Dịp cuối năm, không chỉ nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp (DN) tăng mạnh mà nhiều tổ chức, cá nhân cũng có nhu cầu rút tiền để sản xuất, kinh doanh, mua sắm dịp cuối năm khiến dòng tiền ra vào ngân hàng (NH) biến động.
Lãi suất huy động nhích nhẹ
Giữa tháng 12-2016, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng lên 4,8%/năm, 3 tháng 5%/năm, 6 tháng 5,6%/năm. Ở một số chương trình khuyến mại, khách hàng có thể hưởng mức lãi suất 5,3%/năm, tăng khá mạnh so với biểu lãi suất thông thường. Đổi lại, một lãnh đạo Eximbank cho biết trong tháng 11-2016, NH cũng có 4 lần giảm lãi suất tiết kiệm bởi lúc đó nguồn vốn huy động dư thừa khoảng 10.000 tỉ đồng.
Nhiều ngân hàng phải có chính sách hấp dẫn để thu hút tiền gửi dịp cuối năm Ảnh: TẤN THẠNH
Tại NH TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), nhân viên tín dụng thông báo đầu tháng 12-2016, đã tăng lãi suất tiết kiệm thêm khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên 5,3%/năm, 3 tháng là 5,5%/năm, 6 tháng 6,5%/năm, 12 tháng 7,7%/năm.
Cùng với xu hướng nhích nhẹ lãi suất huy động, một số NH còn triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại để thu hút dòng vốn nhàn rỗi từ dân cư. Theo lãnh đạo một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM, dịp cuối năm, cùng với nhu cầu vay bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh của DN, nhiều khách hàng là tổ chức, cá nhân cũng rút vốn tiết kiệm để chi tiêu, mua sắm cuối năm nên nguồn huy động sẽ bị sụt giảm. Do đó, gần Tết Nguyên đán, các NH thường tăng lãi suất hoặc khuyến mại tiền gửi nhằm thu hút vốn để cân đối dòng tiền ra vào.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế NH TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), lãi suất liên NH giữa tháng 12 đã tăng lên, đặc biệt lãi suất kỳ hạn 1 tháng chạm ngưỡng 5%/năm - mức cao nhất từ quý II/2016. Nhu cầu thanh khoản vào cuối năm đã làm lãi suất liên NH tăng lên. Thống kê của NH Nhà nước (NN) về lãi suất trên thị trường liên NH giữa tháng 12 cũng cho thấy xu hướng lãi suất tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lãi suất liên NH từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ duy trì ở mức tương đối cao, dao động 3,5% - 4,5%/năm.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh
TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH NH TP HCM, nhận định thanh khoản của một số NH có dấu hiệu căng thẳng do phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2016. Các DN, cá nhân cũng tăng cường vay để trữ hàng và kinh doanh trong tháng Tết. Mặt khác, do mục tiêu lạm phát năm 2016 là không quá 5%, trong khi 11 tháng đã lên đến 4,5% nên NHNH không còn dư địa nhiều để bơm thêm tiền, tạo thanh khoản dồi dào trên thị trường liên NH như trước vì lo ngại lạm phát sẽ tăng mạnh trong tháng cuối năm.
“Nếu NHNN tăng cung tiền, đồng nghĩa gây áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất” - TS Bùi Quang Tín nhận định.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặt bằng lãi suất vẫn khá ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay trong 5 lĩnh vực ưu tiên ở nhiều NH thương mại đã về sát mức 6%/năm, tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, các điều kiện để giảm lãi suất VNĐ đang bớt thuận lợi bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh trở lại từ cuối tháng 10. Đặc biệt, CPI tháng 12-2016 tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 4,5% so với tháng 12 năm trước. Lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn...
Trước đó, NHNN khẳng định mục tiêu trong năm 2017 là tiếp tục ổn định lãi suất như năm 2016. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỉ giá USD/VNĐ liên tục nhích lên sau khi FED tăng lãi suất và dự kiến FED sẽ có thêm 3 lần điều chỉnh trong năm sau càng tạo áp lực lên tỉ giá. Ngày 21-12, NHNN đã điều chỉnh tỉ giá trung tâm lên 22.154 đồng/USD, mức cao nhất từ khi điều hành tỉ giá hằng ngày. Các NH thương mại cũng tăng giá mua bán USD thêm 10 đồng/USD so với phiên trước (mua vào 22.730 đồng/USD, bán ra 22.800 đồng/USD).
Trong trường hợp tỉ giá tăng, lãi suất sẽ phải ở một mức chênh lệch đủ hấp dẫn để người dân không dịch chuyển từ VNĐ sang USD. Mặt bằng lãi suất tiền đồng hiện được đánh giá ở mức khá thấp và khó có thể giảm thêm nữa. Nhiều khả năng mục tiêu giảm lãi suất sẽ bị thu hẹp lại. Các NH thương mại có thể sẽ cân nhắc điều chỉnh lãi suất VNĐ. Cộng thêm việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước sẽ khó huy động được ở mức lãi suất thấp như thời gian vừa qua càng khiến kỳ vọng giảm lãi suất từ các NH khó khăn hơn.
“Lách” lãi suất tiền gửi USD Theo quy định, các NH thương mại chỉ được huy động USD với lãi suất 0%/năm. Thế nhưng, trên thực tế, người gửi từ hàng chục ngàn USD trở lên vẫn hưởng được lãi suất. Những khách hàng này sẽ được nhân viên một số NH hướng dẫn mở sổ tiết kiệm bằng USD rồi thế chấp vay lại bằng VNĐ. Sau đó, khách hàng tiếp tục gửi tiết kiệm bằng VNĐ để được hưởng chênh lệch về lãi suất và đó chính là lãi suất có được từ việc gửi tiết kiệm bằng USD. Chẳng hạn, một khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm 100.000 USD, NH sẽ cho vay lại 2,3 tỉ đồng với lãi suất 6%/năm. Khách hàng này lại gửi tiết kiệm 2,3 tỉ đồng với lãi suất 6,5%/năm, như vậy người gửi được hưởng phần chênh lệch. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn