Ngày 21-11 là hạn cuối để các nhà mạng khóa tất cả SIM đã kích hoạt sẵn (SIM rác) trên hệ thống phân phối. Trước đó, năm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động như VinaPhone, MobiFone, Viettel… đã ký cam kết với Bộ TT&TT sẽ thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối từ ngày 1-11.
SIM rác vẫn nhan nhản
Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi tại một số đại lý kinh doanh SIM ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy tình trạng mua bán SIM rác vẫn diễn ra, dù không rầm rộ như trước đây. Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi vẫn có thể mua SIM kích hoạt sẵn dễ dàng. Việc giao dịch, bán SIM rác vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có quy định cấm.
Tại một cửa hàng bán SIM điện thoại trên đường Võ Thành Trang, quận Tân Bình, TP.HCM, hàng trăm SIM kích hoạt sẵn vẫn được bày bán công khai. Chủ cửa hàng này giải thích lâu nay đa số SIM các nhà mạng cung cấp đều là SIM kích hoạt sẵn. Bởi vậy các cửa hàng phải ôm số lượng lớn SIM đã kích hoạt sẵn, đến nay vẫn chưa bán hết.
“Các nhà mạng tuyên bố thu hồi SIM kích hoạt sẵn, khóa tất cả SIM kích hoạt sẵn nhưng tới nay vẫn chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào để bồi thường cho các đại lý bán SIM. Do đó chúng tôi phải tranh thủ bán hết, nếu không sẽ lỗ” - chủ cửa hàng trên phân trần.
Người dùng tiếp tục bị hành hạ
Chính vì SIM kích hoạt sẵn, thủ phạm chính của hàng triệu tin nhắn rác được phát tán mỗi ngày tại Việt Nam, vẫn chưa được xử lý triệt để nên nhiều người vẫn bị loại tin nhắn này tra tấn.
Chị Ngọc Phương (ở quận Tân Phú, TP.HCM) nói chị đã mừng thầm khi nghe thông tin các nhà mạng sẽ thu hồi SIM rác nhằm ngăn chặn tin nhắn rác từ ngày 1-11 vừa qua. Bởi lâu nay chị rất bực vì ngày nào cũng nhận được tin nhắn rao bán căn hộ, đất, cho vay tiêu dùng, phát mại đất, SIM số đẹp...
“Tôi cứ nghĩ khi nhà mạng ra tay dẹp SIM rác, khóa SIM rác thì sẽ giảm được tin nhắn rác gây phiền hà. Thế nhưng từ đầu tháng đến nay, tình trạng tin rác còn nhiều hơn, thậm chí có ngày nhận 3-4 tin. Điều này khiến tôi nhiều lúc tức muốn phát điên lên” - chị Phương bức xúc.
Tương tự, anh Bình (ở Hóc Môn, TP.HCM) cho hay lúc trước anh gửi thông báo toàn bộ tin nhắn rác đến tổng đài 456. Sau đó, tổng đài này đổi cách nhận tin, buộc người dân phải nhắn theo cú pháp, tức phải viết lại thông tin, số điện thoại rác, rất phiền phức. Dù phiền như vậy nhưng vẫn không giảm tin rác nên anh Bình thôi không báo tổng đài nữa.
“Tôi rất mong các nhà mạng có biện pháp chặn tin nhắn rác hiệu quả. Người dân đã gửi tin đến 456 để thông báo thì tổng đài này phải xử lý và công khai việc xử lý này để thấy tổng đài hoạt động có hiệu quả hay không, có xử được tin nhắn rác hay không. Nhà mạng không nên tuyên bố dẹp tin rác nhưng người dùng vẫn nhận hàng đống tin rác” - anh Bình bức xúc.
Nhà mạng tiếp tục hứa
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một số nhà mạng lớn cho hay đang thực hiện nghiêm túc cam kết của mình với Bộ TT&TT về việc dẹp SIM rác, tin nhắn rác.
Cụ thể, đại diện MobiFone cho hay đã lập danh sách các số thuê bao kích hoạt từ ngày 1-4-2016 tới 30-9-2016 có dấu hiệu đăng ký thông tin không chính xác, đồng thời nhắn tin thông báo cho các thuê bao này ba lần. Ngày 21-11, các thuê bao thuộc danh sách trên không đăng ký lại hoặc cập nhật lại thông tin thuê bao, MobiFone đã khóa dịch vụ của thuê bao.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel, cũng cho biết từ ngày 5-11 đến 21-11, công ty đã nhắn tin năm lần cho các thuê bao có các dấu hiệu kích hoạt sẵn để khách hàng biết và đăng ký lại thông tin theo quy định của Bộ TT&TT.
“Chúng tôi biết rằng việc này có thể gây phiền toái cho khách hàng. Tuy nhiên, vì an ninh quốc gia, an toàn cho chính khách hàng, chúng tôi khuyến cáo khách hàng nhanh chóng thực hiện việc đăng ký lại thông tin thuê bao. Hiện nay Viettel đã bố trí lực lượng ở mức tối đa tại các điểm đăng ký thông tin để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất” - ông Tuấn nói.
Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) khẳng định sẽ đảm bảo 100% SIM kích hoạt mới từ ngày 1-11-2016 trên tất cả kênh phân phối đều không có tài khoản tiền và lưu lượng (tài khoản = 0).
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT, đơn vị được giao quản lý và điều hành đầu số 456 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cho hay sau khi các nhà mạng tiến hành thu hồi SIM rác thì tin nhắn rác của khách hàng về hệ thống có giảm xuống. Cũng theo ông Lịch, trong ngày hôm nay (23-11) Bộ TT&TT sẽ tiến hành việc giám sát hoạt động của nhà mạng trong việc thực hiện cam kết nêu trên.
Xử lý các nhà mạng vi phạm Trong văn bản gửi các sở TT&TT trên cả nước mới đây, Bộ TT&TT yêu cầu các sở kiểm tra việc SIM được kích hoạt trước ngày 30- 9-2016; xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp viễn thông di động trong trường hợp SIM được kiểm tra có số thuê bao nằm trong danh sách đã bị thu hồi nhưng vẫn thực hiện được cuộc gọi, nhắn tin hoặc sử dụng được dịch vụ data hoặc dịch vụ khác; hoặc những SIM nằm trong danh sách thu hồi, đã thực hiện đăng ký lại thông tin và vẫn tiếp tục được bày bán tại các điểm bán. Trả lời báo chí ngày 21-11, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT, khẳng định Bộ sẽ yêu cầu các nhà mạng phải nâng cao trách nhiệm và phải chủ động chấn chỉnh lại việc thực hiện quy trình kích hoạt SIM một cách chặt chẽ hơn. Đồng thời, trong tương lai sẽ phối hợp đồng bộ kết nối các nhà mạng với cơ sở dữ liệu quốc gia để xác thực thông tin chủ sở hữu SIM và số lượng SIM kích hoạt trên một chủ sở hữu được kiểm soát chính xác theo đúng quy định của pháp luật. Cam kết thì phải thực hiện Bộ TT&TT đã có công văn yêu cầu các sở TT&TT từ 22-11-2016 đến 12-1-2017 phải tăng cường số lượng các đoàn cũng như tần suất các đợt thanh tra, đặc biệt chú trọng thanh tra đột xuất khi nhận được phản ánh việc vi phạm. Tinh thần là sẽ giám sát chặt chẽ việc khóa SIM, kiên quyết không để các nhà mạng cam kết mà không thực hiện. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn