Phục dựng Jane
Năm 2003, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Burpee tại Illinois đã khai quật hóa thạch này. Hóa thạch dài 6m, cao 2m vẫn đượcbảo toàn nguyên vẹn. Có răng sắc nhọn và chi dài, chắc chắn đây là khủng long ăn thịt. Tuy không rõ giới tính nhưng nó vẫn được gọi là "Jane", thuộc chi Nanotyrannus (khủng long ăn thịt bé)
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Trước kia, David Dunkle từ Bảo tàng Cleveland tại Ohio cũng khai quật được xương sọ một con khủng long giống của Jane, tạm gọi là CMNH 7541. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu chán chê, chuyên gia Charles W.Gilmore lại xếp nó vào giống Gorgosaurus, cũng là họ hàng của T.rex sống ở đầu kỷ Creta.
Năm 1970, CMNH 7541 lại được xếp lại vào nhóm Albertosaurus. Năm 1988, Bob Bakker và các đồng sự tại ĐH Colorado lại xem xét lại, và cho rằng CMNH 7541 thuộc về chi Nanotyrannus ở trên. Nhưng chưa hết. Năm 1999, nhà nghiên cứu Thomas Carr phát hiện ra rằng răng và sọ khủng long T.rex có thể lớn dần theo thời kỳ chứ không có kích thước cố định.
Hộp sọ CMNH 7541
Theo đó, các con trưởng thành có xương, răng lớn và đặc, nặng, trong khi những con con và đang trưởng thành bé hơn với bộ răng khiêm tốn. Nói cách khác, chủng khủng long nhỏ con Nanotyrannus không hề tồn tại, và Jane chẳng qua chỉ là một T.rex con.
Thực tế đây không phải là điều mới mẻ. Nhà khoa học Anatoly Rozhdestvensky từ Liên Xô cũ đã khẳng định CMNH 7541 chỉ là T.rex con từ năm 1965, nhưng bị đa số lờ đi. Như vậy, hóa thạch có thể bị nhầm lẫn rằng đó là một chủng loài mới.
"Cứ thử tưởng tượng tìm thấy hài cốt của trẻ em xem. Nếu không hiểu rõ việc loài người phát triển ra sao thì việc ngộ nhận đó là giống người tí hon hoàn toàn có thể xảy ra", Stephen Brusatte từ ĐH Edinburgh (Anh) nhận xét.
So sánh kích cỡ của T. rex và người
Phân tích sau này cho thấy bản thân hóa thạch cũng chỉ ra điều tương tự. Giống như các vòng tuổi trong thân cây gỗ, phần xương khủng long có thể chỉ ra chính xác tuổi của chúng. Những con trưởng thành có vòng tuổi trong xương sát với nhau do xương ít phát triển, và ngược lại đối với những con non. Dựa vào nền tảng đó, kết quả cho thấy Jane chết khi mới 12 tuổi. Đa số T.rex đạt tuổi trưởng thành vào tuổi 20 rồi già và chết khi hơn 30 tuổi.
Suy luận theo lý thuyết, Jane vẫn có thể là chủng Tyrannosaurus có tuổi thọ ngắn, nhưng phân tích mẩu xương chỉ ra rằng các vòng tuổi ở cách nhau khá xa, chứng tỏ Jane vẫn đang trong thời kỳ sinh trưởng. Kết quả nghiên cứu xương của 2 chủng nhỏ hơn là Gorgosaurus và Albertosaurus cũng củng cố lập luận trên, vì T.rex có quá trình phát triển khác hẳn để có kích thước khổng lồ. Các chi khác tăng khoảng 500gram mỗi ngày, riêng T.rex là 2kg.
Như vậy, Jane có thể đem lại cái nhìn mới mẻ về giống khủng long này. Nếu không chết sớm, nó cũng sớm đạt kích thước chuẩn gấp vài lần. "Quá trình phát triển của T.rex giống như một kiểu tiến hóa vậy. Phải tăng trưởng ở tốc độ kỷ lục mới đạt được cân nặng 7 tấn và dài 13m. Đây là điều mà chúng tôi còn phải tiếp tục khám phá", Brusatte nói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn