Tập đoàn cho biết, đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn trong giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, PVN sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 74% tại PVTex để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp được chấp thuận, PVN sẽ giảm sở hữu Nhà nước tại PVTex xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được các đối tác.
PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi.
Dự án này khi đó còn có các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Phong Phú, song 2 đơn vị này đã sớm rút lui. Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế.
Tuy nhiên, trước và sau khi vận hành thương mại, nhà máy đã nhiều phải tạm dừng hoạt động để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn. Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, công ty có vốn điều lệ 2.165 tỷ đồng. Tình hình tài chính của công ty theo đó cũng đang cạn kiệt, mất cân đối lớn và không đủ nguồn vốn trả nợ đến hạn (riêng nợ ngắn hạn là 1.600 tỷ đồng). Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD.
Trong một báo cáo gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), lãnh đạo PVTex thừa nhận việc nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, phải trả giá vì đã đầu tư kiểu “đếm cua trong lỗ”, không lường được hết khó khăn khi lấn sân từ lĩnh vực dầu khí sang làm “công nghiệp phụ trợ” cho dệt may.
“Nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả của dự án giảm khi đưa vào vận hành thương mại là do định mức và chi phí vận hành thực tế tăng hơn so với tính toán trong báo cáo tiền khả thi, năng lực vận hành còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định, uy tín thương hiệu thấp và thị trường giá nguyên liệu, tiện ích và sản phẩm thay đổi ngược lại với tính toán”, lãnh đạo PVTex thừa nhận.
Các số liệu cũng cho thấy rất nhiều thông số dự báo trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đều bị dự báo sai, kéo theo những khoản chi phí chênh lệch rất lớn so với tính toán. Cụ thể, chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD, nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác phục vụ sản xuất theo tính toán chỉ vào khoản 500.000 USD song chi phí thực tế lên tới 11 triệu USD. Các chi phí khác như nhiên liệu, chi phí nhân công đều tăng 1,5 - 3 lần.
Ngay cả dự báo về nhân lực cho nhà máy (dự kiến ban đầu chỉ cần khoảng 500 nhân viên là đủ để vận hành) nhưng thực tế nhà máy phải sử dụng tới 1.000 nhân viên trong khi chất lượng sản phẩm đầu ra không được đảm bảo.
Đáng chú ý, các tính toán về khả năng thu hồi vốn cũng được dự báo sai 100% (dự báo ban đầu sẽ thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi vận hành nhà máy, tính toán lại thì phải mất tới 22 năm 10 tháng mới thu hồi được vốn).
Báo cáo mới nhất của PVTex gửi PVN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, PVTex đã xuất bán được 1.467 tấn xơ sợi, kinh doanh 13.290 tấn đạm urê và 300 tấn PP. Đáng chú ý, nguồn vốn chủ sở hữu của PVTex ngày càng sụt giảm do lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến 30/6/2016, vốn chủ sở hữu đã bị âm 823,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế của nhà máy đã hơn 3.008 tỷ đồng.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn