Số liệu do ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cung cấp tại Hội nghị Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng sáng nay (2/11) cho thấy: Mức độ sử dụng các dịch vụ này của người dân đang gia tăng mạnh.
Trong đó, số tài khoản cá nhân hết năm 2015 đã gấp 15 lần so với năm 2004 khi đạt 36,77 triệu tài khoản. 20,67% người trưởng thành khu vực nông thôn có khoản vay ở tổ chức tài chính. Tốc độ gia tăng thanh toán qua Internet mỗi năm đạt 30-50% và đến nay trung bình mỗi tháng có khoảng 2 triệu khách hàng thanh toán tiền qua di động, số tiền trung bình khoảng 700.000 đồng mỗi người.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng cung tiền M2 giảm từ 18% (năm 2005) xuống 11%.
Theo thống kê, thời gian qua, ngành ngân hàng đã phát triển và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế với 9.787 chi nhánh, phòng giao dịch, 16.937 máy rút tiền tự động (ATM), 222.831 POS, trên 60 tổ chức tín dụng áp dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (internet banking), 35 tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động (mobile banking). Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển đa dạng, phong phú, có sản phẩm đã bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới. Mặt khác, chất lượng sản phẩm dịch vụ không ngừng được cải thiện.
Hội nghị Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng sáng nay (2/11)
Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn thách thức mà hệ thống ngân hàng cần cải thiện, đó là tỷ lệ thu phí dịch vụ phi tín dụng còn khiêm tốn; gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn dồn lên vai hệ thống ngân hàng cần phải được san sẻ từ thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm; mức độ tiếp cận dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp chưa đồng đều theo khu vực địa lý cũng như quy mô kinh doanh.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hội nghị này được tổ chức nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng theo Đề án 1726 của Thủ tướng. Một trong 8 mục tiêu cụ thể của Đề án này là đến năm 2020, 70% dân số trưởng thành có tài khoản ở ngân hàng. Bên cạnh đó, 35-40% người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng và 15% số chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng mở tại địa bàn nông thôn.
Đề án 1726 khẳng định rõ 6 nguyên tắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đề án đã đề ra 7 nhóm giải pháp rất đồng bộ, toàn diện và cụ thể. Qua 7 nhóm giải pháp có thể thấy, để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành ngân hàng thì rất cần sự vào cuộc, phối kết hợp của bộ, ngành khác. Điều này đã khẳng định tại bản kế hoạch triển khai 14 nhiệm vụ chủ yếu của Đề án như: nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bộ Tài chính hoàn thiện về chính sách bảo hiểm đối với nông nghiệp; Bộ Công an về hướng dẫn để các TCTD có thể tiếp cận thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư trong chấm điểm xếp hạng tín dụng… nhằm tạo lập môi trường kinh doanh phát triển dịch vụ ngân hàng đa dạng, đơn giản dễ tiếp cận và an toàn đối với người dân, doanh nghiệp.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của nền kinh tế nói chung, trong đó có chiến lược bộ phận phát triển ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế là rất quan trọng trong quá trình trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế là một trong những Đề án bộ phận cốt lõi để thực hiện chiến lược tổng thể để phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025, thay đổi căn bản toàn diện diện mạo hoạt động của hệ thống ngân hàng từ chỗ kinh doanh chủ yếu dựa vào tín dụng chuyển sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, tăng doanh thu từ dịch vụ, giảm bớt rủi ro tín dụng và giảm bớt nợ xấu.
An Hạ
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn