Vì Formosa, Hà Tĩnh đã có hơn 22.780 hộ gia đình bị ảnh hưởng, 24.449 người mất việc... Hơn nữa, thảm họa môi trường do Formosa gây ra không chỉ tác hại đối với người dân Hà Tĩnh, ngành thủy sản, nông nghiệp mà còn làm giảm tăng trưởng GDP trong thời gian qua.
Đây là thông tin thiệt hại bước đầu của địa phương, nền kinh tế sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm vừa diễn ra ở Hà Nội.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê: "Thống kê bước đầu, Hà Tĩnh có hơn 24.400 người dân bị ảnh hưởng từ thảm họa của Formosa, trong đó hơn 15.000 người là trực tiếp đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, còn lại là kinh doanh thuỷ sản và dịch vụ hậu cần 1.000 người, dịch vụ nhà hàng khách sạn gần 700 người, sản xuất muối 428 người".
Còn các địa phương khác bị ảnh hưởng của Formosa như tỉnh Quảng Bình tác động nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,1%, tỉnh Quảng Trị ảnh hưởng không lớn lắm, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 7.000 hộ dân, 33.000 người bị ảnh hưởng do cá chết, TP. Đà Nẵng bị ảnh hưởng nhẹ, chưa có con số thống kê.
Theo Tổng cục Thống kê, con số thất nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh tăng vì ảnh hưởng và chịu tác động trực tiếp. Đến hết ngày 30/8, tỉnh này đã bố trí được gần 15.400 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài để giải quyết việc làm và giảm khó khăn. Kế hoạch dự kiến, trong thời gian tới con số người đi lao động nước ngoài sẽ tăng lên 17.300 người, trong đó sang làm các công việc đánh bắt thủy sản tại Hàn Quốc là 7.000 người.
Bà Mai khẳng định, việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc chỉ giải quyết được phần nào số người bị tác động và ảnh hưởng từ thảm họa Formosa song đây cũng là cách để giảm những khó khăn và thiệt hại cho người dân.
Điều đáng nói là sự cố thảm họa môi trường làm chết cá của Formosa tại 4 tỉnh miền trung, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng và ngành du lịch tại đây chịu thiệt hại nặng nề đã khiến tăng trưởng của nền kinh tế giảm sút.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sự cố cá chết do Formosa gây ra đối các các tỉnh miền Trung thời gian qua không chỉ gây thiệt hại cho ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung mà còn làm giảm tăng trưởng GDP. Mức độ ảnh hưởng của sự cố này còn kéo dài nhiều năm sau, tác động nhiều ngành khác như du lịch…
Trả lời thêm về việc có hơn 787 doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động khi vừa thành lập, 362 DN giải thể và 1 số DN chờ giải thể? Đó có phải vấn đề xấu ảnh hưởng từ môi trường đầu tư, kinh doanh không? Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết: "9 tháng đầu năm bức tranh DN rất sáng. Có trên 100.00 DN mới thành lập và quay trở lại hoạt động, trong đó 81.000 DN thành lập mới (96% DN thực sự đi vào sản xuất, kinh doanh)".
Ông Lâm nhấn mạnh: "Trong số 81.000 DN thành lập mới kể trên có 787 DN đăng ký thành lập xong dừng hoạt động. Đây không phải là xấu. Vương quốc Anh năm 2016 cứ 100 DN thành lập mới có 67,2 DN chết, Newzealand năm 2015 69,1% DN chết, cho nên tỷ lệ đó cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện lớn".
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn