Máy bay sẵn sàng cất cánh tại Sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải.
Các hãng hàng không Trung Quốc cần thuê gần 100 phi công mỗi tuần trong gần 20 năm tới để đáp ứng nhu cầu đi lại đang tăng vọt của người dân. Đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực nội địa các hãng hàng không sẵn sàng chào mời các phi công nước ngoài có nhiều kinh nghiệm với mức lương béo bở.
Giacomo Palombo, cựu phi công của hãng United Airlines chia sẻ, hàng tuần anh đều nhận được những lời mời lái máy bay Airbus A320 tại Trung Quốc. Hãng hàng không nội địa Trung Quốc, Qingdao Airlines mời chào mức lương 310.000 USD/năm trong khi con số này tại Sichuan Airlines là 302.000 USD/năm. Cả hai hãng đều cam kết sẽ trả luôn hóa đơn thuế thu nhập tại Trung Quốc cho phi công.
Palombo (32 tuổi) hiện là một nhà tư vấn tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ của McKinsey & Co. Palombo nói rằng mình chắc chắn sẽ nghĩ đến việc gia nhập hãng hàng không Trung Quốc nếu quyết định trở lại nghề phi công.
Trả lương cao thu hút phi công ngoại
Trong vòng hai thập kỷ tới, ngành hàng không ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng gần 4 lần, trở thành một trong những thị trường nhộn nhịp nhất thế giới, theo Airbus Group SE. Các hãng hàng không mới ít danh tiếng thậm chí trả lương cho cơ trưởng cao hơn 50% so với những hãng hàng không như Delta Airlines. Thị trường lao động nhắm tới trải dải từ Mỹ tới New Zealand.
Với việc một số hãng hàng không Trung Quốc sẵn sàng trả mức lương ròng tới 26.000 USD mỗi tháng, con số mà các phi công đến từ Brazil hay Nga nhận được có thể tăng gấp 4 lần, Dave Ross, Chủ tịch của Wasinc International tại Las Vegas. Wasinc đang phụ trách tuyển dụng nhân lực cho hơn 10 hãng hàng không ở Trung Quốc, bao gồm Chengdu Airlines, Qingdao Airlines và Ruili Airlines.
Nhu cầu tuyển phi công mới theo khu vực trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2035.
“Khi chúng tôi hỏi một hãng hàng không rằng cần bao nhiêu phi công. Họ đều nói rằng bao nhiêu cũng nhận”, Ross chia sẻ.
Những người thích sống bên ngoài Trung Quốc kiếm ít hơn một chút nhưng được bao vé máy bay về thăm gia đình. Các yếu tố khác cũng được đề cập như tiền thưởng, tiền làm thêm giờ và tiền thanh toán hoàn thành hợp đồng. Ross nói rằng ông đã nhìn thấy Beijing Capital Airlines trả lương cho phi công lên tới 80.000 USD/tháng. Ross cho rằng với mức lương như vậy, các phi công có thể sống như những vị vua.
Đưa ra mức lương hấp dẫn là lựa chọn duy nhất cho các hãng hàng không mới bởi thương hiệu yếu và hồ sơ bay bị hạn chế, Liz Loveridge - người chịu trách nhiệm tuyển dụng nói. Các hãng hàng không Trung Quốc thậm chí phải trả lương cho nhân viên mới nhiều gấp 5 lần so với đối thủ châu Á.
“Do không thể thu hút lao động thông qua các ‘phương tiện’ khác, họ nghĩ rằng tiền là câu trả lời duy nhất”, Loveridge nói.
Bù đắp rủi ro
Các hãng hàng không Trung Quốc trả lương cao một phần để khắc phục những vấn đề cố hữu. Bộ máy quan liêu có thể khiến một phi công mất tới 2 năm mới có thể bắt đầu làm việc từ khi nộp đơn ứng tuyển.
Thông tin tuyển dụng phi công của hãng hàng không Trung Quốc.
Phi công nước ngoài làm việc ở Trung Quốc cần tài liệu, giấy phép lao động, giấy khám sức khỏe và phải được Sở Di trú phê duyệt.
Trong số 30.000 phi công làm việc cho ir China, China Eastern Airlines và hàng chục đối thủ cạnh tranh khác, chỉ có 2.200 là phi công nước ngoài đủ giấy phép làm việc.
Một số phi công nước ngoài sẵn sàng lái chiếc Boeing 737 cho hãng hàng không Urumqi Airlines để kiếm 21.333 USD/ tháng. Họ có thể phải ở Urumqi, khu vực tọa lạc ở phía tây Trung Quốc, giáp với Mông Cổ và Kazakhstan.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là khu vực xảy ra nhiều sự cố đối với ngành hàng không. Tỷ lệ tai nạn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 3,2:1.000.0000 chuyến bay vào năm ngoái, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1,8:1.000.0000 trên toàn thế giới. Không chỉ tai nạn, các sự cố như trục trặc hạ cánh cũng tăng lên kể từ năm 2011.
“Không nhiều phi công nước ngoài thực sự muốn tới Trung Quốc”, Richard Laig thuộc công ty tư vấn Mango Aviation Partners Ltd chia sẻ. “Nhiều nơi khác khiến họ cảm thấy thoải mái hơn”.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn