Lao động VN làm việc tại Hàn Quốc.
Theo Trung tâm lao động ngoài nước, đây là những câu chuyện có thật được nhiều người lao động phản ánh lại.
Câu chuyện thứ nhất: Anh A sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, được Cơ quan Xuất nhập cảnh cấp thẻ cư trú thời hạn 3 năm từ ngày 08/4/2014 đến ngày 08/4/2017. Khi làm thủ tục về nước nhân dịp Tết Bính Thân 2016, anh A bị cơ quan xuất nhập cảnh sân bay thông báo là lao động bất hợp pháp. Anh A phải khai báo tự nguyện về nước tại phòng Xuất nhập cảnh trước khi làm thủ tục checkin.
Nguyên nhân: Anh A phải bỏ dở chuyến bay và cùng Giám đốc công ty đến Trung tâm Việc làm tại địa phương. Qua tìm hiểu, anh A được được thông báo lại: Do thời hạn hợp đồng lao động chỉ 1 năm, sau khi hợp đồng hết thời hạn, công ty không làm thủ tục gia hạn hợp đồng. Anh A cũng không đến đăng ký tìm việc mới nên đã trở thành lao động bất hợp pháp.
Đầu tháng 10/2016, Kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sẽ được tổ chức. Dự kiến, số lượng lao động được tuyển chọn sẽ khoảng 2.100 chỉ tiêu phục vụ cho ngành sản xuất chế tạo. Trước đó, từ ngày 16-19.8, nhiều địa phương đã tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ dự thi. Địa điểm thi sẽ được công bố trong tháng 9/2016.
Trường hợp thứ hai: Chị B nhập cảnh Hàn Quốc vào tháng 7/2013 làm việc tại thành phố Incheon. Chị B được chủ sử dụng ký hợp đồng 3 năm và được Cơ quan xuất nhập cảnh cấp thẻ cư trú thời hạn 3 năm.
Sau đó, công ty nơi chị B làm việc chuyển đến địa điểm mới và thay đổi tên công ty (thay đổi pháp nhân mới). Khi sắp hết thời hạn 3 năm, Giám đốc công ty và chị B đi gia hạn hợp đồng lao động thêm 1 năm 10 tháng thì được thông báo rằng chị B thuộc diện lao động bất hợp pháp nên không thể gia hạn được.
Nguyên nhân: Do thay đổi tư cách pháp nhân mới mà công ty và người lao động không đăng ký lại hợp đồng lao động với Trung tâm Việc làm, quá thời hạn người lao động trở thành người lao động cư trú bất hợp pháp.
Trên cơ sở đó, Trung tâm lao động ngoài nước lưu ý người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc một số điểm sau:
Người lao động cần kiểm tra kỹ thời hạn của hợp đồng lao động, thời hạn của thẻ cư trú. Hai mốc thời gian này không phải khi nào cũng trùng nhau. Kể cả khi thời hạn cư trú vẫn còn dài nhưng người lao động hết hạn hợp đồng lao động, bị công ty sa thải, chuyển đổi nơi làm việc mà không đăng ký tìm việc mới trong thời gian 01 tháng sẽ trở thành lao động bất hợp pháp.
Khi công ty thay đổi pháp nhân, thay đổi địa điểm làm việc cần phải đăng ký lại với các cơ quan chức năng.
Kiểm tra thông tin về địa chỉ nơi làm việc, tên công ty trên Hợp đồng lao động với nơi làm việc thực tế. Thực tế vẫn có một số ít công ty điều chuyển người lao động thuộc công ty mình sang làm việc cho các công ty khác. Việc làm này là trái với pháp luật, nếu bị các cơ quan xuất nhập cảnh Hàn Quốc phát hiện thì người lao động vẫn bị xử phạt. Khi phát hiện ra vấn đề, người lao động hãy thông báo với Trung tâm Việc làm và được quyền yêu cầu chuyển nơi làm việc.
Do thay đổi tư cách pháp nhân mới mà công ty và người lao động không đăng ký lại hợp đồng lao động với Trung tâm Việc làm, quá thời hạn người lao động trở thành người lao động cư trú bất hợp pháp.
Hoàng Mạnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn