Kết quả dạy nghề đạt thấp
Theo kế hoạch, năm 2016, toàn thành phố tổ chức đào tạo nghề cho 30.490 LĐNT, tăng 141,7% so với năm 2015, với tổng kinh phí hơn 69,8 tỷ đồng, tăng 156,9% so với năm 2015. TP Hà Nội đã giao chỉ tiêu, kinh phí đào tạo cho 20 quận, huyện, thị xã để tổ chức dạy nghề cho LĐNT với 2 loại hình đào tạo là: Đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng bao gồm cả nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, mặc dù chỉ tiêu giao cao hơn, kinh phí nhiều hơn so với năm 2015 nhưng kết quả dạy nghề lại rất thấp. Sáu tháng đầu năm, toàn thành phố mới có 10/20 quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho LĐNT với sự tham gia của 52 cơ sở đào tạo. Các địa phương đã mở được 149 lớp với 5.110 người tham gia học nghề, chỉ đạt 17% so với kế hoạch năm 2016 và giảm 39,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Hà Nội Khuất Văn Thành: Kết quả đào tạo nghề đạt thấp là do những tháng đầu năm, các quận, huyện, thị xã tập trung vào xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công tác tuyên truyền, tổ chức tuyển sinh và làm thủ tục để mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Ngoài ra, một số địa phương triển khai còn chậm, dẫn đến kết quả đạt thấp.
Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, giám sát công tác tổ chức học nghề ở nhiều quận, huyện, thị xã chưa chặt chẽ. Số học viên đến lớp không đầy đủ, thời gian học ít hơn so với lượng chương trình đào tạo đã được xây dựng. Ngoài ra, điều kiện tổ chức lớp đào tạo như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị và nguyên vật liệu còn chưa đáp ứng được yêu cầu…
Nhiều hạn chế cần tháo gỡ
Bên cạnh việc chậm, muộn trong triển khai đào tạo nghề cho LĐNT, vẫn còn nhiều tồn tại khác mang tính cố hữu, trong đó “đầu ra” cho lao động sau học nghề là một trong những trở ngại lớn nhất. Rất nhiều lao động sau học nghề không tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, hầu hết các nghề nông nghiệp, người dân học xong không tìm được việc làm mới. Trong khi đó các nghề phi nông nghiệp được học như thủ công mỹ nghệ, làng nghề không có đầu ra cho sản phẩm nên không phát triển được.
Theo thống kê của Sở LĐ, TB&XH Hà Nội, tỷ lệ lao động tự tạo việc làm chiếm 74% trong tổng số lao động có việc làm; lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm, thành lập được hợp tác xã hoặc doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 25,3%. Nguyên nhân là do công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát với thực tế, dẫn đến nhiều nghề được đào tạo chỉ mang tính hỗ trợ tay nghề trong quá tình làm việc mà chưa tạo được việc làm mới cho người lao động. Mỗi học viên được học trong thời gian 3 tháng, kinh phí 2 triệu đồng/học viên/khóa học là quá thấp, chưa đáp ứng yêu cầu tay nghề doanh nghiệp đặt ra.
“Huyện Chương Mỹ đã làm việc với các doanh nghiệp đề nghị thu hút lao động địa phương vào làm nhưng người lao động vẫn khó có cơ hội xin được việc làm tốt bởi các doanh nghiệp đòi hỏi công nhân có tay nghề tương đối cao” - Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Nghĩa nói.
Chuyển dịch cơ cấu lao động là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển nông thôn ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều bất cập cần cần khắc phục.
TP Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT (theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu giai đoạn tới là đào tạo nghề cho 132.823 LĐNT, 80% lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn. Để hoàn thành mục tiêu trên, những hạn chế trong công tác này cần sớm được khắc phục.
Theo Báo Hà Nội mới
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn