Sau ca khúc “Tôi người Hải Phòng” lan tỏa mạnh mẽ, được coi như một bản “Hải Phòng ca” cách đây 3 năm, nhạc sĩ trẻ Xuân Bình tiếp tục ra mắt MV về thành phố hoa phượng đỏ với tên gọi “Nỗi lòng người xa quê” (hòa âm Nguyễn Linh, đạo diễn Nguyễn Chung).
Nhập vai một người con Hải Phòng về thăm nơi chôn rau cắt rốn sau những năm tháng tuổi trẻ bôn ba, trong MV với ca khúc do chính mình sáng tác và thể hiện, Xuân Bình dẫn dắt khán giả đi qua những rì rào sóng vỗ để khám phá miền duyên hải có từ thời Hai Bà đánh quân Nam Hán. Nhưng vị nhạc sĩ trẻ không chiều chuộng số đông bằng những câu chuyện đương thời dễ gây tò mò náo nức, như chuyện về giai nhân mặc khách, chuyện hoa hậu doanh nhân, chuyện ẩm thực kiêu kỳ... Thay vào đó, anh kể câu chuyện chân phương bình dị như cách mà một người xa quê được trở về nhà, cà kê rủ rỉ miên man dông dài bên chén trà ống điếu những ký ức tuổi thơ, những ấm áp tình thân, những hẹn hò thủa hoa hiên và cả những nhịp thở của hiện tại.
Rất vụn vặt thôi, như là chuyến phà qua sông ngày bé, “lắng nghe dòng sông tương tư”; như là khoảnh khắc hoàng hôn buông trên bến cảng “lãng đãng mùa đang sang”; như là “những dãy phố loang ánh đèn ngày trước ngày tôi đưa em qua”; như là tiếng mẹ vọng về từ hoài niệm bên sông lấp lánh nắng chiều…
“Nỗi lòng người xa quê” dường như được Xuân Bình sáng tác trong ngẫu hứng, không quá cầu kỳ trong nhịp, không quá trau chuốt trong giai điệu. Câu từ cũng nhẹ nhàng giản đơn đúng kiểu một người đàn ông trưởng thành kiệm lời. Ký ức qua từng câu hát mà không tuân theo trật tự tuyến tính, như thể nhớ ra tới đâu thì kể ra tới đấy, bởi vậy mà mở đầu là tiếng guitar acoutics mộc mạc, bập bùng tỉ tê, đến điệp khúc lại là âm thanh réo rắt cuộn trào của giai điệu, là nhịp thôi thúc mạnh mẽ của những câu drums. Giọng hát rắn rỏi, nam tính và cũng rất mộc của Xuân Bình cũng giúp cho bản Rock Balad trở nên bắt tai, dẫn dụ người nghe.
“Tôi rất muốn lưu giữ lại những hình ảnh rất đời thường và có giá trị, mà rất có thể một hay vài năm nữa sẽ không còn nữa: Chợ Sắt đã có dự án, những khu nhà tập thể đã cũ kĩ từ thời Pháp thuộc có thể sẽ bị dỡ bỏ, những dãy biệt thự rêu phong bên bờ Tam Bạc sẽ chỉ còn trong ký ức…Tôi muốn hóa thân mình vào nhân vật chính của câu chuyện để kể cho bạn bè ở khắp mọi nơi về quê hương tôi. Nếu như cuộc đời cho tôi chọn lựa lại một lần nữa, tôi sẽ vẫn chọn cuộc sống tại nơi đây. Có thể ở những phương trời khác, cuộc đời sẽ cho tôi thêm nhiều cơ hội để thành công nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ cho tôi cảm giác bình yên, dịu ngọt như đất và người nơi mà tôi đang sinh sống…”, Xuân Bình thổ lộ.
Nhạc sĩ Xuân Bình sinh ra ở Tuyên Quang, anh có duyên gắn bó với Hải Phòng từ khi về làm việc tại Đoàn Văn công Hải quân, rồi ở lại thành phố này sinh sống, lập gia đình. Gần 20 năm gắn bó, anh luôn coi Hải Phòng là quê hương thứ 2 của mình.
Trong số những ca khúc anh sáng tác, có tới hơn 15 ca khúc viết về thành phố này, nhiều bài đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Đất cảng như: “Tôi người Hải Phòng”, “Bạch Đằng Giang ký sử”, “Thành phố em”, “Hải Phòng quê hương tôi”, “Hải Phòng và nỗi nhớ”... Điều đặc biệt tất cả các ca khúc này đã được thành phố lựa chọn biểu diễn trong dip khai mạc Lễ hội Hoa phượng đỏ 2019 qua phần thể hiện của các ca sĩ như: Thu Phương, Tùng Dương, nhóm Oplus, Minh Quân, Sao mai Ngọc Anh...
Nhạc sĩ Xuân Bình sinh năm 1984, hiện công tác tại Đoàn Văn công Hải quân và đang là Phó chủ tịch chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hải Phòng. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc như giải B Giải thưởng 5 năm Văn học, nghệ thuật Quân chủng Hải quân (năm 2011) với ca khúc “Đá Trường Sa”, giải B - Giải thưởng viết về tình hữu nghị của 3 nước Đông Dương Việt Nam-Lào-Campuchia do Bộ Quốc phòng tổ chức năm 2017 với tiết mục “Thắm tình anh em”, Giải C Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017 với tác phẩm khí nhạc “Những cánh hoa bất tử”, Giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc “Biển tổ quốc tôi” tại Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc 2018… và rất nhiều giải thưởng khác.
Hà Thanh
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn