Tại buổi tọa đàm bàn về triển vọng nền kinh tế 2017 diễn ra sáng 10/12, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhận định: Nợ xấu hiện nay đang ở mức đặc biệt xấu. “Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đang giảm, nợ trong 12 tháng hay 36 tháng không đáng ngại. Nguy hiểm thật sự nằm ở những khoản nợ trong thời gian từ 3 đến 5 năm”, ông Đức lý giải.
Tương tự, GS.TSKH Nguyễn Mại, bày tỏ mong muốn NHNN không chỉ công bố nợ xấu bao nhiêu mà phải là nợ xấu do ai nữa?
Trước những truy vấn trên, TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, phân tích: “Nợ xấu trong kho vẫn còn và chúng ta phải xử lý trong bối cảnh nguồn lực để xử lý nợ xấu đang bị giới hạn rất nhiều. Nhiều người nói chúng ta đưa nợ xấu vào VAMC và để đấy nhưng không phải. 50% đã được xử lý, sử dụng bằng dự phòng, khách hàng đã trả, bán tài sản phát mại…”.
Đại diện ngân hàng nhà nước thừa nhận quá trình xử lý nợ xấu tới nay vẫn vướng nhiều rào cản pháp lý
Nói về khó khăn xử lỷ nợ xấu, ông Tú Anh nêu vấn đề: “Đáng lẽ tỷ trọng bán tài sản phát mại lớn nhưng thực tế đang thấp vì vướng các vấn đề pháp lý cần giải quyết để cân bằng lợi ích người đi vay, cho vay vì mục đích cuối cùng là tổng thể nền kinh tế”. Được biết, tính đến nay tỷ lệ nợ xấu là 2,58% bao gồm cả tài sản ngoại bảng và tại VAMC nợ xấu tồn đọng phần chưa giải quyết được.
“Nói xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong quá trình dài xử lý nợ xấu 2013-2014 chúng ta đã ngăn được sự đổ vỡ của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển nợ xấu sang VAMC, ngân hàng có thể tiếp tục huy động tín dụng. Nếu không nhìn nhận ở góc độ ấy, cơ quan giám sát thực thi pháp luật thổi còi các tổ chức tín dụng phải giậm chân tại chỗ và tình trạng xấu hơn bây giờ”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.
Được biết, trong tháng 1/2017, Bộ Chính trị sẽ được nghe báo cáo lần 2 về phương án xử lý nợ xấu cả các tổ chức tín dụng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn