Suýt mất hơn 20.000 tỉ đồng vốn nhà nước

Thứ ba - 22/08/2017 08:49

Suýt mất hơn 20.000 tỉ đồng vốn nhà nước

Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp nhà nước, qua đó đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỉ đồng

Ngày 21-8 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội thảo Xác định giá trị doanh nghiệp (DN) trước khi cổ phần hóa (CPH) và vai trò của KTNN. Đây được xem là một khâu quan trọng để hạn chế tình trạng thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình CPH.

Bán rẻ tài sản

Để bảo đảm sự chặt chẽ trong việc CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ đã quy định các DN có quy mô lớn phải được KTNN kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch CPH.

Tại hội thảo, TS Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, đưa ra con số làm nhiều người giật mình: Năm 2016, KTNN đã kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH của 7 DNNN, qua đó đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỉ đồng.

Theo KTNN, việc định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành, làm giảm giá trị tài sản được định giá. Thể hiện ở những hạn chế trong lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...

Tại hội thảo, ông Hà Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: "Trong thực tế, quá trình CPH có tình trạng định giá thấp hơn giá trị DN, bán rẻ tài sản của nhà nước. Do đó, cần thiết phải có sự vào cuộc của KTNN. Việc thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình CPH đã xảy ra rồi, như Điện Quang bán tài sản với giá rất thấp. Các chuyên gia của Anh đã chỉ cho chúng ta thấy có DN vừa đưa cổ phiếu ra thị trường, ngay phiên đầu tiên đã tăng giá 72% so với giá trị. Ta đang phát triển theo kinh tế thị trường thì vấn đề định giá tài sản đúng chuẩn cần phải hết sức lưu ý để không làm thất thoát tài sản nhà nước".

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Vissan - một trong những doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, hoạt động hiệu quả Ảnh: Hoàng Triều

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, nhìn nhận thông thường, DN có kết quả thẩm định giá trị DN rồi là rất yên tâm và không đặt vấn đề tin hay không tin kết quả thẩm định. Nhưng KTNN phát hiện số chênh lệch hàng chục ngàn tỉ đồng như trên là rất đáng hoan nghênh và cho thấy công tác này cần phải đẩy mạnh.

Đầu cơ, trục lợi

Viện trưởng Viện Kinh tế, ông Trần Đình Thiên, dẫn lại số liệu đã có khoảng 4.516/gần 6.000 DNNN được CPH, đạt 96,5% kế hoạch. Địa bàn hoạt động của DNNN cũng giảm từ 60 ngành nghề, lĩnh vực xuống còn 19 ngành nghề, lĩnh vực then chốt nhưng lại chỉ có 8% vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân trong quá trình 20 năm nỗ lực CPH. Nếu xét thuần túy về mặt số lượng thì CPH đã đạt kế hoạch đề ra nhưng xét về thực chất nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế (phân bổ lại nguồn lực) thì kết quả CPH đạt được có thể coi là bằng 0. DNNN vẫn đang "chốt giữ" nguồn lực quan trọng của đất nước nhưng hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, phải cần đến 1,63 đồng vốn (năm 2011) và 2,15 đồng vốn (năm 2014) mới tạo ra được 1 đồng doanh thu, trong khi con số tương ứng của khu vực DN ngoài nhà nước là 1,21 đồng và 1,42 đồng; còn khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mất 1,05 đồng và 1,12 đồng để tạo ra 1 đồng doanh thu.

Viện trưởng Trần Đình Thiên phân tích với tỉ lệ nắm giữ 8% vốn tại DNNN, những chủ thể mới của DN CPH trên thực tế bị loại khỏi quyền tham gia điều hành hoạt động của DN. Điều này lý giải vì sao DN tư nhân ít mặn mà với việc "mua" DNNN bởi họ không thể đưa tiền của mình cho người khác tiêu. "Sự sôi động của quá trình CPH trong thời gian qua, nếu có, thực chất chỉ là nhờ các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản DNNN được bán ra do cách thức và quy trình CPH, đặc biệt là quy trình cung cấp thông tin và định giá thường lỏng lẻo một cách có chủ đích" - ông Thiên nói.

Mặt khác, do quyền tài sản không được xác lập rõ ràng, tài sản quan trọng nhất là mặt bằng, đất đai gắn với lợi thế địa điểm không được mang ra định giá và bán do nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu sau khi CPH làm cho quá trình CPH DNNN thường dễ biến thành một quá trình trục lợi mà phần thiệt luôn thuộc về nhà nước, còn lực lượng luôn bị cản trở tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển là cộng đồng DN tư nhân.

Về phương pháp định giá, TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đề nghị rất cần thiết quy định khi xác định giá trị DN phải áp dụng ít nhất 2 phương pháp, trong đó một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu. 

Hàng loạt doanh nghiệp tăng thêm vốn

Một số DN tăng vốn mạnh sau kiểm toán kết quả xác định giá trị DN.

Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn đã được KTNN điều chỉnh thêm 5.359 tỉ đồng, lên 72.874 tỉ đồng.

Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tăng 1.994 tỉ đồng, lên 60.623 tỉ đồng.

Công ty mẹ - Tổng Công ty Dầu Việt Nam tăng thêm 512 tỉ đồng, lên 19.308 tỉ đồng.

Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam tăng thêm 575 tỉ đồng, lên 49.868 tỉ đồng.

Công ty mẹ - Tổng Công ty XNK Thanh Lễ tăng thêm 95 tỉ đồng, lên 7.505 tỉ đồng.

Công ty mẹ Vinafood II tăng thêm 362 tỉ đồng, lên 14.630 tỉ đồng.

Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist tăng thêm 110 tỉ đồng, lên 6.145 tỉ đồng.

Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam tăng 293 tỉ đồng, lên 4.249 tỉ đồng.

Qua kiểm toán bằng phương pháp tài sản, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhà nước tại 8 DN trên là 8.454 tỉ đồng.

(Nguồn: Kiểm toán Nhà nước)

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây