Được biết, sau ngày 1/5/2016, mức lương cơ sở đã tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng. Hiện mức đóng BHYT hàng tháng là 4,5% lương cơ sở hiện hành.
Về mức tăng, Phương án 1 được đề xuất điều chỉnh tăng mức đóng BHYT thêm 0,3%/năm. Lộ trình tăng bắt đầu từ năm 2019 là 4,5 % (hiện nay) + 0,3 % mức lương cơ sở. Tiếp sau, năm 2020 mức đóng sau khi được tăng sẽ là 5,1%; năm 2022 là 5,4%; năm 2023 là 5,7% và 2024 là 6%.
Phương án 2: Mức điều chỉnh tăng dự kiến đề xuất tăng thêm 0,5%/năm. Từ đó dự kiến mức đóng BHYT năm 2019 là 5% lương; năm 2020 là 5,5% và tới năm 2021 là 6%.
Lý giải việc tăng mức đóng BHYT, Bộ Y tế cho rằng việc điều chỉnh viện phí 2 đợt trong năm 2016 đã làm gia tăng chi phí của Quỹ BHYT. Về lý thuyết, quỹ BHYT chỉ có thể cân đối thu chi thêm vài năm tới rồi có thể rơi vào tình trạng bội chi.
Về nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tăng mức viện phí nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT.
Tình trạng bội chi quỹ BHYT đang trở thành điểm nóng sau khi BHXH VN đưa ra những số liệu “nóng” qua 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể: Chi phí khám chữa bệnh theo BHYT trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015, với tổng số tiền tăng thêm 8.545 tỉ đồng. Có 37 tỉnh chi vượt định mức quỹ khám chữa bệnh BHYT với số tiền bội chi tăng thêm 2.879 tỉ đồng.
Nhiều tỉnh có số vượt quỹ 6 tháng đầu năm rất lớn (mức trên 100 tỉ đồng) gồm: Thanh Hóa 370 tỉ đồng, Nghệ An 351 tỉ đồng, Quảng Nam 238 tỉ đồng, Cà Mau 221 tỉ đồng, Thái Bình 213 tỉ đồng, Đà Nẵng 167 tỉ đồng, Bắc Giang 142 tỉ đồng, Phú Thọ 125 tỉ đồng, An Giang 116 tỉ đồng, Hải Dương 115 tỉ đồng, Bình Định 109 tỉ đồng, Quảng Ninh 102 tỉ đồng.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng này, BHXH VN đã triển khai hàng loạt các biện pháp chấn chỉnh hoạt động giám định cũng như dùng biện pháp “nóng”.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHVN, cho biết: “Trong 6 tháng cuối năm, BHXH VN yêu cầu các địa phương rà soát và kiên quyết từ chối thanh toán những chi phí khám chữa bệnh không đúng quy định. Trường hợp sai phạm lớn, BHXH VN sẽ đề nghị cơ quan công an điều tra vào cuộc”.
Ngay trong tháng 7-8/2016, BHXH VN đã từ chối thanh toán 71 tỉ đồng kinh phí khám chữa bệnh theo BHYT tại Phòng khám đa khoa Phương Nam (Cà Mau) vì lý do thực hiện những dịch vụ khám chữa bệnh chưa hợp lý.
Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi BHYT
Trước tình hình bội chi quỹ BHYT, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn hỏa tốc số 7200/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, thanh tra, kiểm việc sử dụng quỹ BHYT. Một trong những điểm lưu ý là cần xử lý nghiêm các hành vi trục lợi BHYT. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế.
Hoàng Mạnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn