Những đau đầu của nhà quản lý trước các “tật chứng” nảy sinh từ góc thị trường lao động “ngoại” này không ít, song với nỗ lực của mình, Hà Nội đã cố gắng để khép các công ty xuất khẩu lao động và người đi xuất khẩu lao động vào vòng cương tỏa.
Lấy lại hình ảnh ở thị trường Hàn Quốc
Vì Hà Nội có trong danh sách 10 tỉnh, thành có người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhiều khiến Chính phủ nước này yêu cầu “đóng cửa” với thị trường lao động Việt Nam, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với Cục Lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, UBND các quận, huyện triển khai đồng thời nhiều giải pháp để giảm nhanh tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Không chỉ đưa ra “lệnh cấm” đối với 4 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Đan Phượng, Chương Mỹ) có số lao động hết hạn hợp đồng không chịu về nước đúng thời hạn trên 60 người, nhà quản lý TP còn chủ động xuống một số huyện có người lao động thuộc đối tượng này để vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Tính đến tháng 5/2016, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng của Hà Nội đã giảm xuống còn 35,71%.
Lao động Việt Nam được kiểm tra sức khỏe trước khi sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các nhà quản lý thừa nhận, con số này vẫn cao hơn so với mức tỷ lệ trung bình của các tỉnh, TP khác. Là bởi một số quận, huyện bắt tay làm việc này chỉ mang tính hình thức. Thế nên, Sở đã có ngay những yêu cầu cụ thể đối với quận, huyện để đẩy tỷ lệ này đến con số thấp hơn. Không chỉ giao việc trong tay các phòng LĐTB&XH, mà huy động cả Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên... tham gia.
Bên cạnh đó tuyên truyền, vận động, yêu cầu ký cam kết tới từng gia đình có người thân làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Danh sách các lao động ở Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp niêm yết công khai tại UBND, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn để tạo dư luận xã hội phê phán hành vi, vi phạm của người thuộc diện này.
Nhìn vào bảng thống kê của Phòng Chính sách lao động việc làm của Sở, con số lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc của các quận, huyện vẫn đang có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, tính đến 31/8/2016, huyện Thạch Thất còn 61 lao động cư trú bất hợp pháp, huyện Thường Tín còn 69 người, huyện Đan Phượng còn 64 người, Chương Mỹ vẫn “tồn đọng” 67 người hết hạn hợp động lao động mà chưa về nước.
Tính riêng con số này ở 8 tháng năm 2016, dù số lao động về nước đúng thời hạn của Thạch Thất là 23, Thường Tín 12, Đan Phượng 14, Chương Mỹ 20, song Thạch Thất vẫn bổ sung vào đội quân cư trú bất hợp pháp 17 người, Thường Tín 8 người, Đan Phượng 14 người và Chương Mỹ 13 người.
Phía Sở LĐTB&XH khẳng định, địa phương nào chưa giảm được số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì “lệnh” tạm dừng tuyển lao động đi nước ngoài vẫn còn duy trì. Đây là sự nghiêm khắc cần thiết để lấy lại hình ảnh lao động Việt ở thị trường Hàn Quốc.
Hỗ trợ người lao động
Khi Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) được ký kết trở lại - nghĩa là cánh cửa của thị trường lao động Hàn Quốc không còn khóa trái trước lao động Việt Nam, các nhà quản lý Hà Nội cũng rất thận trọng và chủ động để việc tương tự không lặp lại. Đồng thời đã có những động thái hỗ trợ lao động Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài làm việc tránh được những phí tổn phát sinh từ việc môi giới, những rủi ro từ công ty hoạt động “chui”.
Bằng chứng là cuối tháng trước, từng DN hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn TP đã nhận được yêu cầu của nhà quản lý thực hiện đúng các quy định về tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có việc niêm yết công khai số lượng lao động cần tuyển, giới tính, tuổi, công việc sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, cũng như các khoản phí phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt là khi tuyển chọn lao động tại địa phương, DN phải xuất trình Giấy phép và thông báo với Sở, chính quyền nơi DN chọn lao động về kế hoạch và các điều kiện tuyển chọn; Phải cam kết với người lao động về thời gian cho xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển. Hợp đồng với người lao động cũng phải ký trước ít nhất 5 ngày trước khi xuất cảnh và chỉ được thu tiền dịch vụ của người lao động khi người lao động được phía nước ngoài tiếp nhận.
Nối lại mạch xuất khẩu lao động Việt Nam – Hàn Quốc bị ngắt quãng một thời khá dài, các nhà quản lý đã nhanh chóng đứng ra tổ chức kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS cho người lao động ngành sản xuất chế tạo. Cuộc thi lần thứ 11 này sẽ diễn ra vào 2 ngày 8 và 9/10 cho những người đang cư trú dài hạn tại các địa phương không bị tạm dừng tuyển chọn, những người đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và những người đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, ở lại cư trú bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước từ 1/4/2016 đến ngày đăng ký dự thi. Con số 1.263 người tham dự chứng tỏ thị trường lao động Hàn Quốc vẫn đầy sức hấp dẫn đối với lao động Việt Nam.
Và tới đây, để hỗ trợ người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS của Hà Nội và các tỉnh lân cận về nước tìm việc làm, ổn định cuộc sống, Sở LĐTB&XH sẽ phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) mở phiên giao dịch việc làm cho lao động từ Hàn Quốc trở về. Phiên giao dịch sẽ hội tụ các DN có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động EPS, người lao động EPS về nước của Hà Nội và một số tỉnh “sát vách”.
Như những người thực hiện chương trình chia sẻ, đây cũng chính là cách động viên người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần giảm tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Tới đây, Sở LĐTB&XH sẽ kiểm tra các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đơn vị nào có dấu hiệu vi phạm những quy định đặt ra, sẽ xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh thị trường xuất khẩu lao động. Phiên giao dịch việc làm cho lao động Hàn Quốc trở về sẽ diễn ra vào 22/10/2016 tại Sàn giao dịch việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm số 2 Hà Nội (số 144 Trần Phú, Hà Đông). 1.263 lao động đủ tiêu chuẩn đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ việc làm số 2 Hà Nội tiếp nhận tham dự Kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS lần thứ 11 trong 4 ngày tiếp nhận hồ sơ.
Theo Kinh tế đô thị
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn