động, cao hơn các “cò” khác khoảng 100 – 200 USD.

Sau đó, do bận họp, bà Hiền giao cho nhân viên tư vấn tên Thảo đứng ra thương lượng với chúng tôi. Chị Thảo tiết lộ, vài tuần nữa Trung tâm sẽ tổ chức thi đơn hàng xây dựng, lương cao, phí đi rẻ và mong muốn hợp tác với chúng tôi. “Phí thu khoảng 5.000 USD/lao động/hợp đồng 3 năm. Lao động sẽ phải đóng thêm tiền đặt cọc đảm bảo hợp đồng, tùy từng đơn tiền đặt cọc sẽ dao động khoảng 1.000 - 2.000 USD. Như vậy lao động sẽ đóng khoảng trên 7.000 USD, kể cả tiền ăn học…”, chị Thảo cho biết.

Lấy tiền lao động phải khôn ngoan

Tại Trung tâm XKLĐ số 02 (Công ty CP Simco Sông Đà), ông Phạm Đăng Thắng, Giám đốc Trung tâm cho biết, mức phí đi XKLĐ tùy từng đơn hàng như: Xây dựng từ 5.000 – 5.500 USD; đơn hàng may của Nhật từ 4.000 – 4.300 USD; nông nghiệp, thực phẩm khoảng 4.000 – 5.000 USD. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thắng chỉ trích một số doanh nghiệp thu phí lao động quá cao và cho rằng cách làm đó không bền vững.

Ông Thắng không quên nhắn nhủ, dặn dò chúng tôi là làm nghề XKLĐ phải khôn ngoan, dù lấy tiền của lao động hàng nghìn USD thì phải tìm cách hợp lý, không để lao động chê bai “ăn mặn”, “khát nước”. Ông Thắng cho biết, hết tháng 8/2016, Trung tâm đã xuất cảnh được 140 lao động. Một phép tính đơn giản có thể thấy, nếu đối chiếu với quy định, trung tâm này đã thu thêm tiền tỷ từ phía người lao động.

Có thể nhận thấy việc thu phí XKLĐ cao đã trở nên phổ biến trong các doanh nghiệp XKLĐ này. Để thoát nghèo, người lao động tìm đến con đường XKLĐ. Thế nhưng để sang được Nhật Bản làm việc, họ còn phải còng lưng gánh thêm hàng nghìn USD. Chính vì vậy, ước mơ thoát nghèo vẫn là gánh nặng trên vai người lao động.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết: Theo quy định của Bộ LĐTB&XH về phí tổng hợp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là 3.600USD/người/hợp đồng 3 năm. Nếu doanh nghiệp nào thu của lao động vượt số tiền trên thì có thể khẳng định đây là một sự vi phạm rõ ràng, nghiêm trọng. Cơ quan báo chí có thể phối hợp với Thanh tra Bộ LĐTB&XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước để xử lý theo quy định của pháp luật.

Những năm qua, Bộ LĐTB&XH đã thẳng tay phạt hàng trăm triệu đối với hành vi thu phí XKLĐ cao của các doanh nghiệp, nhưng dường như mức phạt đó vẫn chưa đủ sức răn đe. Thu phí XKLĐ Nhật Bản cao dường như đã trở thành “căn bệnh” không thuốc chữa. Để tìm hiểu thực trạng này, PV Báo GĐ&XH đã tìm đến một số công ty tên tuổi đứng tốp đầu của thị trường đưa người lao động sang Nhật Bản “xin” hợp tác làm ăn.

Theo Đỗ Lực/Báo Gia đình và Xã hội

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây