Về hưu, luân chuyển công tác cũng "khó thoát"
Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến kinh tế, tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp nơi họ đang làm việc.
Đối tượng áp dụng là người quản lý doanh nghiệp và người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến 100% vốn điều lệ.
Nhiều "sếp" DNNN vẫn lãnh đạo theo kiểu "thành công của tôi, thất bại của chúng ta", vô can khi khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, thất thoát tài sản Nhà nước
Cụ thể, trường hợp những đối tượng này gây thiệt hại trước khi thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc thì phải hoàn thành việc bồi thường, hoàn trả trước khi thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc. Nếu những người này gây thiệt hại sau khi đã thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc mới bị phát hiện gây thiệt hại thì phải bồi thường, hoàn trả.
“Nếu không đủ khả năng bồi thường, hoàn trả thì doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị, tổ chức mới hoặc chính quyền địa phương nơi người gây thiệt hại cư trú tiếp tục thu tiền bồi thường, hoàn trả cho đến khi thu đủ số tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nếu không thực hiện việc bồi thường, hoàn trả thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường, hoàn trả theo quy định của pháp luật”, quy định tại dự thảo nêu rõ.
Trường hợp doanh nghiệp nơi các đối tượng trên gây ra thiệt hại đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan, tổ chức, đơn vị kế thừa chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp đó có trách nhiệm tiếp tục thu tiền bồi thường, hoàn trả cho đến khi thu đủ số tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp không có doanh nghiệp nào thừa kế chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp đã bị giải thể thì cấp có thẩm quyền ra quyết định giải thể là đơn vị có trách nhiệm tiếp tục thu tiền bồi thường, hoàn trả cho đến khi thu đủ số tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp những người này cố ý gây thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thu toàn bộ số tiền bồi thường, hoàn trả theo quyết định của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.
Đáng chú ý, dự thảo thông tư này cũng tính đến trường hợp, nếu có nhiều người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cùng gây thiệt hại thì đều phải “liên đới, chịu trách nhiệm bồi thường, hoàn trả và mức độ lỗi sai phạm của mỗi người”.
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây thiệt hại mà sau khi gây ra thiệt hại có đơn xin tự nguyện bồi thường, hoàn trả và được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản về mức độ, phương thức và thời hạn bồi thường, hoàn trả thì không phải thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm bồi thường, hoàn trả.
Nhưng nếu người quản lý doanh nghiệp, người đại diện đang làm việc hoặc không còn làm việc cố ý không thực hiện nghĩa vụ bồi thường, hoàn trả thì cấp có thẩm quyền có quyền khởi kiện ra tòa án.
Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư này, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường, hoàn trả trong trường hợp thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng được cơ quan chuyên môn và cấp có thẩm quyền xác nhận.
Hiện tại dự thảo thông tư này vẫn đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử của bộ này.
Lãnh đạo sau khi khiến doanh nghiêp thua lỗ vẫn “leo cao, chui sâu”
Tại báo cáo kiểm toán năm 2015 được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho thấy, qua kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty thì hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút, thua lỗ.
Trong kỳ kiểm toán, có đến 5 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ, có trường hợp lỗ gần 3.500 tỷ đồng (Vinalines); nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn. Nhiều đơn vị có tình trạng nợ khó đòi lớn như Mobifone thì riêng Công ty mẹ có nợ khó đòi chiếm 30,4% nợ phải thu; Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố Hồ Chí Minh có nợ khó đòi chiếm 81,19%; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông lâm hải sản có nợ khó đòi chiếm 62%; Hapro cũng tới 25,7% nợ khó đòi...
Trước đây, nhiều lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã phải vướng vòng lao lý do có sai phạm và gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Song thông thường là khi vụ việc đổ bể, gây thiệt hại nặng nề thì lãnh đạo DNNN mới phải đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, do cơ chế luật pháp chưa chặt chẽ nên việc quy trách nhiệm với lãnh đạo DNNN khi để xảy ra thua lỗ, thất thoát tài sản Nhà nước vẫn còn khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Kể cả khi có quy được trách nhiệm thì “việc cũng đã rồi”, việc thu hồi tài sản rất hạn chế.
Thậm chí, sau khi doanh nghiệp thua lỗ nặng nề thì lãnh đạo doanh nghiệp vẫn được cất nhắc vào những vị trí mới, cao hơn, đường sự nghiệp công danh không bị ảnh hưởng, có thể thấy qua sự việc lùm xùm về đường quan lộ của ông Trịnh Xuân Thanh. Sau khi lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và góp phần khiến công ty này thua lỗ tới 3.200 tỷ đồng trong 2 năm thì ông Thanh vẫn tiếp tục về Bộ Công Thương đảm nhiệm các chức vụ khác trước khi về Hậu Giang làm tỉnh ủy viên rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hay như câu chuyện trách nhiệm của ông Vũ Quang Hải với khoản lỗ 220 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) trong thời gian ông này làm Tổng giám đốc PVFI vẫn đang gây tranh cãi. Trong khi Bộ Công Thương cho biết “chưa có cơ sở để khẳng định” thì phía Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) lại cho rằng với vai trò là lãnh đạo PVFI, không Hải không thể “vô can”.
Chính do những bất cập trong thực tế như vừa qua, dự thảo thông tư do Bộ Nội vụ đang soạn thảo được kỳ vọng sẽ là “hồi chuông cảnh tỉnh” và giảm thiểu tình trạng các “sếp” DNNN lãnh đạo theo kiểu “thành công của tôi, thất bại của chúng ta”, thậm chí “hạ cánh an toàn” sau khi để doanh nghiệp thua lỗ, thiệt hại.
Mới đây, đề xuất thành lập một ủy ban chuyên trách quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đưa ra đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Tại một hội thảo về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra mới đây, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết, đề xuất này nhằm cụ thể hóa quyết tâm tách chức năng quản lý Nhà nước và quyền sở hữu DNNN ra khỏi các bộ ngành chủ quản.
Nhân sự trong cơ quan chuyên trách thực hiện theo quy chế thị trường về tiền lương, chế độ đãi ngộ…và phải trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch cao. Nếu vi phạm sẽ cách chức, sai thải. Sẽ không còn câu chuyện DNNN thua lỗ nhưng không có người chịu trách nhiệm.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn