Nhà sư Ấn Độ Swami Sivananda.
Swami Sivananda sinh ngày 8.8.1896 theo thông tin ghi trong hộ chiếu. Nếu đúng như vậy, nhà sư Ấn Độ đã sống qua 3 thế kỷ nhưng vẫn còn đủ sức khỏe để tập yoga nhiều giờ mỗi ngày.
Hiện tại, ông Sivananda đã nộp hồ sơ lên tổ chức kỷ lục thế giới Guinness và đang chờ xác nhận. Người già nhất thế giới được sách kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận cho đến nay là cụ ông Jiroemon Kimura, người Nhật Bản mất vào tháng 6/2013, hưởng thọ 116 năm 54 ngày.
Chính quyền Ấn Độ xác nhận độ tuổi của ông Sivananda ghi trong hộ chiếu. Tuy nhiên, tại Ấn Độ có phổ biến trường hợp đăng ký ngày sinh xa hơn độ tuổi thật, thậm chí lên tới cả thập kỷ.
Do vậy, hiện rất khó có thể xác minh một cách độc lập độ tuổi thật của ông Sivananda.
Ông Sivananda năm nay 120 tuổi.
Nhà sư Sivananda đến từ thành phố Varanasi lớn lên trong sự nghèo đói, cùng cực và đã lựa chọn con đường trở thành nhà sư. Ông Sivananda tiết lộ bí quyết sống lâu bao gồm chăm tập yoga, kỷ luật và đời sống độc thân.
“Tôi sống một cuộc đời đơn giản và kỷ luật. Tôi ăn rất đơn giản, chỉ ăn đồ luộc không có dầu hoặc các loại gia vị, gạo, đậu hầm và một vài quả ớt xanh”, ông Sivananda nói với AFP sau hai giờ tập yoga ở Kolkata, thành phố phía đông Ấn Độ.
Với chiều cao 1m58, nhà sư Ấn Độ thường ngủ trên sàn nhà và sử dụng tấm gỗ làm gối. “Tôi tránh uống sữa hoặc trái cây bởi tôi nghĩ rằng đây là những thực phẩm ưa thích. Thời thơ ấu, tôi thường phải trải qua giấc ngủ với dạ dày trống rỗng”.
Ông Sivananda nói rằng mình không muốn xác nhận kỷ lục là người sống lâu nhất thế giới bởi lo ngại sự chú ý của công chúng. Nhưng cuối cùng ông đã nghe theo lời khuyên của những người ngưỡng mộ.
Ông Sivananda mới đón sinh nhật vào tháng 6 vừa qua.
Người đàn ông 120 tuổi đã mất cả cha mẹ khi mới lên 6 tuổi. Ông được họ hàng gửi gắm cho một nhà sư, từ đó chu du khắp Ấn Độ trước khi ổn định sinh sống ở Varanasi.
Hoàn toàn khỏe mạnh và không gặp phải bất cứ biến chứng y khoa nào, ông Sivananda sống độc lập và thường đi một mình trên các chuyến tàu.
Sinh ra trong giai đoạn thuộc địa vốn không có điện, xe hơi hay điện thoại, nhà sư Ấn Độ nói mình không cảm thấy hứng thú với công nghệ mới và muốn sống theo cách riêng.
“Những người ngày xưa vui vẻ vì khi đó mọi thứ còn đơn giản. Ngày nay, mọi người luôn cảm thấy bất hạnh, yếu ớt và thậm chí là bất lương. Đó là điều làm tôi cảm thấy hết sức đau khổ”, ông nói. Tôi chỉ muốn mọi người hạnh phúc, khỏe mạnh và có một cuộc sống yên bình”.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn